Hàng ngàn ha mía chậm thu hoạch, nguy cơ thiệt hại lớn

Người trồng mía Hậu Giang lại thêm vụ "mía đắng" Ảnh: C.K
Người trồng mía Hậu Giang lại thêm vụ "mía đắng" Ảnh: C.K
TP - Hai trong số ba nhà máy đường đóng cửa, tiến độ thu hoạch mía chậm, người dân chịu lỗ vì giá mía xuống thấp, thậm chí hàng ngàn ha mía ở Hậu Giang (thủ phủ mía vùng Đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL) có nguy cơ thiệt hại rất lớn.  

Tháng 11 là vụ thu hoạch của niên vụ mía 2018-2019, nhưng tiến độ thu hoạch mía tại Hậu Giang rất chậm. Bà con trồng mía không mặn mà với nhà máy đường mà chỉ bán cho những người mua về ép làm nước mía. Bà Lý Thị Hiền (ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp) cho biết, gia đình có 2 công (1.000m2/công) mía đang được thu hoạch để bán cho thương lái chở đi TPHCM bán lại cho các quán, cơ sở bán nước mía.

Theo bà Hiền, giá mía 400 đồng/kg, mặc dù mỗi công mía lỗ khoảng 3 triệu đồng, nhưng có người đến tận ruộng thu mua, không cần tốn thêm chi phí thuê nhân công với giá hơn 200 đồng/kg.

Tương tự, theo ông Lý Út Nhiều (ở cùng xã Long Thạnh), tại địa phương có rất nhiều hộ dân chỉ trồng và cung cấp mía nguyên liệu cho người ép nước mía, chứ không bán cho nhà máy sản xuất đường như trước đây.

Thông tin với PV Tin Phong ngày 3/11, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, hiện tại địa phương đã thu hoạch được 2.500ha trong tổng số 6.500ha mía của toàn huyện, không như mọi năm thời điểm này đã thu hoạch 2/3 diện tích mía. Nguyên nhân chậm tiến độ là năm nay ở Hậu Giang chỉ còn 1 nhà máy đường hoạt động, 2 nhà máy đã đóng cửa. Trong số 2.500ha mía đã thu hoạch thì có đến 1.800ha bà con bán cho thương lái để bán làm nước mía, còn 700ha được bán cho nhà máy đường.  

Theo ông Tuấn, hiện tại mía đã ở thời điểm đạt chữ đường cao, nếu không thu hoạch kịp thời sẽ bị héo khô và chết dần, thiệt hại là rất lớn. “Tuy nhiên, với chỉ một nhà máy đường hoạt động, cho dù chạy hết công suất thì cũng phải mất 3 tháng nữa mới tiêu thụ hết số diện tích mía còn lại trên địa bàn. Chỉ còn cách mở cửa hoạt động thêm nhà máy đường thì may ra mới giải cứu được, năm nay bà con lại khốn đốn rồi” - ông Tuấn nói.

Niên vụ mía 2018-2019, toàn tỉnh Hậu Giang xuống giống gần 8.200ha, giảm gần 2.500ha so với niên vụ trước. Những năm trở lại đây, người trồng mía nếm phải nhiều vụ “mía đắng”. Việc giảm diện tích mía, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thủ phủ mía vùng ĐBSCL này nhiều năm qua vẫn đang là bài toán "đau đầu" với chính quyền và ngành chức năng Hậu Giang. 

MỚI - NÓNG