Huy chương Nobel đầu tiên làm từ vàng 'có trách nhiệm'

Huy chương Nobel đầu tiên làm từ vàng 'có trách nhiệm'
TP - Ngày 10/12, chủ nhân giải thưởng Nobel Hòa bình 2015 được trao tiền thưởng, giấy chứng nhận và huy chương vàng.

Cùng ngày, các thợ mỏ Columbia cũng cảm thấy tự hào vì đó là chiếc huy chương Nobel đầu tiên được làm từ vàng “có trách nhiệm” mà họ cung cấp.

Một nhóm thợ mỏ ở thị trấn Íquira, tỉnh Huila thuộc vùng tây nam Colombia đã cung cấp vàng từ một mỏ được chứng nhận là “có trách nhiệm” để làm huy chương Nobel. Chiếc huy chương là sản phẩm hợp tác của Xưởng đúc tiền Na Uy và tổ chức phi lợi nhuận ở Colombia tên là Liên minh Khai khoáng Có trách nhiệm. Họ muốn thế giới chú ý hơn đến những vấn đề mà các thợ mỏ ở những nước nghèo trên thế giới đang phải đối mặt.

“Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi biết rằng huy chương Nobel được làm từ nguyên liệu đến từ khu vực của chúng tôi. Đó là một nguyên liệu mang tính chất công bằng và rất có trách nhiệm”, Jose Ignacio Perez, một thợ mỏ thuộc Hợp tác xã Íquira, nói với Quỹ Thomson Reuters.

Tại thủ đô Oslo của Na Uy, huy chương vàng giải Nobel Hòa bình 2015 được trao cho Bộ tứ Đối thoại dân tộc Tunisia vì đã có công giúp Tunisia thoát nguy cơ nội chiến trong bối cảnh Mùa xuân Ảrập, đồng thời góp phần xây dựng nền dân chủ ở nước này. Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia gồm 4 tổ chức: Nghiệp đoàn Quốc gia Tunisia, Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và Thủ công Tunisia, Liên minh nhân quyền Tunisia và Hội Luật sư Tunisia.

Chiếc huy chương Nobel nặng 150 gam làm từ vàng 18 carat do Hợp tác xã Íquira khai thác. Đơn vị này được trao chứng nhận Fairmined vì đã đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về các tập quán có trách nhiệm, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Chứng nhận Fairmined nhằm giảm tác động có hại của việc khai khoáng trái phép ở những nước đang phát triển giàu tài nguyên khoáng sản. Việc khai thác, sản xuất vàng thường liên quan lạm dụng lao động, bao gồm lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, cưỡng bức di dân và suy thoái môi trường, nhóm quyền lao động Verité (Mỹ) nhận định. Khai thác vàng là nguồn thu nhập chính của nhiều cộng đồng ở Mỹ Latin, châu Phi và châu Á. Khoảng 90% các thợ mỏ vàng trên thế giới làm việc trong các mỏ quy mô nhỏ và mang tính thủ công, thường đối mặt điều kiện làm việc nguy hiểm, khó khăn.

Việc trao giải huy chương Nobel Hòa bình làm từ vàng “có trách nhiệm” có thể tạo ra bước ngoặt đối với ngành khai thác vàng, ông Jeff Trexler công tác ở Viện Luật (Mỹ) nhận định. Ông Trexler so sánh chiếc huy chương với việc phát hành phim bom tấn “Blood Diamond” (Kim cương máu) của Hollywood mà tài tử Leonardo DiCaprio đóng vai chính. Phim đề cập tình trạng kim cương được dùng để tài trợ cuộc chiến ở Sierra Leone.

Kết quả giải Nobel được công bố hằng năm vào tháng 10 và được trao vào ngày 10/12 - nhân ngày mất của Alfred Nobel. Giải Nobel Hòa bình được trao ở Oslo, còn các giải khác được trao ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển.

MỚI - NÓNG