Bốn bộ cùng 'nội soi' giá sữa

Bốn bộ cùng 'nội soi' giá sữa
TP - Trao đổi với Tiền Phong chiều qua, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hôm nay 4 bộ liên quan sẽ có cuộc họp để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra dấu hiệu các doanh nghiệp sữa liên kết tăng giá bất hợp lý.

Nội soi những “ông lớn”

Cụ thể, các bộ: Tài chính, Công thương, Y tế, Tư pháp sẽ ngồi lại với nhau để “khám tổng thể” thị trường sữa hiện nay, tập trung vào những “ông lớn” đang chiếm thị phần chi phối thị trường. Trong đó, sẽ phân công cụ thể nhiệm vụ cho các bộ ngành trong chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ làm rõ cơ cấu giá, trong đó có giá nguyên liệu thế giới, rà soát các quy định pháp luật để lý giải nghi vấn có hay không việc các doanh nghiệp sữa “bắt tay” nhau tăng giá, vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Bốn bộ cùng 'nội soi' giá sữa ảnh 1

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, chiều qua lãnh đạo bộ này đã ký quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ Tài chính chủ trì thanh tra 5 công ty sữa lớn, gồm: Cty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Cty Cổ phần sữa Việt Nam, Cty TNHH Nestle Việt Nam, Cty TNHH FrieslandCampina Việt Nam và Công ty 3 A (phân phối sữa Abbott). Các đoàn thanh tra sẽ đồng loạt triển khai nhiệm vụ trong tuần này.

Ông Tuấn cho biết thêm, trước những dấu hiệu vi phạm về việc tăng giá, Cục Quản lý giá đã kịp thời phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc làm rõ vấn đề này nhằm thanh tra, kiểm tra DN theo chỉ đạo của Chính phủ, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về giá và về thuế của các DN vi phạm. Ngay sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lo ngại quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại khi vừa qua bốn hãng sữa lớn nhất cùng lúc lên giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. “Đây là biểu hiện mà theo Luật Cạnh tranh là có thỏa thuận. Vừa rồi Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu giải trình nhưng họ cứ lên giá cùng lúc. 

Chúng ta nhớ lại cách đây ba tháng thì 3 công ty viễn thông lớn cũng tăng giá cước 3G cùng một ngày. Hình thức là quyền của doanh nghiệp, nhưng trong một thị trường mà dưới năm người cạnh tranh là nguy cơ thỏa thuận rất lớn gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, ông Nhân nói và đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo vệ người tiêu dùng bằng giám sát cạnh tranh không lành mạnh.

Làm rõ “khoảng mờ”

Đại diện đối ngoại Cty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, việc điều chỉnh giá của công ty vừa qua là bất khả kháng do giá nguyên liệu thế giới so với quý III/2013 đã tăng từ 37- 51%. Nguyên liệu thế giới tăng cao bất thường thời gian qua do Australia và NewZealand bị giảm sản lượng sữa. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh thu gom nguyên liệu sữa thế giới vì người tiêu dùng Trung Quốc thiếu tin tưởng nguyên liệu trong nước.

Bốn bộ cùng 'nội soi' giá sữa ảnh 2

Người tiêu dùng cân nhắc khi chọn các nhãn hàng sữa. ảnh: hồng vĩnh

“Đối với Vinamilk từ một năm qua chúng tôi tham gia chương trình bình ổn giá nên đợt tăng giá này là lần điều chỉnh duy nhất trong một năm qua với mức tăng trung bình 6%”, đại diện Vinamilk cho biết.

Đại diện Cty TNHH FrieslandCampina Việt Nam cũng lý giải, việc công ty đăng ký điều chỉnh giá bán do nhiều nguyên liệu sản xuất tăng mạnh chứ hoàn toàn không có việc doanh nghiệp liên kết để tăng giá. “FrieslandCampina Việt Nam đã kê khai và có dự kiến điều chỉnh giá bán 16 sản phẩm sữa dành cho trẻ em từ ngày 25/2 nhưng thực tế chúng tôi hiện vẫn chưa điều chỉnh giá sản phẩm nào và cố gắng kiểm soát chi phí”, đại diện FrieslandCampina Việt Nam cho biết.

Rõ ràng, đang có những thông tin trái ngược nhau trên thị trường sữa. Hy vọng những “khoảng mờ” sớm được lôi ra ánh sáng khi các cơ quan chức năng của 4 bộ liên quan cùng vào cuộc, đặc biệt cần làm rõ cơ cấu giá thành của từng sản phẩm, không để người tiêu dùng Việt Nam bị “móc túi” do giá sữa liên tục tăng trong nhiều năm trở lại đây.

Được biết, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có công văn đề nghị Cty TNHH Nestle (nhà phân phối sữa Nan) giải trình lý do tăng giá do công ty đưa ra thiếu thuyết phục. Nestle đưa ra lý giải việc điều chỉnh tăng do mức lạm phát; chi phí nhân công, vận chuyển và giá nhập khẩu. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá cho rằng, Nestle phải giải trình cụ thể đối với từng sản phẩm trên cơ sở yếu tố chi phí đầu vào tăng như giá vốn nhập khẩu, chi phí bán hàng, chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp và thời điểm tăng chi phí đầu vào tác động làm giá bán sản phẩm tăng...

MỚI - NÓNG