Hà Nội xây bến xe mới: Rối càng thêm rối?

Hà Nội xây bến xe mới: Rối càng thêm rối?
TP - Trong khi nhiều bến xe vắng khách, kinh tế khó khăn, Hà Nội lại muốn lập thêm nhiều bến xe mới không nằm trong quy hoạch Chính phủ. Thậm chí, Hà Nội muốn lập bến xe tại vị trí xung đột giao thông phức tạp bậc nhất cả nước.

> Trước 15/8 giảm còn 700 lượt xe/ngày
> Điều chuyển 52 xe khỏi bến Mỹ Đình trước 15/7
> Chủ tịch Hà Nội bất ngờ 'vi hành' các bến xe

Loạn quá sinh bối rối?

Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về trật tự giao thông, đích thân Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đi thị sát và có nhiều chỉ đạo tích cực chấn chỉnh kịp thời. Chủ tịch UBND thành phố lần đầu tiên tới nhiều bến xe, trước khi có buổi làm việc với các ban ngành chức năng liên quan của Hà Nội.

Sau khi nắm bắt thông tin từ cơ quan tham mưu, Chủ tịch thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu xây dựng thêm nhiều bến xe mới. Có những vị trí, cụ thể như mảnh đất 6 ha lưu không nằm kẹt giữa “ma trận” xung đột giao thông đầu cửa ngõ Hà Nội (sát đường cao tốc tương lai Pháp Vân-Cầu Giẽ và các tuyến đường vành đai 3...).

Còn nhớ, trước đó không lâu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản cho phép nâng cấp mở rộng tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ thành đường cao tốc (đầu tuyến) nối với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và chạy dọc Bắc Nam.

Có mặt tại địa điểm chọn làm bến xe tạm này, PV Tiền Phong nhận thấy từ lâu nơi đây đã thành một địa điểm phức tạp với các tuyến đường trên cao và dưới đất xung đột. Đây cũng là địa điểm cho nhiều xe “dù”, xe khách dừng đỗ sai quy định. Tuy nhiên, vô lý nhất, địa điểm mà Chủ tịch UBND Hà Nội chọn không nằm trong quy hoạch các bến xe Thủ đô tới năm 2030 và tầm nhìn 2050 (đã được Chính phủ phê duyệt).

Theo thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư nghiên cứu, lập dự án và đầu tư xây dựng bến xe tạm tại bãi đỗ xe khu vực nút giao thông Pháp Vân-Vành đai 3 (diện tích 6 ha); bến xe khách tiêu chuẩn cấp 2 hoặc 3 tại Km1 đường Bắc Thăng Long-Nội Bài...

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói: “UBND TP Hà Nội cần phát triển bến xe đúng quy hoạch đã được phê duyệt”. Theo ông Thọ, về nguyên tắc, bến xe không thể bố trí sát đường cao tốc vì dễ xảy ra xung đột giao thông.

Vụ trưởng An toàn Giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thuấn, cho biết, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện do Bộ GTVT quản lý. Hà Nội muốn lập bến xe kết nối với tuyến đường này phải lập đề án xin ý kiến của Bộ GTVT, trong đó phải nêu về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông.

Hà Nội sau vụ tai tiếng tại Bến xe Mỹ Đình liệu có thiếu bến xe tới mức phải xây thêm nhiều bến mới? Lâu nay, Sở GTVT liên tục tìm giải pháp để cứu vãn tình trạng Bến xe Yên Nghĩa (nằm tại cửa ngõ tây bắc Hà Nội) vắng khách và lo ngại công trình phơi sương xuống cấp.

Bến xe Gia Lâm (nằm tại cửa ngõ phía bắc Thủ đô) cũng rơi vào tình trạng năng lực thừa, nhưng phương tiện vào bến ít. Bến xe Lương Yên cũng tương tự. Tại cửa ngõ phía nam Hà Nội, Bến xe Nước Ngầm vẫn còn năng lực chứa khoảng 200 lượt xe khách/ngày. Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, bến vẫn còn năng lực đón khoảng vài trăm xe khách/ngày. Chưa kể, xét trong tương quan hiện nay, những bến xe tư nhân hoặc cổ phần tại Thủ đô được tổ chức tốt hơn (dịch vụ tốt và ít tiêu cực) so với các bến xe nhà nước.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng có lần tới thăm Bến xe Nước Ngầm (bến xe tư nhân) cũng đã nói: Các bến xe khác cần tới đây học tập.

Thêm bến xe mới, hành khách có còn tất tả ngược xuôi tìm tuyến?. Ảnh: ngọc châu
Thêm bến xe mới, hành khách có còn tất tả ngược xuôi tìm tuyến?. Ảnh: Ngọc Châu.

“Dùng bát vàng đựng mắm tôm”

“Nếu chỉ vì giải quyết 500 lượt xe của vụ “vỡ trận” Bến xe Mỹ Đình (do quản lý nhà nước kém) mà xây thêm nhiều bến xe mới tốn tiền tỷ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khác nào dùng bát vàng đựng mắm tôm”, một chuyên gia kinh tế phân tích.

TS Nguyễn Xuân Thuỷ, một chuyên gia giao thông đô thị từng tham gia quy hoạch các bến xe Hà Nội cho rằng: Để giải bài toán bến xe Hà Nội hiện nay, giải pháp tốt nhất là tổ chức lại hoạt động của Bến xe Mỹ Đình. Sau đó điều chuyển xe sang các bến xe còn trống khác, không nên xây dựng các bến xe tạm một cách chắp vá.

“Trong khi các bến xe hiện có vẫn còn năng lực, hãy tận dụng. Sau đó xây dựng các bến xe mới trong tương lai một cách quy củ, đừng làm theo hướng chắp vá một vài năm” - TS Thuỷ nói.

Theo TS Thuỷ, việc xây dựng bến xe tạm không chỉ làm rối cho công tác quản lý, quy hoạch đô thị mà còn gây xáo trộn cho người dân khi phải làm quen bến xe mới.

Dưới góc độ an toàn giao thông, TS Thuỷ cho rằng, việc xây dựng bến xe tại khu vực Pháp Vân là bất hợp lý. “Đây là nút giao thông tập trung nhiều giao cắt quan trọng. Địa điểm ngay cạnh đầu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; xe từ phía Bắc qua vành đai 3 trên cao; xe từ Quốc lộ 5, Quốc lộ 1 qua cầu Thanh Trì đều tập trung về đây. Không ai lại xây dựng bến xe tại một điểm nhiều xung đột giao thông như vậy” - TS Thuỷ nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.