> TOÀN BỘ TƯ LIỆU VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chụp ảnh chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp ông được phong hàm Thiếu tướng. |
Tôi bật khóc to khiến cả nhà sững sờ không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Khi biết, ai cũng buồn.
Đối với tôi, kỷ niệm đầu tiên với Đại tướng bắt đầu từ chiều 31/12/1965, người lính trẻ Trần Ngọc Thổ thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 lên tàu vào Nam chiến đấu.
Buổi chiều, trời mưa, Đại tướng đội áo mưa ra tận ga Hương Canh (Phú Thọ) tiễn đoàn. Buổi tiễn đưa thật cảm động. Đối với tôi, Đại tướng lúc đó không đơn thuần chỉ là vị tướng quân tiễn đưa chiến sĩ, mà còn như người cha tiễn con lên đường. Tình cảm đó theo tôi mãi những năm tháng nam chinh.
Tôi luôn ngưỡng mộ tài thao lược về quân sự của Đại tướng. Từ khi là chiến sĩ rồi trở thành cán bộ chỉ huy, tôi đã đọc tác phẩm của Đại tướng, gắng hiểu và vận dụng kinh nghiệm của Đại tướng vào chiến trường.
Sau giải phóng miền Nam, tôi được gặp Đại tướng nhiều lần, khi thì bác vào TPHCM, khi thì tôi ra Hà Nội. Năm 2000, tôi mời Đại tướng thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên Trường Quân chính Quân khu 7, tiền thân là trường quân sự đầu tiên của Nam Bộ thành lập năm 1945, có một giai đoạn mang tên Võ Nguyên Giáp (năm 1947-1948).
Vào năm 2004, nhân Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi vinh dự là một trong các tướng lĩnh được mời tham dự hội thảo về chiến thắng, tôi gặp Đại tướng ở sân bay Mường Thanh.
Đại tướng ân cần hỏi thăm về cán bộ, học viên, về tình hình đào tạo của nhà trường. Từ đó năm nào sinh nhật Đại tướng, tôi cũng đến tận nhà thăm, chúc sức khỏe. Tình cảm đặc biệt của Đại tướng khiến tôi rất cảm động.
Lần cuối cùng tôi ghé thăm vào năm 2010, Đại tướng không dậy được nữa. Tôi đưa Đại tướng xem những hình ảnh về nạn nhân chất độc da cam và báo cáo việc tôi đang làm, Đại tướng bắt tay tôi nở nụ cười huyền diệu.
Tuy không nói được nhưng Đại tướng vẫn ký tên vào một bức ảnh tặng tôi. Lúc đó Đại tướng đã rất yếu, chữ ký cũng không còn được như trước nữa.
Việc tổ chức tang lễ cho Đại tướng theo nghi lễ quốc tang, cá nhân tôi và hàng vạn cựu chiến binh rất mừng.
Từ hôm Đại tướng mất đến nay, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp quân đội ngồi đâu cũng bàn tán, đánh giá cao sự việc trên. Đối xử của Đảng, Nhà nước và quân đội đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội, một trong mười vị tướng giỏi nhất thế giới trong lịch sử như vậy là đúng đắn.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, có 45 năm tuổi đảng, 44 năm tuổi quân, là một vị tướng trưởng thành từ chiến sĩ, từng tham gia nhiều trận đánh lớn trong cuộc đời chiến binh nam chinh bắc chiến suốt ba cuộc chiến tranh: chống Mỹ, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông từng giữ các chức vụ cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, hiệu trưởng trường quân sự rồi Tham mưu trưởng quân khu 7. Sau khi nghỉ hưu ông trở thành Phó chủ tịch Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TPHCM. |
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ
Trường Điền ghi