Hàng loạt trường học bỏ hoang ở huyện nghèo

Điểm trường lẻ 4 phòng học ở thôn Tân Thành, xã Thanh Hòa còn khá khang trang nhưng bị bỏ hoang nhiều năm nay, quanh khuôn viên cỏ dại mọc đầy, vương vãi phân gia súc. Ảnh: Lê Hoàng.
Điểm trường lẻ 4 phòng học ở thôn Tân Thành, xã Thanh Hòa còn khá khang trang nhưng bị bỏ hoang nhiều năm nay, quanh khuôn viên cỏ dại mọc đầy, vương vãi phân gia súc. Ảnh: Lê Hoàng.
Năm học mới 2014 - 2015, tại huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa), khoảng 40 điểm trường ngừng hoạt động với 59 phòng học không sử dụng, gây lãng phí nhiều tỷ đồng.

Tại rất nhiều xã nghèo như Bình Lương, Tân Bình, Thanh Lâm, Thanh Phong… huyện miền núi Như Xuân, có những điểm trường vừa đưa vào sử dụng được 2-3 năm đã bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy.

Những ngôi trường không có người sử dụng, bảo quản nên xuống cấp nghiêm trọng. Các bức tường bị mục mại, rêu mốc mọc đầy, nền nhà ẩm ướt, bong tróc. Thậm chí có nơi mối làm tổ lớn trong phòng học. Vài nơi khác người dân tận dụng làm chỗ để củi nấu hoặc cất xe tang, thức ăn gia súc.

Điểm trường cấp 1, thuộc khu lẻ thôn Tân Thanh, xã Thanh Phong, có 3 phòng học khang trang, mái tôn còn đỏ au nhưng theo người dân địa phương, khu nhà này đã bỏ hoang 4 - 5 năm nay.

Phía trong, có phòng còn vài chiếc bàn ghế, phòng khác thì trống không. Trên nền bảng đen vẫn còn rõ nét phấn trắng của bài học từ cuối năm 2009. Cách khu trường này không xa, một điểm trường lẻ mầm non cũng bỏ hoang, không người sử dụng.

Hàng loạt trường học bỏ hoang ở huyện nghèo ảnh 1

Bên trong một lớp học ở khu lẻ Tân Thành là những ụ đất to do mối đùn lên làm tổ. Ảnh: Lê Hoàng.

Tại các xã vùng sáu Thanh (tên gọi 6 xã vần Thanh của huyện Như Xuân gồm Thanh Xuân, Thanh Quân, Thanh Phong, Thanh Hòa, Thanh Lâm và Thanh Sơn) ), có hơn 10 điểm trường mầm non được tổ chức ILMC của Canada tài trợ xây dựng (mỗi ngôi trường khoảng 50 triệu đồng), nhưng hầu hết đều không còn được sử dụng cho mục đích giáo dục.

Tại một số xã ven thị trấn huyện Như Xuân, có cả chục điểm trường tương tự được xây dựng nhưng chỉ sử dụng vài năm rồi đóng cửa bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích. Đơn cử như Trường THCS xã Yên Lễ, được đầu tư trên 500 triệu đồng, nhưng giờ đây không dùng cho việc dạy học mà để UBND xã này tận dụng làm hội trường tổ chức hội nghị, họp hành.

Cách trung tâm huyện không xa, tại xã Bình Lương và Tân Bình hiện có tới 5 cơ sở trường học cũng rơi vào tình trạng tương tự. Làng Lườn có một trường mầm non và một trường tiểu học 3 phòng. Làng Gió có một trường tiểu học với 3 phòng học.

Ngôi trường mầm non tại làng Lườn được dự án của Canada hỗ trợ 45 triệu đồng, còn lại là nhân dân đóng góp. Riêng hai khu trường tiểu học thì được đầu tư với tổng kinh phí khoảng trên 200 triệu/trường.

Hầu hết các khu trường bỏ hoang ở huyện Như Xuân đều thuộc các dự án 135, chương trình 159 xóa phòng học tranh tre, nứa lá, số còn lại do các doanh nghiệp và một số tổ chức nước ngoài hỗ trợ.

Ông Lê Nhân Trí, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Như Xuân cho biết, hiện nay trên địa bàn có khoảng 40 điểm trường bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích.

“Chính vì những ngôi trường này thuộc các dự án nước ngoài hỗ trợ, hoặc tiền ngân sách nên việc quy hoạch xây dựng chưa hợp lý với thực tế địa phương. Các điểm trường mọc lên bừa bãi, không theo bất kỳ sự phân bố nào, cứ có đầu tư, rót vốn là chính quyền ồ ạt cho khởi công”, một người dân bức xúc phản ánh.

Hàng loạt trường học bỏ hoang ở huyện nghèo ảnh 2

Một khu trường bỏ hoang khác được người dân tận dụng làm nơi để thức ăn cho trâu bò. Ảnh: Lê Hoàng.

Thừa nhận thực trạng trên, ông Lê Nhân Trí lý giải, nguyên nhân là "do yếu tố lịch sử".

“Trước đây số lượng học sinh đông, giao thông đi lại ở vùng sâu vùng xa rất khó khăn nên học sinh không thể đến điểm trường trung tâm xã. Các bản phải xây dựng thêm nhiều khu lẻ, phục vụ phổ cập giáo dục. Ba năm trở lại đây, số lượng học sinh ngày càng giảm khiến các điểm trường lẻ không đủ học sinh. Bên cạnh đó, đường giao thông đến các bản xa được nâng cấp, tạo thuận lợi cho người dân đi lại nên các gia đình thường đưa con đến trường trung tâm xã học”, ông Trí nói.

Ông Dương Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho hay, không có việc đầu tư giàn trải, chạy dự án mà nguyên nhân là do học sinh co lại, đường sá nhiều nơi được làm mới nên thuận tiện.

Theo ông Mạnh, UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát và bố trí lại các phòng học. Theo đó, phòng học dôi dư tại điểm trường chính sẽ sửa chữa, cải tạo thành phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng sinh hoạt chuyên môn. Các phòng học bỏ không ở điểm lẻ sẽ tạm thời bàn giao cho UBND xã quản lý, sử dụng. Lúc nào số lượng học sinh tăng trở lại, duy trì được nhóm lớp, UBND xã sẽ bàn giao cho nhà trường.

Như Xuân có 18 xã, thị trấn với 183 thôn bản. Đây là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa và nằm trong 62 huyện nghèo nhất nước nên những năm qua địa phương này được đầu tư khá nhiều dự án. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành các công trình dân sinh này đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Trong khi đó, một số huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa vẫn còn khá nhiều điểm trường học sinh phải học tạm bợ dưới các khu nhà bằng tranh, tre, nứa lá.

Theo Lê Hoàng

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG