Hà Nội thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Ðại diện Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND thành phố Hà Nội) khảo sát thực tế công trình xử lý cấp bách chống sạt lở đê tả sông Cà Lồ ở xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn Ảnh: PV
Ðại diện Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND thành phố Hà Nội) khảo sát thực tế công trình xử lý cấp bách chống sạt lở đê tả sông Cà Lồ ở xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn Ảnh: PV
TP - Theo khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND thành phố Hà Nội), hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đối với một số công trình giao thông sử dụng vốn sự nghiệp năm 2020 còn chậm. Một số công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng trong tình trạng tương tự.

Công trình cải tạo sửa chữa giao thông: Giải ngân 23% 

Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, năm 2020, Sở triển khai 54 dự án chuyển tiếp từ năm 2019 bằng nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội. Tuy nhiên, Chính phủ đã bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ Bảo trì đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2020, áp dụng từ năm tài chính 2020.

Vì thế, UBND thành phố ban hành Quyết định điều chỉnh dự toán kinh phí Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội năm 2020, trong đó, cho phép điều chỉnh vốn các dự án từ Quỹ Bảo trì đường bộ sang sử dụng nguồn sự nghiệp ngân sách thành phố. Đến nay, 49 công trình chuyển tiếp từ năm 2019 bằng vốn sự nghiệp ngân sách thành phố đã hoàn thành thi công, 5 công trình đang chuẩn bị đầu tư.

Đối với 68 công trình thuộc danh mục dự án cải tạo, sửa chữa giao thông và chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông năm 2020, đến nay mới có 28 dự án hoàn thiện, đã nghiệm thu trong quý III/2020 để đưa vào sử dụng. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga cho rằng, dù Sở GTVT và các đơn vị đã cố gắng, nỗ lực, nhưng vẫn còn nhiều công trình chưa triển khai thi công và nhiều dự án chưa hoàn thành quyết toán. Tổng hợp từ Sở Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các công trình cải tạo, sửa chữa giao thông năm 2020 còn chậm, mới đạt 23% kế hoạch giao.

Theo giải trình của Sở GTVT Hà Nội,  nhiều công trình, dự án sửa chữa, cải tạo giao thông đã thi công xong, nhưng thủ tục quyết toán chậm. Ngoài ra, nhiều nhà thầu thực hiện thời gian bảo hành, sau đó quyết toán vào cuối năm nên tiến độ giải ngân cũng sẽ được cải thiện vào cuối năm. Mặt khác, nhu cầu sửa chữa, cải tạo đường giao thông lớn, nhưng ngân sách thành phố mới đáp ứng được 50%. Vì thế, thời gian tới, sở này sẽ đôn đốc các đơn vị hoàn thành hồ sơ quyết toán để giải ngân theo kế hoạch, tiếp tục đề xuất UBND thành phố quan tâm bố trí ngân sách đầu tư duy tu, sửa chữa các công trình giao thông, góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, dù có nhiều cố gắng, nhưng việc giải ngân 229 tỷ đồng triển khai 56 dự án duy tu, sửa chữa, chống xuống cấp công trình đê điều, thủy lợi đến nay mới được 11% kế hoạch. Tương tự, 28 dự án xử lý cấp bách khắc phục sự cố sạt lở các công trình đê điều, thủy lợi tiến độ giải ngân có khá hơn, nhưng mới đạt 76% kế hoạch vốn giao. 3 công trình xử lý cấp bách gồm khu vực đê hữu Cầu (xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn), sạt lở bờ hữu sông Hồng thuộc địa bàn phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), sạt lở đê tả sông Cà Lồ thuộc thôn Đại Tảo, xã Xuân Giang và sạt lở thượng lưu đê bối sông Cà Lồ thuộc thôn Yên Phú, xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.

Tháo gỡ khó khăn

HĐND thành phố Hà Nội cũng vừa tổ chức kỳ họp chuyên đề về đầu tư công, thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020, kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020).

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, đây là những nội dung quan trọng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, liên quan đến đầu tư vốn ngân sách, thực hiện các dự án đầu tư.

Bà Ngọc đề nghị UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các ban quản lý dự án quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư trong quá trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã chỉ đạo sát sao trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, không được để chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư công.

Không để tồn tại cơ chế “xin-cho”

Tại hội nghị của thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư công năm 2021 và thực hiện thí điểm cơ chế chính sách tài chính, ngân sách đặc thù với Hà Nội ngày 14/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ lưu ý, việc thực hiện các cơ chế liên quan đến tài chính - ngân sách phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, không được phép vi phạm nguyên tắc, không để tồn tại cơ chế “xin - cho”.

MỚI - NÓNG