Khi nào Sa Pa, Mẫu Sơn có băng giá, tuyết rơi?

TPO - Chuyên gia Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, đợt không khí lạnh đầu mùa này sẽ khiến miền Bắc rét đến hết tuần. Các đợt rét năm nay khả năng lạnh hơn mùa Đông-Xuân năm ngoái, băng giá có thể xuất hiện nhiều trong các tháng 12 năm nay và tháng 1, 2 năm sau.

Trao đổi với PV Tiền Phong, các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, đợt không khí lạnh mạnh đầu mùa sẽ khiến miền Bắc rét đến hết tuần. Các đợt rét năm nay, có khả năng lạnh hơn mùa Đông-Xuân năm ngoái, băng giá sẽ có khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng 12 năm nay và tháng 1, 2 năm sau. 

Miền Bắc rét đến hết tuần

Theo bà Trần Thị Chúc, Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương), khối không khí lạnh có cường độ mạnh nhất kể từ đầu mùa đến nay đã khiến trời chuyển rét ở hầu hết các nơi thuộc Bắc bộ từ ngày 19/11.

Dự báo, từ nay đến khoảng 24-25/11, không khí lạnh liên tiếp bổ sung, trong khi đó ở các hệ thống khí quyển tầng cao xuất hiện hình thế thời tiết gây mưa, nên rét sẽ kéo dài từ nay cho đến hết tuần.

Trong đó, ngày 24-25/11 có mức nhiệt thấp nhất trong cả đợt (nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng khoảng 13-15 độ C ở vùng đồng bằng và trung du, vùng núi 11 – 13 độ C, khu vực núi cao có thể giảm xuống dưới 5 độ C).

Đợt mưa này gây rét như thế nào, liệu có khu vực nào xuất hiện băng giá, thậm chí là tuyết như những đợt rét đậm, rét hại trước đây?

Bà Trần Thị Chúc: Trước tiên, xin nói rõ, theo quy định tại Việt Nam, trời rét là khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 15 đến 20 độ C. Gọi là rét đậm khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 13 đến 15 độ C. Còn rét hại là khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực giảm xuống dưới 13 độ C.

Tuy nhiên, các thuật ngữ trên không áp dụng đối với vùng núi vì ở đó rét đậm, rét hại không phải xảy ra từng đợt, mà hầu như xảy ra suốt tháng. Ví dụ, tại Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu)... rét đậm hầu như xảy ra suốt cả mùa đông (tháng 12 năm trước và  tháng 1,2 năm sau)

Về đợt không khí lạnh đang diễn ra, từ ngày 23 đến ngày 25/11,  khu vực Bắc bộ có mưa, bắt đầu từ các tỉnh thuộc khu tây bắc, sau lan dần sang vùng núi Việt Bắc và các tỉnh phía đông Bắc bộ.

Vùng núi và một số nơi ở vùng trung du, đồng bằng có rét đậm trong thời kỳ này. Khu vực núi cao ở ngưỡng rét hại, nhưng khả năng xuất mưa tuyết không nhiều, tuy nhiên có khả năng xuấthiện băng giá trên các vùng núi cao trên 3.000 mét.

Khả năng xuất hiện băng giá trên núi cao

Từ nay đến cuối mùa Đông, sẽ còn khoảng mấy đợt rét nữa? Khả năng xuất hiện băng giá, tuyết thế nào, nếu có thì xuất hiện ở những khu vực nào?

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương): Theo nhận định của Trung tâm, nhiệt độ trung bình trên cả nước nói chung và miền Bắc nói riêng, từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN).

Theo đó, các đợt rét năm nay cũng sẽ ở mức TBNN nhưng sẽ có xu hướng rét hơn mùa Đông - Xuân năm ngoái (2016-2017).

Khi nào Sa Pa, Mẫu Sơn có băng giá, tuyết rơi? ảnh 1 Ở các khu vực núi cao như Sa Pa, Mẫu Sơn khả năng sẽ xuất hiện băng giá, thậm chí có tuyết rơi trong mùa Đông năm nay

Thưa ông, khả năng xuất hiện băng giá, tuyết như thế nào, khu vực nào có nguy cơ đó?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Băng giá sẽ có khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng 12 năm nay và tháng 1, 2 năm sau và thường sẽ sẽ xảy ra ở khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc. Các tỉnh trung du và Đồng bằng Bắc bộ ít xuất hiện băng giá hơn.

Về mưa tuyết, không phải năm nào cũng quan sát được tuyết rơi, nhưng theo chu kỳ thống kê, cứ khoảng 2-4 năm lại xuất hiện một lần và thường xuất hiện ở khu vực Sìn Hồ (Lai Châu), Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -nơi có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển.

Tuy nhiên khác với hiện tượng tuyết rơi thì hiện tượng băng tuyết xuất hiện thường xuyên trong các tháng mùa đông ở những khu vực núi cao như  đỉnh Phan Xi Păng với độ cao trên 3.000 mét.

So với những đợt rét trước đây, những đợt rét năm nay có đặc điểm gì khác biệt? Ông có khuyến cáo gì đến người dân để chủ động bảo vệ sức khoẻ, sản xuất?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Theo nhận định, mùa Đông -Xuân 2017-2018 rét đậm, rét hại ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ có khả năng tập trung trong thời đoạn tháng 1 và tháng 2/2018. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 7-10 ngày.

Tuy nhiên, để người dân chủ động bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo hoạt động sản xuất, chúng tôi khuyến cáo người dân nên liên tục theo dõi những bản tin dự báo thời tiết thời hạn 10 ngày được cập nhật liên tục trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bởi lẽ, nhận định dài hạn sẽ có nhưng sai số và không đưa được thông tin về những đợt rét cụ thể. Với dự báo thời tiết trong thời hạn 10 ngày, chúng tôi sẽ có những thông tin chính xác và cụ thể hơn.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.