Hôm nay ông Đinh La Thăng lại hầu tòa

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa tháng 1/2018.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa tháng 1/2018.
TP - Theo cơ quan tố tụng, ông Đinh La Thăng đã vi phạm Luật các tổ chức tín dụng, bỏ qua yêu cầu của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng để đầu tư vào OceanBank, dẫn tới thất thoát 800 tỷ đồng.

 Đoàn xe dẫn giải ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm tới Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vào sáng nay 19/3 (Clip: Xuân Ân)

Bỏ qua cảnh báo của cấp dưới?

Hôm nay (19/3), TAND TP Hà Nội xét xử vụ án thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). HĐXX vụ án gồm 5 người trong đó thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu giữ vị trí chủ tọa. Tòa cũng triệp tập 1 nguyên đơn dân sự (PVN); 1 giám định viên; 6 người làm chứng; 1 đương sự (OceanBank)… tới tham gia xét xử.

Các bị cáo trong vụ án gồm ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) sau là Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN; Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN; Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN; và các thành viên HĐTV PVN là Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức.

Tất cả cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng cộng, có 20 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ cho các bị cáo, trong đó ông Đinh La Thăng có 5 người bào chữa.

Theo cáo trạng, PVN từng có ý định thành lập ngân hàng Hồng Việt nhưng việc này bị Thủ tướng Chính phủ bác bỏ. Vì vậy, Nguyễn Xuân Sơn (lúc này là Trưởng ban trù bị ngân hàng Hồng Việt) điện thoại cho Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OceanBank, ngỏ ý PVN muốn rót vốn vào ngân hàng.

Qua tìm hiểu, ngày 18/9/2008, bị can Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Phó TGĐ PVN  gửi văn bản cho ông Thăng, nêu rõ OceanBank là ngân hàng nhỏ, gặp khó khăn trong việc huy động vốn… Ông Sự cũng khẳng định: “Tính thanh khoản của ngân hàng hiện nay kém và rất nhạy cảm với bất cứ biến động nào của thị trường… OceanBank đang đứng trước bài toán nặng nề nhất về khả năng đứng vững và có thể phát triển được…”.

Tuy nhiên, ông Thăng bỏ qua cảnh báo trên và cũng không lấy ý kiến các thành viên trong HĐQT để ký luôn với Hà Văn Thắm thỏa thuận PVN góp 20% vốn điều lệ vào OceanBank. Phải tới ngày 30/9/2008, ông Thăng mới triệu tập HĐQT, cho Nguyễn Xuân Sơn thông báo việc được OceanBank mời tham gia góp vốn.

Làm trước, xin phép sau

Cũng theo cáo trạng, việc góp vốn trên chưa được Thủ tướng cho phép nhưng bị cáo Thăng vẫn ký Nghị quyết “rót” tiền vào OceanBank. Phải tới ngày 17/10/2008, Văn phòng Chính phủ mới có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng đồng ý về chủ trương, còn trình tự thủ tục do các bộ, ngành chuyên môn hướng dẫn PVN thực hiện. Bộ Tài chính cũng yêu cầu PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động, các khoản cho vay, giá trị thực cổ phiếu của OceanBank… Tuy nhiên, PVN im lặng, không trả lời và chuyển luôn 400 tỷ đồng để mua 20% cổ phần của OceanBank.

Tới năm 2010, ông Đinh La Thăng và các đồng phạm tiếp tục đồng ý việc nâng vốn điều lệ của OceanBank từ 2.000 lên 3.500 tỷ đồng, PVN góp thêm tiền để giữ mức sở hữu 20% vốn điều lệ dù chưa báo cáo Thủ tướng. Sau khi có nghị quyết về việc góp vốn, ông Đinh La Thăng mới xin ý kiến Chính phủ và được yêu cầu cần đảm bảo vốn cho các dự án thuộc ngành nghề kinh doanh chính, không nhất thiết phải nắm 20% vốn tại OceanBank… Ông Thăng bỏ qua ý kiến này, tiếp tục chuyển 300 tỷ đồng của PVN vào OceanBank.

Năm 2011, Luật các tổ chức tín dụng bắt đầu có hiệu lực, quy định “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng” nhưng ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn tại OceanBank. Cùng lúc đó, PVN góp thêm 100 tỷ đồng vào OceanBank để giữ tỷ lệ 20% cổ phần khi Hà Văn Thắm tăng vốn điều lệ cho ngân hàng từ 3.500 lên 4.000 tỷ đồng.

Có 4/7 thành viên HĐTV PVN đồng ý việc tăng vốn, ông Đinh La Thăng đi công tác nên không có ý kiến. Tuy nhiên, bị cáo Vũ Khánh Trường khai nhận khi được bị cáo Thăng ủy quyền điều hành, ông đã báo cáo việc tăng vốn nhưng ông Thăng không phản đối, đồng ý thực hiện.

Tổng cộng, PVN đã góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank để nắm giữ 20% vốn điều lệ của ngân hàng. Số tiền này đã bị “mất trắng” khi OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc.

Nhận lãi ngoài cho con đi du học

Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (lúc này là TGĐ OceanBank) từng khai đưa 69 tỷ đồng cho Ninh Văn Quỳnh để nhờ cảm ơn lãnh đạo PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ và gửi tiền vào ngân hàng OceanBank. Từ năm 2010 – 2014, cứ 45 ngày, ông Sơn (lúc này là Phó TGĐ PVN) lại lấy 5 tỷ đồng từ OceanBank đưa cho ông Quỳnh cũng với mục đích “cảm ơn”.

Ninh Văn Quỳnh bác bỏ lời khai trên, nói mình chỉ nhận khoảng 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn. Ông Quỳnh biết rõ đây là tiền của OceanBank “cảm ơn” mình vì đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo PVN đưa ra các chủ trương có lợi cho OceanBank… Và thực tế, trong thời gian PVN góp vốn vào OceanBank, lượng tiền của ngành dầu khí tại ngân hàng này rất lớn, dao động từ 18.000 - 20.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Sự cũng bị khởi tố, điều tra liên quan việc nhận “lãi ngoài” từ OceanBank trên vai trò Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC). Theo điều tra, ông Sự có trách nhiệm trong 2 lần góp vốn đầu tiên của PVN vào OceanBank, trước khi chuyển sang SBIC. Trong vụ án OceanBank, các bị cáo khai từng chi “lãi ngoài” cho các cá nhân tại SBIC hơn 105 tỷ đồng. Vì vậy, công an đã bắt giữ Trần Đức Chính - nguyên Kế toán trưởng SBIC để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngày 26/1/2018, ông Nguyễn Ngọc Sự cũng bị bắt vì liên quan khoản tiền của SBIC gửi vào OceanBank.

Ngày 22/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng án 13 năm tù về tội Cố ý làm trái trong vụ án thất thoát gần 120 tỷ đồng của PVN tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Trước đó, tòa án cũng tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn án sơ thẩm tử hình trong vụ án OceanBank.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.