Khi nào xử lý hình sự hành vi huỷ hoại tài sản?

TPO - Ngày 9/10, anh Dương Văn Trường (SN 1973, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) có đơn tố cáo gửi toà soạn báo Tiền Phong, kèm theo câu hỏi nhờ tư vấn pháp luật: ”Khi nào hành vi huỷ hoại tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự?".

Nội dung đơn thể hiện, tối 30/12/2013, tại quán ăn của anh ở phường Ngọc Khánh xuất hiện nhiều thanh niên lạ mặt, xông vào cửa hàng đập phá nhiều tài sản như tivi, biển quảng cáo, phông bạt… thiệt hại hơn 18 triệu đồng. Vậy, hành vi này có bị xử lý hình sự hay không?

Trả lời:

Theo luật sư  Nguyễn Đức Toàn (Đoàn luật sư Hà Nội), Khoản 1, Điều 143 Bộ luật Hình sự quy định về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau: "Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

Như vậy, tội huỷ hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ cấu thành khi hành vi hủy hoại gây ra thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích.

Về trường hợp như anh Trường phản ánh là có dấu hiệu của tội huỷ hoại tài sản. Anh có thể làm đơn, kèm theo các tài liệu liên quan tới cơ quan chức năng nơi xảy ra vụ việc để điều tra, làm rõ.

MỚI - NÓNG