Cuộc họp do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức. Tham dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nhiều bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương ĐBSCL, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các ngân hàng thương mại.
Được mùa lớn, khó bán
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát báo cáo, đến ngày 10/3, lúa đông xuân ở ĐBSCL đã thu hoạch gần nửa diện tích. Dự kiến, sản lượng lúa gần 11 triệu tấn, tăng hơn 34.000 tấn so với vụ đông xuân năm trước; năng suất bình quân 6,83 tấn/ha, có nơi 10 tấn/ha, “là một vụ đông xuân được mùa lớn”. Lượng gạo hàng hoá của vụ đông xuân là 4,3 triệu tấn.
Tuy nhiên, lúa gạo lại lặp điệp khúc “được mùa mất giá” như nhiều năm qua. Lãnh đạo các địa phương ĐBSCL phản ánh, giá lúa hạ xuống thấp chỉ trong vòng chục ngày qua, hiện thương lái không mua, và những tỉnh có sản lượng lúa cao như Kiên Giang, An Giang “đang mệt mỏi”. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, giá lúa hiện nay thấp hơn cuối tháng 2 khoảng 1.200 đ/kg, và được lo ngại sẽ còn giảm nữa, vì vụ đông xuân tập trung thu hoạch vào tháng 3 và tháng 4, trong lúc thị trường xuất khẩu ảm đạm.
Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong nói, xuất khẩu gạo đang “cực kỳ khó khăn”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng báo cáo, xuất khẩu gạo đến ngày 10/3, được 753.000 tấn, giá FOB bình quân 428,72 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2013, số lượng và giá xuất khẩu đều giảm. Tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất nước là Kiên Giang, Chủ tịch tỉnh cho biết, dự kiến xuất khẩu năm 2014 hơn 1,1 triệu tấn gạo nhưng đến nay mới xuất được gần 10%.
Lượng gạo hàng hoá cả năm 2014, tính toán của Bộ NN&PTNT, khoảng 8,6 triệu tấn. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Một số nước nhập khẩu lớn truyền thống của nước ta như Philippines, Indonesia cũng tạm dừng thoả thuận hợp đồng nhập khẩu để nghe ngóng thị trường”. Trước đây, Việt Nam và nhiều nước khác đã ký thoả thuận cấp Chính phủ và cấp bộ, mỗi năm Việt Nam bán nhiều triệu tấn gạo nhưng gần đây việc thực hiện đạt tỷ lệ thấp.
Tạm trữ và chuyển đổi
Mặc dù đại diện VFA không tán thành, nhưng trước đề xuất của lãnh đạo các bộ và địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định cho mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo từ ngày 15/3. Việc mua tạm trữ thực hiện ngay để giữ giá lúa trên thị trường, không để xuống thấp hơn nữa sẽ khó khăn cho nông dân. Tạm trữ kéo dài 4 tháng, hơn những năm trước chỉ 3 tháng. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình công bố lãi suất cho vay mua tạm trữ là 7% một năm.
Ông Trần Quốc Việt ở xã Trường Xuân (Thới Lai, Cần Thơ) bên lúa đông xuân vừa thu hoạch chưa bán được. Ảnh: HOÀ HỘI
Ông Bình còn cho biết, từ đầu tuần tới sẽ hạ lãi suất ngân hàng. Theo đó, trần lãi suất huy động một năm, từ 7% hiện nay xuống 6%. Trong nông nghiệp, mua tạm trữ lúa được ưu đãi đặc biệt với lãi suất 7%.
Lãi suất ưu đãi đặc biệt 7% còn dành cho chương trình thí điểm thúc đẩy tái cấu trúc nông nghiệp để thoát khỏi tình trạng manh mún hiện nay. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề xuất kế hoạch giảm sản lượng lúa bằng việc chuyển đổi diện tích lúa sang cây màu, dự kiến 112.000 ha từ nay đến năm 2015, và kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “cơ bản đồng ý với các kiến nghị” để phát triển nông nghiệp bền vững. Thủ tướng nói, chuyển diện tích lúa năng suất thấp sang trồng ngô và đậu nành, nếu thay thế được 50% sản lượng nhập khẩu hiện nay, tức là có gía trị khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm thì sẽ được hỗ trợ tối đa. Thủ tướng yêu cầu và đặt hàng cho các nhà khoa học: Nghiên cứu sử dụng dùng sản lượng lúa dư thừa hiện nay để chế biến thức ăn chăn nuôi được không?