Hải chiến Gạc Ma: “Sống xứng đáng với những người đã khuất”

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (thứ 2 từ phải qua) với thân nhân liệt sĩ và các chiến sĩ Gạc Ma năm xưa. ảnh: Nam Cường
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (thứ 2 từ phải qua) với thân nhân liệt sĩ và các chiến sĩ Gạc Ma năm xưa. ảnh: Nam Cường
TP - Mỗi năm một lần, ngày 14/3, các anh, những nhân chứng sống trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa lại quây quần, siết chặt tay nghĩa tình đồng đội. 

Hôm qua, kỷ niệm lần thứ 26, người thuyền trưởng anh hùng Vũ Huy Lễ tái ngộ đồng đội tại Đà Nẵng, trong chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức.

“Tôi vô cùng xúc động, cảm thấy ấm áp nghĩa tình trong lần gặp gỡ này. Chúng tôi, những người năm xưa sát cánh bên 64 anh hùng, cho đến thời điểm này không hổ thẹn, vì đã sống xứng đáng với các anh, những người đã khuất” – Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ xúc động nói với PV Tiền Phong…

4 lần tiễn con, 3 lần tuôn nước mắt

Đà Nẵng nắng chớm nhẹ buổi sáng, anh Trần Văn Thu (Hà Nam) đứng trước biển, bồi hồi nhớ về người em trai liệt sĩ Trần Văn Bảy, chiến sĩ trên tàu HQ 604 năm xưa giờ vĩnh viễn nằm lại với Gạc Ma – Trường Sa. Anh Thu rơm rớm: “Nhà có 4 anh em trai, bố mẹ tôi 4 lần tiễn con đi, 3 lần tuôn nước mắt”.

“Cuộc gặp gỡ quá ý nghĩa, gửi gắm cho chúng ta một thông điệp, hãy làm sao để lãnh thổ, hải đảo của Việt Nam mãi vẹn toàn. Chúng tôi, những ngư dân bám biển Hoàng Sa – Trường Sa luôn nhớ tới các anh hùng đã hy sinh vì hai quần đảo này. Đó cũng là động lực, là tâm tư, ước mơ và cam kết của ngư dân, quyết hết mình vì Trường Sa – Hoàng Sa”

ông Lê Quốc Chinh - Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi)

Ga Đồng Văn (Hà Nam) một ngày tháng 3/1985, anh Thu là chiến sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc, bị thương ở trận Vị Xuyên 1984 (Hà Giang), gãy xương hàm do đạn pháo, được về nhà mấy tháng dưỡng thương, một mình tiễn em trai Trần Văn Bảy lên đường nhập ngũ hải quân. 

“Nó viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Không ai ngờ đó là chuyến đi định mệnh” – anh Thu nhớ lại. 

Ga xép Đồng Văn, tàu chỉ dừng đúng 3 phút để hành khách lên, anh Thu chỉ kịp níu áo em trai, dặn: “Chú đi mạnh giỏi, ráng phát huy truyền thống nhà mình”. 

Bố mẹ anh Thu nuốt nước mắt vào trong, không dám lên ga tiễn con trai, sợ không cầm lòng được. Thời điểm đó, trong 4 người con trai thì hai người anh là Trần Văn Uộng và Trần Văn Uổng đã hy sinh ở Quảng Nam và Khe Sanh (Quảng Trị). “Bố tôi chỉ nói, đã lên đường bảo vệ Tổ quốc, đừng làm vong linh hai anh phải hổ thẹn”.

Tháng 12/1987, anh Thu gặp em trai lần cuối ở Hải Phòng, khi tàu người em quay về cảng mấy ngày. Khi anh Bảy tặng anh trai một con ốc biển lớn, dặn đi dặn lại: Nhớ cất kỹ, sau này, mỗi lần nhìn con ốc là nhớ đến em. 

Mấy tháng sau, anh Bảy vĩnh viễn nằm lại với biển. Cho đến bây giờ, 3 người anh em của anh Thu vẫn chưa tìm thấy hài cốt, 2 ở đất liền và một ở Trường Sa. Anh Thu trở về với cuộc sống thường nhật, làm anh nông dân hiền lành, mấy chục năm qua luôn đau đáu trong lòng một tâm niệm làm sao tìm được hài cốt 3 người. 

“Tôi chỉ hy vọng tìm được hài cốt anh Uổng và Uộng thôi. Còn Bảy, nó mãi mãi ở với biển khơi rồi” – anh Thu khóc.

Bất tử

Cụ Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự (Đà Nẵng), khóc: “Bao năm trước, mẹ buồn vì mỗi ngày giỗ là mình mẹ thắp hương, cầu con yên bình giữa trùng khơi. Bây giờ mẹ vơi bớt nỗi buồn rồi. Ngày giỗ, anh em đồng đội quây quần tụ họp, rồi Đảng và Nhà nước quan tâm”.

Hải chiến Gạc Ma: “Sống xứng đáng với những người đã khuất” ảnh 1 Các chiến sỹ Gạc Ma tại buổi gặp gỡ
“Cuộc gặp gỡ này như tiếp thêm cho tôi sức mạnh, niềm vui. Được gặp lại những người bạn để cùng tưởng nhớ đến 64 anh hùng tử sĩ Gạc Ma” – Anh hùng LLVT, thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ bồi hồi. 
Dự cuộc gặp gỡ, giao lưu ngoài thuyền trưởng Vũ Huy Lễ còn có những chiến sĩ đã chiến đấu trong trận hải chiến như Nguyễn Hữu Thảo, hay cựu binh Trương Minh Hiền trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 và những thân nhân các liệt sĩ. 

“Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cộng đồng xã hội”

ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Người anh hùng Vũ Huy Lễ trở về với cuộc sống đời thường năm 2001. “Tôi vẫn thường mơ thấy đồng đội ở tàu HQ 604, họ đã hy sinh đầy dũng cảm. 

Mỗi năm, đến ngày 14/3, chúng tôi, dẫu kẻ Bắc người Nam hay mọi miền vẫn tụ họp, năm nào cũng thế”. Con trai cả Đại tá Vũ Huy Lễ, nối nghiệp cha, đứng vào đội ngũ những người lính biển.

Anh Lê Hữu Thảo – nhân chứng sống trong thời khắc bi tráng ngày 14/3/1988 bây giờ đã có một cuộc sống khá hơn. Gặp lại, anh mừng tủi: “Nhiều lúc muốn quên để sống nhưng không thể nào. Bóng hình đồng đội luôn ở trong tim, óc của mình”. 

Trận hải chiến Gạc Ma

“Trận hải chiến Gạc Ma” hay được dùng để chỉ việc Hải quân Trung Quốc dùng lực lượng tàu chiến vượt trội tấn công các tàu và chốt giữ của Hải quân Việt Nam trên các bãi san hô Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 14/3/1988. 

Trong trận chiến không cân sức tại các bãi san hô, chúng ta mất 64 người, 3 tàu. Nhưng những người lính Hải quân Việt Nam anh hùng đã không bỏ chạy, không bỏ đảo, không bỏ đồng đội, quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay trên bãi Len Đao và bãi Cô Lin.

Nhiều tấm gương anh dũng tuyệt vời các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã thể hiện trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. 

Ở khu vực bãi Gạc Ma, trước lực lượng áp đảo của đối phương, các sĩ quan Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ đã chỉ huy các chiến sĩ trên tàu HQ-604 không lùi, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, chiến đấu vô cùng dũng cảm cho đến khi tàu bị bắn chìm và các anh hi sinh cùng tàu. 

Khi quân Trung Quốc tràn lên đảo, thiếu uý Trần Văn Phương chỉ huy anh em không chịu rút lui, kiên quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Khi anh Phương bị bắn hi sinh, chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội giành giật kiên quyết không để đối phương nhổ lá cờ Tổ quốc cho đến khi bị lưỡi lê đâm xuyên qua người.

Tại bãi Cô Lin, khi tàu HQ-505 bị trúng đạn pháo địch, Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, lao vào trườn ủi lên bãi Cô Lin để vừa cứu tàu, vừa giữ đảo. 

Tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân lên bãi thì lại trúng đạn bốc cháy. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ bãi Cô Lin.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma và đảo Cô Lin, năm 1989, tập thể tàu HQ-505, các liệt sĩ Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương, các đồng chí Vũ Huy Lễ và Nguyễn Văn Lanh được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguyễn Đình Quân

MỚI - NÓNG