IPU 132: Sẽ đưa ra các chương trình mục tiêu quốc gia

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi họp báo IPU 132. Ảnh: Tuấn Anh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi họp báo IPU 132. Ảnh: Tuấn Anh
TP - Tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132 từ ngày 28/3 đến 1/4 tại Hà Nội, hơn 1.600 đại biểu sẽ đưa ra những chương trình mục tiêu quốc gia, tạo sức ép nhiều hơn lên các chính phủ và đóng vai trò giám sát để bảo đảm các mục tiêu trở thành hiện thực.

Trong cuộc họp báo quốc tế chiều 26/3 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng mọi yếu tố để đảm bảo IPU 132 diễn ra thành công. Bày tỏ ấn tượng trước sự chuẩn bị của Việt Nam, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nói: “Chúng tôi mong không chỉ ấn tượng bởi địa điểm tổ chức mà cả những quyết định ý nghĩa được đưa ra”.

Với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam đề xuất chủ đề thảo luận chung cho Đại hội đồng và được IPU chấp thuận. Đó là “Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”. IPU 123 sẽ đánh giá kết quả thực hiện những Mục tiêu thiên niên kỷ mà các thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) cam kết năm 2000. Đại hội đồng cũng sẽ đề ra chương trình cho giai đoạn phát triển tiếp theo trên phạm vi toàn cầu.

Đảm bảo nguồn lực để thực hiện mục tiêu

Các nghị viện có vai trò càng ngày càng quan trọng đối với mỗi quốc gia trong việc phân bổ nguồn lực, quyết định nhân danh nhà nước, tạo mọi cơ chế, chính sách để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững trở thành hiện thực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, đối với Việt Nam, mục tiêu giảm nghèo là quan trọng nhất, không chỉ giảm nghèo về kinh tế, đời sống, mà còn giảm nghèo về y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quyền bình đẳng giới. Đại hội đồng lần này bàn đến mục tiêu thiên niên kỷ cho 15 năm tới, nhưng quan trọng hơn là lời nói đi đôi với hành động. Tiếng nói của IPU lần này sẽ tác động tích cực đến Đại hội đồng LHQ để thông qua chương trình hành động của LHQ giai đoạn 2016-2030.

Bên cạnh đó, Hội nghị Nữ nghị sĩ dự kiến đón hơn 200 nữ đại biểu để kỷ niệm 30 năm thành lập hội. Nhân dịp này, Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức một sự kiện kỷ niệm và thể hiện cam kết tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động của hội. Tại cuộc họp báo, Tổng thư ký IPU Martin Chungong cho biết, năm nay kỷ niệm 30 năm nữ nghị sĩ tham gia IPU. Tỷ lệ nữ nghị sĩ tăng từ 11% năm 1995 lên 22% hiện nay, nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng. “Chúng tôi rất ấn tượng với con số 25% nghị sĩ của Việt Nam là nữ và hy vọng Việt Nam sẽ vượt qua mức cam kết 35%. Tôi hy vọng Tuyên bố chung Hà Nội sẽ là bàn đạp để chúng ta đạt được mục tiêu cao hơn”, ông Chungong nói.

Đại hội đồng sẽ đưa ra các dự thảo nghị quyết tại Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế, Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại, Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền và Ủy ban thường trực về Các vấn đề LHQ. Những sáng kiến cấp ủy ban cũng được IPU đồng ý như: “Định hình một hệ thống mới cho quản trị nước; thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước”…

Trong thời gian diễn ra Đại hội đồng, Hiệp hội các Tổng thư ký Nghị viện (ASGP) sẽ họp và thảo luận 2 chủ đề: “Tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc nghị viện hoạt động hiệu quả” do phía Việt Nam đề xuất và “Vận động hành lang và các nhóm lợi ích: một khía cạnh khác của quá trình lập pháp” do Philippines đề xuất. Cũng nhân dịp này, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ của IPU sẽ được tổ chức để những người trẻ bày tỏ quan điểm về 2 dự thảo nghị quyết về chiến tranh mạng và định hình cơ chế mới cho quản trị nước. 

Chiều 26/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Việt Nam đã nhận được sự khẳng định tham gia của hơn 160 đoàn, đến từ các nghị viện thành viên IPU, thành viên liên kết, quan sát viên và khách mời quốc tế. Sáng cùng ngày, trung tâm báo chí được khai trương tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia nhằm phục vụ các hoạt động báo chí, truyền thông về IPU 132.

MỚI - NÓNG