Ký sự Trường Sa: Ra khơi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi thực hiện các thủ tục y tế, chiều 26/4, tàu 571 rời Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) chở đoàn công tác số 4 ra thăm quân và dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Ký sự Trường Sa: Ra khơi ảnh 1

Nữ Thượng úy Trần Thị Thủy hát bài “Lời thương của đảo” nhớ về người bố và đồng đội đã hy sinh.

Tiếng ca trên boong tàu

Dưới nắng tháng 4, những bàn tay vẫy chào tạm biệt của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân và cả những ngọn núi, ngôi nhà dần khuất tầm mắt. Ra khơi, con tàu trở nên nhỏ bé giữa trùng dương mênh mông, một hải trình dài ngày bắt đầu. Những người lần đầu ra biển lớn cùng chung cảm xúc mới lạ, háo hức nơi đầu sóng, ngọn gió của biển cả quê hương. Với những người đã đi nhiều lần thì đó là mệnh lệnh của trái tim. Nơi ấy có quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của tổ quốc Việt Nam.

Ký sự Trường Sa: Ra khơi ảnh 2

Niềm vui của chiến sỹ câu được con cá lớn.

Tàu rẽ sóng, bọt tung trắng xóa. Ánh trăng rằm vằng vặc soi chiếu, biển cả trở nên lung linh lẫn sâu thẳm huyền bí. Để gắn kết các thành viên, tạo sự đoàn kết trong “gia đình tàu 571”, Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã đồng ý phê duyệt chương trình giao lưu văn nghệ vào mỗi đêm trên tàu. Dưới ánh đèn, tiếng nhạc rộn ràng, đoàn văn nghệ của tỉnh Khánh Hòa mở đầu bằng bài hát “Việt Nam ơi”. Những nam thanh, nữ tú khiến không khí trên tàu trở nên sôi động. Bài hát “Lời thương của đảo” do nữ Thượng úy Trần Thị Thủy (Cán bộ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) thể hiện đã làm nhiều người rơi nước mắt. Thủy là con gái duy nhất của Liệt sỹ Trần Văn Phương (hy sinh trên đảo Gạc Ma, ngày 14/3/1988). Từng lời bài hát được Thủy cất lên là nỗi nhớ bố da diết cùng niềm tự hào về những chiến sỹ hải quân anh hùng đã hy sinh vì sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vì sự vững chãi của Trường Sa - Tuyến đầu tổ quốc hôm nay.

“Vì em thương anh như thương cây bàng non...”, tiếng hát của bạn Phương Linh. Ngồi kế bên, một người bạn nói: “Bài hát này khởi nguồn từ câu chuyện, một nữ nhà báo ra thăm đảo và nhớ nhung người lính hải quân, một nhạc sỹ chứng kiến cảnh này nên sáng tác bài hát “Vô cùng”. Những đêm sau, trăng vẫn sáng tròn, cờ tổ quốc đón gió bay phấp phới, chương trình văn nghệ được nối dài với những bài hát về biển, đảo quê hương... “Nơi đảo xa”; “Gần lắm Trường Sa ơi”; “Thơ tình người lính biển...” ngân vang giữa muôn trùng con sóng. Giao lưu văn nghệ trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của đoàn công tác số 4.

Những giọng ca của tàu 571 đã mang lại tình cảm ấm cúng, gần gũi, thân thương khi giao lưu với các chiến sỹ trên đảo, để những chiến sỹ trẻ vơi nỗi nhớ nhà, kéo Trường Sa gần hơn với đất liền.

Trên hải trình dài

Xen lẫn cùng với tiếng ca trên boong tàu là thú vui câu cá mỗi khi tàu thả neo. Thường thì thú vui này chủ yếu là dành cho cánh đàn ông nhưng với những người phụ nữ trên tàu 571 thì ngồi câu cá giữa biển khơi cũng là một giải pháp thư giãn hữu hiệu. Sau bữa cơm tối, các cần thủ là thành viên đoàn công tác và các chiến sỹ trẻ sẽ nhanh chóng chọn cho mình một vị trí thích hợp để thả câu. Để có mồi câu, một số thanh niên, trai tráng sẽ đảm nhận việc rọi đèn và vớt cá chuồn. Vì loại cá này nhiều và dễ bắt nhất. Một chiếc đèn LED cỡ lớn được gắn vào thành tàu, chiếu thẳng xuống biển. Chỉ ít phút sau, đàn cá chuồn bay nhảy lên mặt nước, đùa vui cùng ánh đèn. Các “cần thủ” dùng vợt để vớt cá. Khoảng 30 phút, mồi câu được chuẩn bị sẵn sàng cho một đêm chinh phục.

Y sỹ Cao Văn Tứ, đơn vị D3, Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân chia sẻ: “18h - 20h sẽ là một trong những khung thời gian thích hợp để câu cá. Cá lên rất nhiều. Đối với cá ngừ thì câu ở độ sâu 45 - 50m, cá nhồng 20 - 40m, còn muốn thử sức với cá đáy thì như tên gọi là thả câu xuống đáy biển. Những lúc nước đứng thì dễ câu hơn còn neo tàu đúng dòng chảy thì khó được cá, nhưng khi được sẽ là con cá rất to. Có những con nặng hơn 10 kg, thậm chí 40 kg. Chúng tôi hay câu cá ngừ vì quen thuộc với cách di chuyển cũng như mồi câu, cá ngừ ăn mồi là phải kéo nhanh và đều”.

Trong những cần thủ trên tàu thì Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 được đánh giá là một người lão luyện. Thiếu tướng Sơn thường lặng lẽ chọn cho mình vị trí quen thuộc sau boong tàu. Khi câu được cá nhỏ, ông Sơn thường thả cá trở lại biển và tiếp tục chờ đợi những con cá lớn hơn. Giọng nói đầm ấm, thân thiện, ông không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho những người lần đầu tập câu. Sáng hôm sau gặp ở nhà ăn, tôi được biết, tối hôm qua ông vừa câu được một con cá ngừ nặng gần 10kg. “Câu cá cũng là một cách rèn luyện tính kiên trì, bản lĩnh. Ngoài ra cũng là cách để giải tỏa áp lực cuộc sống, công việc”, một cần thủ lớn tuổi cho hay.

Càng về sau thú vui câu cá càng thu hút nhiều người tham gia. Khi cần thủ nào dính cá, nhóm “cổ động viên” sẽ cùng ào đến và dõi theo. Nhìn vào khuôn mặt căng thẳng kéo dây của cần thủ, nhiều người cũng hồi hộp. Con cá được đưa lên boong tàu là lúc vui nhộn nhất. Người này, người khác, già, trẻ thay nhau chụp hình với “chiến lợi phẩm”. Thậm chí, nhiều phụ nữ đang cùng các chiến sỹ phục vụ rửa chén, bát cũng đứng dậy để lưu giữ một tấm hình kỷ niệm.

Ông Vũ Trường Giang - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn vui vẻ nói: “Tôi không biết câu cá nhưng thích chứng kiến mọi người ngồi câu. Hôm trước, tôi cũng chụp hình với một con cá nhồng nặng 20kg. Đặc biệt, trong lúc chờ cá cắn câu, tôi thích không khí trong lành của biển, mọi người nghe và cùng nhau chia sẻ chuyện gia đình, chuyện công việc, chuyện biển cả...”.

Chuyến hành trình giữa biển lớn sẽ không hoàn mỹ nếu không được chứng kiến đàn cá heo bơi nhảy bên tàu. Đoàn công tác số 4 may mắn khi 3 đêm liên tiếp có sự đồng hành của hàng chục chú cá heo. Tiếng vỗ tay thỏa thích khi một chú cá heo biểu diễn tuyệt kỹ nhào lộn trên mặt biển. Như hiểu ý người xem và được cổ vũ nồng nhiệt, đàn cá heo hào hứng thay nhau đáp ứng. Tàu rẽ sóng đi xa, đàn cá heo dừng và tụm lại như lời tạm biệt.

MỚI - NÓNG