Khởi công thành phố hiện đại nhất Đông Nam Á vào tháng 10

Khởi công thành phố hiện đại nhất Đông Nam Á vào tháng 10
TPO - Dự án xây dựng thành phố thông minh trị giá hơn 4 tỷ USD sẽ được khởi công vào tháng 10/2018 sau khi giải phóng mặt bằng. Được biết, toàn bộ thành phố sẽ sử dụng một phần điện mặt trời, nước uống tại vòi, hệ thống phương tiện công cộng ngay trong thành phố và kết nối với các khu vực khác.

Một trong những dự án gây chú ý được trao quyết định đầu tư tại “Hội nghị "Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển" sáng 17/6 là dự án xây dựng thành phố thông minh có trị giá hơn 4 tỷ USD tại huyện Đông Anh.  

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, tập đoàn BRG đã hoàn chỉnh các bước về hồ sơ pháp lý và chuẩn bị đầu tư, về tài chính cũng đã sẵn sàng và không còn trở ngại gì. Sau hôm nay, sẽ còn rất nhiều việc phải làm, đầu tiên là giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khâu giải phóng mặt bằng được bà con nhân dân xã Hải Bối, huyện Đông Anh nhiệt tình ủng hộ bởi quy hoạch giữ lại những làng mạc truyền thống. Chỉ xây dựng khu đô thị hiện đại ở những nơi ít dân cư. Bà Nga thông tin: Dự kiến dự án sẽ khởi công giai đoạn 1 vào tháng 10/2018, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2020. Hoàn thành toàn dự án vào năm 2028.

 
Khởi công thành phố hiện đại nhất Đông Nam Á vào tháng 10 ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chứng nhận đầu tư cho dự án thành phố thông minh tại Hà Nội.

Bà Nga cho biết thêm, điểm đặc biệt của thành phố thông minh sẽ là đô thị cực kỳ hiện đại, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Sử dụng điện mặt trời, nước uống tại vòi… Ngoài ra, còn có hệ thống phương tiện công cộng ngay trong thành phố và kết nối với các khu vực khác.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm được triển khai. Theo ông Chung, từ năm 2015 Tập đoàn Sumimoto đã đề xuất đầu tư vào khu đô thị thông minh này. Ngay sau đó, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, xem xét các điều kiện của nhà đầu tư đưa ra. Sau 3 năm, nhà đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ xác định minh chứng về một đô thị theo hướng hiện đại, thông minh thì hôm nay, Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này. “Hà Nội sẽ phối hợp với nhà đầu tư để triển khai tiếp các bước giao đất, cùng các bước tiếp theo để nhà đầu tư sớm khởi động dự án này”, lãnh đạo Hà Nội nói.

Ông Chung thông tin thêm, hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án đầu tư công, cũng như các dự án đầu tư tư nhân trên địa bàn gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, Hà Nội đã hiện xem xét các thủ tục đầu tư chặt chẽ, trên cơ sở đó công bố công khai, tuyên truyền rộng rãi với người dân có dự án được triển khai. Từ đó, có được sự đồng thuận của người dân để dự án sớm được triển khai.  

Thành phố thông minh tại Hà Nội là dự án liên danh của Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG của Việt Nam. Công ty kiến trúc Nikken Sekkei của Nhật thực hiện thiết kế thành phố trên 310 hecta tại huyện Đông Anh, cách trung tâm thành phố 15 phút chạy xe. Dự án có tổng mức đầu tư là 4,138 tỷ USD gồm 5 giai đoạn, 5 mô hình liên doanh để phát triển từng giai đoạn một.

Cụ thể, giai đoạn 1 liên danh Sumimoto-BRG sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD trên diện tích 73,11 hecta. Trong giai đoạn này hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ, kết nối cho cả dự án. Thành phố thông minh này sẽ có lõi chính là ga của tuyến đường sắt số 2, xuất phát từ phố Trần Hưng Đạo.

Giai đoạn này có thể bắt đầu triển khai từ đầu tháng 10/2018. Trong đó, 7.000 căn hộ và cơ sở thương mại sẽ được hoàn thành vào cuối năm sau. Các căn hộ hướng tới đối tượng khách hàng thu nhập trung bình. Liên danh Sumimoto - BRG sẽ đầu tư trên 1 tỷ USD.

Trước đó vào tháng 6/2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài giữa UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) với tổng số vốn lên tới 4 tỷ USD.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.