Hiệu trưởng lấy lời khai học sinh vụ 231 cái tát: Không thể chấp nhận

Lấy ý kiến học sinh trong vụ việc 231 cái tát là một hành động phản giáo dục
Lấy ý kiến học sinh trong vụ việc 231 cái tát là một hành động phản giáo dục
TPO - Trước sự việc ban giám hiệu trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình lấy lời khai của 23 học sinh liên quan đến 231 cái tát đối với học sinh H.L.N lớp 6.2, tối 3/12, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, với vai trò quản lý của mình Cục đã gọi điện trực tiếp để nắm bắt tình hình. Phía trường THCS Duy Ninh cũng đã gửi báo cáo.

Ông Trần Kim Tự khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bộ GD&ĐT là yêu cầu địa phương điều tra, xử lý nghiêm túc. “Không ai có thể đồng tình khi sử dụng kênh học sinh để làm việc này” – ông Trần Kim Tự nói. Đã có những bài học đau xót xảy ra, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý cũng đã chỉ đạo để đừng lặp lại những bài học đó. Nhưng thực tế vẫn xảy ra. Ban giám hiệu đã chỉ đạo thực hiện lấy lời khai của học sinh từ chiều 24/11. Dù dưới hình thức gì thì việc làm này theo lãnh đạo Cục Nhà giáo đều không thể chấp nhận được.

Chính vì vậy, Cục yêu cầu địa phương phải làm cho đúng. “Tóm lại, không được sử dụng học sinh để làm công việc này. Đây là việc làm phản cảm, phản giáo dục. Vì đưa học sinh vào việc không phải trách nhiệm của các em trong công tác quản lý của mình” – ông Trần Kim Tự tuyên bố. Ông Tự cho hay, qua sự việc này có thể thấy kỹ năng, trách nhiệm, phương pháp sư phạm của cô hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh đã không đạt được yêu cầu, Nhất là tính sư phạm không đạt được để giáo dục học sinh. Cục sẽ theo dõi địa phương xử lý như thế nào.

Trong sự việc học sinh H.L.N hứng 231 cái tát của các bạn và cô giáo đã có trách nhiệm của ban giám hiệu và của hiệu trưởng nhà trường. Rồi hiệu trưởng lại tiếp tục làm việc này nữa thì đúng là không thể chấp nhận.

Còn với vai trò, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, ông Trần Kim Tự cũng khẳng định qua các vụ việc xảy ra tại trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội (xe ô tô chở hiệu trưởng gây tai nạn cho học sinh), trường Tiểu học Bình Chánh, tỉnh Long An (cô giáo quỳ trước phụ huynh học sinh), chuyện giáo viên không nói 3 tháng liền với học sinh tại TPHCM và sự việc tại trường THCS Duy Ninh đang nóng hiện nay, Bộ đã nhận thấy có lỗ hổng trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý.

“Không ai muốn những sự việc như này xảy ra. Nhưng khi xảy ra thì cần coi đây là bài học cho toàn ngành. Cục Nhà giáo cũng đã nhận diện ra được vấn đề. Do đó, cần rà soát lại tất cả các khâu.Trước mắt, Cục chỉ đạo địa phương xử lý nghiêm túc sự việc” – ông Tự nói.

Trước đó, các chuyên gia giáo dục đều phản ứng khi ban giám hiệu trường THCS Duy Ninh lấy lời khai của 23 học sinh liên quan đến việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy yêu cầu 23 em này tát học sinh H.L.N vì nói tục. Phiếu lấy lời khai của ban giám hiệu nhà trường gồm 18 câu hỏi. Trong đó có những câu hỏi như: Em tát vào bạn N mạnh hay nhẹ; Sau khi bị tát, mặt bạn N có đỏ không; Khi bị tát bạn N có khóc không; Cô Thủy đứng cùng chiều hay ngược chiều với bạn N…

Kết quả lấy lời khai bằng phiếu đã được trường THCS Duy Ninh báo cáo phòng GD&ĐT, huyện ủy, UBND huyện Quảng Ninh. Trong báo cáo, hiệu trưởng nhà trường cho biết kết quả phiếu lấy ý kiến từ 23 học sinh như sau: Sự việc xảy ra học sinh bị các bạn tát 231 cái tát là có thật nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh. Cô T. có chứng kiến 1 bạn tát sau đó mới rời khỏi lớp (11/23 em trả lời), 1 em trả lời chứng kiến 4 bạn tát, 1 em trả lời chứng kiến 3 bạn tát, 3 em không để ý…

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.