Khoa học công nghệ tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế xã hội

Giám đốc Sở KHCN Lê Ngọc Anh thăm đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Giám đốc Sở KHCN Lê Ngọc Anh thăm đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
TP - Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Thủ đô. Ngày càng khẳng định vai trò là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Triển khai gần 1.000 đề tài khoa học công nghệ

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Sở KH&CN Hà Nội đã triển khai 996 đề tài, dự án KHCN cấp thành phố, nghiên cứu khoa học và công nghệ với 674 đề tài về khoa học công nghệ, 227 đề tài về khoa học xã hội và nhân văn, 95 dự án sản xuất thử nghiệm. Hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án vào thực tiễn ngày càng tăng. Đơn cử trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, đã có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu hệ thống các giá trị lịch sử - văn hóa đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hiến 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội: 18 tập Bách khoa thư Hà Nội; 14 tập Bách khoa thư Hà Nội giai đoạn II (Hà Nội mở rộng)…

KHCN đóng góp phần quan trọng để tạo đột phá thay đổi bộ mặt đô thị, trong đó có việc khớp nối giao thông, xây dựng và quy hoạch của Hà Nội với các vùng lân cận. Bao gồm các giải pháp về quy hoạch, cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quy hoạch, cải tạo các khu chung cư cũ, phát triển tính đa dạng trong không gian kiến trúc Hà Nội; Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô…

Trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, công tác tổ chức, quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố từng bước được tăng cường đã giúp các cá nhân, tổ chức và địa phương xây dựng thương hiệu, nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Từ năm 2008 đến nay, Sở KH&CN đã tổ chức hướng dẫn, tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho trên 355 tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 23 sản phẩm đặc sản của làng nghề truyền thống như: “Tranh thêu” của huyện Thường Tín, “Sữa bò Ba Vì”… và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm.

Tập trung KHCN trọng tâm, trọng điểm

Sau 10 năm, công tác thẩm định, phê duyệt các đề tài, dự án, đề án đã được quan tâm chỉ đạo, thời gian thẩm định tại cơ quan quản lý đã được rút ngắn và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị. Đến nay, đã tiến hành thẩm định công nghệ 257 hồ sơ dự án đầu tư trong các lĩnh vực: Xử lý chất thải, hiện đại hóa các cơ sở y tế, các dây chuyền chế biến thực phẩm. Trong đó có Dự án nhà máy xử lý rác tại Nam Sơn công suất 2.000 tấn/ngày; Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp 75 tấn/ngày để phát điện tại Nam Sơn; Xử lý hồ ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Hà Nội…

Đồng thời cấp giấy chứng nhận đăng ký 74 hợp đồng chuyển giao công nghệ, trợ giúp kỹ thuật; cấp mới giấy chứng nhận hoạt động khoa học - công nghệ cho 366 tổ chức. Cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN cho 44 doanh nghiệp. Hà Nội là địa phương có số lượng doanh nghiệp KHCN nhiều nhất cả nước.

Theo Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Lê Ngọc Anh, sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã tập trung đầu tư xây dựng một số tổ chức KHCN cho những hướng KHCN trọng điểm, đảm bảo có đầy đủ những trang thiết bị nghiên cứu, thực nghiệm, thông tin, đội ngũ cán bộ KHCN đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng các dự án đầu tư tiềm lực. Thời gian tới, hoạt động KHCN thành phố sẽ đẩy mạnh hơn việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tiễn, có những đột phá mới… để ngành KHCN thực sự trở thành đòn bẩy, động lực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Ðã có 23 sản phẩm đặc sản làng nghề truyền thống được xây dựng nhãn hiệu: “Tranh thêu” của huyện Thường Tín, “Sữa bò Ba Vì” “Nón chuông” của huyện Thanh Oai, “Bưởi tôm vàng” của huyện Ðan Phượng, “Nhãn chín muộn” của huyện Hoài Ðức và “Rau hữu cơ” của huyện Sóc Sơn…

MỚI - NÓNG