Hà Nội phải trả nợ bao nhiêu cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Nếu đường sắt Cát Linh – Hà Đông được bàn giao vào năm 2019, Hà Nội phải trả nợ đến hết năm 2019 số tiền 25,6 triệu USD, tương đương khoảng 601,1 tỷ đồng
Nếu đường sắt Cát Linh – Hà Đông được bàn giao vào năm 2019, Hà Nội phải trả nợ đến hết năm 2019 số tiền 25,6 triệu USD, tương đương khoảng 601,1 tỷ đồng
TP - Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, nếu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành và được Bộ GTVT bàn giao cho thành phố vào năm 2019, dự kiến, tổng số nợ gốc và lãi phải trả đến hết năm 2019 là 25,6 triệu USD (trong đó nợ gốc 18,3 triệu USD, lãi phải trả 7,3 triệu USD), tương đương khoảng 601,1 tỷ đồng.

Đảm bảo trả nợ theo tiến độ

Sáng 8/7, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã trình HĐND thành phố xem xét báo cáo phương án vay lại vốn thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, giá trị vay lại được xác định khoảng 98,35 triệu USD, tương đương khoảng 2.306 tỷ đồng. Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách (KTNS), HĐND thành phố, việc thành phố thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của Dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của Dự án.

Phương án vay lại này được HĐND thành phố quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của thành phố theo quy định của Luật Quản lý nợ công. “Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hàng năm của thành phố và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban KTNS thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND thành phố trình”, bà Hồ Vân Nga, Trưởng Ban KTNS, HĐND thành phố Hà Nội cho hay.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin thêm: Thời điểm nhận nợ là khi Bộ GTVT bàn giao dự án cho Hà Nội và dự án chính thức đi vào hoạt động để khai thác. “Về nguồn kinh phí thanh toán cho các khoản nợ này, trong dự trù dự toán kinh phí năm 2019, thành phố đã chủ động dự toán và có cân đối kinh phí để bảo đảm trả nợ theo tiến độ yêu cầu hiệp định ký kết với các nhà tài trợ”, ông Quyền nói.

Được biết, theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, lãi suất là 4%/năm tính trên số dư nợ vay lại. Các loại phí khác theo thỏa thuận vay nước ngoài, bao gồm phí cam kết, phí trả nợ trước hạn và các chi phí khác phát sinh trên toàn bộ số vốn vay ODA, vay ưu đãi được tiếp nhận.

Về thời hạn cho vay lại, tờ trình cho biết, từ khi hợp đồng cho vay lại có hiệu lực đến ngày trả nợ gốc cuối cùng (21/7/2025) theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài. “Trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí liên quan khác, bên vay lại phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn. Lãi và lãi phạt chậm trả được tính trên cơ sở số ngày thực tế áp dụng với một năm có 360 ngày”, tờ trình của UBND thành phố Hà Nội nêu.

UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm, theo chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố nhận nợ và trả nợ vay đối với khoản vay lại của dự án, trong đó, với các khoản đã được Bộ GTVT trả nợ trước thời điểm bàn giao dự án về thành phố, thành phố có trách nhiệm bố trí kinh phí để hoàn trả Bộ GTVT.

Xử cán bộ nhưng vi phạm “còn nguyên”

Phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội thành phố, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh về các sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng công trình trái phép trên đất nông, lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ, giải phóng mặt bằng, an toàn cháy nổ… Theo ông Nam, có trách nhiệm rất rõ của việc chỉ đạo chưa quyết liệt, sự vào cuộc chưa nghiêm của người đứng đầu.

Thành phố xử lý không nghiêm, để các vi phạm tồn đọng, kéo dài, diễn biến phức tạp và càng về sau càng khó xử lý. “Vừa rồi chúng ta xử lý rất nhiều cán bộ nhưng khắc phục những sai phạm để lại cực kỳ khó, nhất là liên quan đến đất đai”, ông Nam nhấn mạnh. Theo ông Nam, thành phố cần tăng cường kỷ cương, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong quản lý đất đai và phòng chống cháy nổ.

Đại biểu Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm bày tỏ lo ngại, thời gian qua, một số công trình trọng điểm của thành phố, nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư PPP, hợp đồng BT triển khai chậm. Ông Tuấn đồng tình với chủ trương của Thành ủy chuyển hình thức đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 từ BT sang đầu tư công, đồng thời thúc giục thành phố rà soát các dự án đang triển khai theo hình thức tương tự để điều chuyển.

Cần đẩy mạnh quá trình kiểm soát, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để tạo nguồn lực đầu tư công. Ông Tuấn đề xuất thành phố kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, quy định quản lý đối với các dự án đối tác công - tư để khắc phục tồn tại, hạn chế thời gian qua.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm đề nghị thành phố tập trung cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường một số sông, hồ trên địa bàn, kể cả xem xét việc cống hóa với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước như Tô Lịch, Kim Ngưu…

Trường hợp Dự án hoàn thành và được Bộ GTVT bàn giao cho thành phố trong năm 2019 theo tiến độ, dự kiến tổng số nợ gốc và lãi phải trả đến hết năm 2019 là 25,6 triệu USD, tương đương khoảng 601,1 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 18,3 triệu USD, lãi phải trả là 7,3 triệu USD.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".