Hành trình đục tường, đu dây trốn trại của 2 tử tù

Trại tạm giam T16 Bộ Công an, nơi hai tử tù trốn trại (ảnh lớn); Chân dung hai tử tù Thọ - Tình.
Trại tạm giam T16 Bộ Công an, nơi hai tử tù trốn trại (ảnh lớn); Chân dung hai tử tù Thọ - Tình.
TP - Rạng sáng 11/9, hai tử tù Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình đục 4 viên gạch trong phòng biệt giam tại trại tạm giam T16 Bộ Công an (xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) chui ra ngoài. Sau khi trèo vọng gác, đu dây ra ngoài, cả hai di chuyển tới xã Yên Trung, huyện Thạch Thất mượn xe máy của người thân rồi tiếp tục bỏ trốn.

Vượt ngục như trong phim

Ngày 14/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Thọ (tức Thọ sứt, SN 1980, quê huyện Thanh Hà, Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (SN 1989, quê huyện Quốc Oai, Hà Nội) để điều tra về tội Trốn khỏi nơi tạm giam, giữ, theo Điều 311 Bộ luật Hình sự. Theo Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT), Thọ và Tình trốn Trại tạm giam T16 Bộ Công an rạng sáng 11/9.

Trại tạm giam T16 Bộ Công an nằm ở trung tâm xã Mỹ Hưng (Thanh Oai, Hà Nội), cách quốc lộ 21B gần 4km và tách biệt với khu dân cư, giữa cánh đồng rộng lớn. Bức tường dày cao khoảng 4m được cắm nhiều chông sắt sắc nhọn, bố trí gác canh dày đặc và được ví là bức tường không lối thoát. Trước cổng Trại tạm giam T16, từng tốp người dân trú tại xã Mỹ Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) vẫn xôn xao câu chuyện hai tử tù vượt ngục ly kỳ trong đêm mưa gió.

Nguồn tin của PV Tiền Phong trưa 14/9 cho biết, Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình cùng chung một phòng biệt giam có cùm chân. Diện tích phòng biệt giam nhỏ hẹp, có camera giám sát. Khoảng 21h30-22h ngày 10/9, ca trực vẫn thấy 2 tử tù còn trong phòng.

Đến rạng sáng 11/9, cán bộ trại tạm giam T16 Bộ Công an phát hiện phòng biệt giam không thấy Thọ và Tình. Nguồn tin ban đầu xác định, 2 tử tù đục 4 viên gạch trong phòng biệt giam và chui ra ngoài. Sau đó Thọ và Tình đã dùng một sợi dây rồi trèo lên vọng gác, đu ra ngoài.

Sau khi rời khỏi trại giam, cả hai cùng về nhà một người thân của Tình tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Khoảng 6h ngày 11/9, Thọ và Tình được cho là đi taxi tìm đến một gia đình người thân quen ở khu vực đường 446, xã Yên Trung. Tại đây, Tình mượn một chiếc xe máy Dream và mũ bảo hiểm rồi tiếp tục bỏ trốn.

Cũng theo nguồn tin này, Nguyễn Văn Tình cao khoảng 1m7, dáng người gầy, tóc cắt ngắn dạng đầu 3 phân, mặc áo sơ mi dài tay màu xanh xám có họa tiết dạng hoa, quần vải màu tím than. Đối tượng Lê Văn Thọ cao khoảng 1m65 dáng người đậm, mặt có râu dạng quai nón, tóc cắt ngắn, mặc áo sơ mi dài tay dạng kẻ ô màu tro, quần bò dài màu xanh.

Thời điểm xuất hiện ở xã Yên Trung, Thọ và Tình điều khiển chiếc Dream biển số 29X6-2817, đội mũ bảo hiểm, trong đó một mũ bảo hiểm có lưỡi trai màu xanh sẫm, 1 mũ bảo hiểm màu hồng có kính chắn bụi trước. Cả hai tử tù đeo khẩu trang nhưng xuất hiện ở khu vực đường 446. Hình ảnh hai người đàn ông đang bỏ trốn được camera giám sát của nhà dân ghi lại. Ngay sau đó, công an địa phương đã nắm bắt thông tin, trích xuất hình ảnh trong camera để phục vụ điều tra.

Lý lịch bất hảo

Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội xác định Lê Văn Thọ có 4 tiền án về các tội: Giết người, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Đưa hối lộ, Trộm cắp tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, tháng 3/2012, Thọ cùng một số đàn em mang súng đi đòi nợ ở bản Lũng Xá, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu.

Tại đây, nhóm của Thọ bắt cóc một bé gái đòi người nhà chuộc giá 500 triệu đồng. Bị truy đuổi, Thọ và đồng bọn dùng súng bắn trả khiến 1 người trúng đạn. Khi bị cảnh sát phát hiện trên đường về Hà Nội, anh ta hối lộ lực lượng chức năng 5 triệu đồng nhưng bị lập biên bản hành vi đưa hối lộ.

Cảnh sát còn thu giữ súng AK, súng K59, K54, súng colt, kíp mìn và ma túy. Năm 2013, TAND tỉnh Sơn La tuyên án Thọ 27 năm tù về tội giết người, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và đưa hối lộ.

Theo VKSND tỉnh Hà Nam, khi chấp hành án tù tại trại giam Nam Hà (Bộ Công an), Thọ đã sử dụng điện thoại chỉ đạo đàn em là Nguyễn Văn Dũng và Vũ Đình Thăng (cùng quê Hải Dương) dùng súng hoa cải thanh toán anh Trần Mạnh Tiến (ở Hà Nam) do mâu thuẫn từ trước khiến anh Tiến và con trai trúng đạn, tổn hại sức khỏe lần lượt 33% và 56%.

Tháng 5/2015, Thọ tiếp tục chỉ đạo đàn em là Lê Quang Tuấn dùng mìn để giết anh Hoàng Quốc Đức và chị Lê Thu Hà với giá 300 triệu đồng. Tuy nhiên, Tuấn đã không thực hiện vụ mưu sát. Cùng thời gian này, Thọ thuê Vũ Văn Dũng (ở Hải Dương) lừa bán 6 bánh heroin giả cho người khác với giá hơn 1 tỷ đồng.

Tháng 5/2017, TAND tỉnh Hà Nam mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Lê Văn Thọ và 8 đồng phạm về các tội danh giết người, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Mua bán trái phép chất ma túy. Sau 2 ngày tranh tụng, hội đồng xét xử tuyên án Thọ 20 năm tù về tội giết người; 10 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Sau khi xét xử, hồ sơ vụ án Lê Văn Thọ được chuyển đến TAND cấp cao tại Hà Nội để xử phúc thẩm theo đơn kháng án. Lê Văn Thọ được di lý về trại giam T16 (Bộ Công an). Dự kiến phiên xử sơ thẩm diễn ra vào cuối tháng 9.

Còn Nguyễn Văn Tình bị TAND TP Hà Nội xử mức án tử hình trong một vụ buôn bán 490 bánh heroin giấu trong bình gas hồi tháng 4/2017.

Căn cứ quyết định khởi tố vụ án trốn khỏi nơi giam, giữ, ngày 14/9 Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình.

Theo đó, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc  UBND nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội.

Nhiều vụ tù trốn trại 

Ngày 12/9/2017, Nguyễn Quốc Dũng (27 tuổi, quê Long An) đang chấp hành án ở trại giam Long Hòa (Bến Lức, Long An) về tội trộm cắp tài sản, đã lợi dụng sơ hở lúc lao động để bỏ trốn. Tẩu thoát được khoảng 1 km, Dũng trèo qua cửa sổ phòng tắm vào nhà dân ở Bến Lức lấy trộm xe máy, laptop, vòng vàng, năm đôi bông tay, đồng hồ, hai thẻ ATM cùng hơn 5 triệu đồng tiền mặt. Tới ngày 13/9, Công an tỉnh Bến Tre bàn giao Dũng cho trại giam Long Hòa. 

Trước đó, năm 1998, Linh “cu” (đàn em của Cu Nên, Hải Phòng) cùng với Minh “rồng” trốn khỏi trại giam số 5 Thanh Hoá trong một đêm mưa gió. Được biết, bố Linh “cu” và ông trùm Cu Nên là chiến hữu nên gửi gắm con trai cho bạn chỉ bảo. Dưới trướng Cu Nên, Linh “cu” không những không cai được nghiện mà còn trở thành “quỷ dữ”, một kẻ chỉ thích làm bạn với súng và dao.

Chỉ trong thời gian ngắn, hắn cùng đồng bọn gây ra hàng chục vụ giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích... Khi băng nhóm của Cu Nên hầu tòa, Linh “cu” thoát án tử hình trong gang tấc vì chưa đủ 18 tuổi. Cu Nên bị tử hình, các tên còn lại phải lãnh án cao nhất là chung thân.

Khi thi hành án ở trại giam Nam Hà, Linh “cu” tiếp tục gây ra vụ án giết bạn tù nhưng vẫn chưa đủ 18 tuổi nên một lần nữa hắn thoát án tử và lĩnh án chung thân. Bị chuyển vào trại 5, trong một đêm mưa gió, hắn cùng Minh “rồng” vượt tường. Cho đến khi bị bắt, Linh “cu” cùng Minh “rồng” đã gây ra hàng chục vụ cướp trên đường trốn chạy. Trận đấu súng trên phà An Thái giữa Linh “cu” và tổ công tác truy bắt khiến hai cảnh sát bị thương nặng.

Năm 2001, hai tử tù Thân “rau muống” và Nam “cu chính” đào tẩu khỏi trại giam Hoả Lò bằng cách cưa cùm chân và song cửa trong 3 tháng liền. Thân từng gây ra 3 vụ giết người, Nam gây ra 1 vụ. Bằng các dụng cụ như: bánh xe bật lửa, dao lam, mẩu gạch men vỡ, dây thừng, chăn chiên..., nhóm này đã vượt tường trong một đêm mưa to. Công an Hà Nội vào thời điểm đó phải huy động 500 cán bộ, chiến sỹ vào cuộc truy tìm và bắt được cả hai khi Thân “rau muống” và Nam “cu chính” đang lẩn trốn trong bãi ngô, bãi dâu ven sông, sau 17 ngày trốn trại.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.