Hà Nội chỉ chấp nhận một Lễ hội hoa anh đào

Hà Nội chỉ tổ chức lễ hội hoa anh đào duy nhất.
Hà Nội chỉ tổ chức lễ hội hoa anh đào duy nhất.
TP - Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội khẳng định Hà Nội chỉ tổ chức lễ hội hoa anh đào duy nhất với tên gọi “Lễ hội  giao lưu văn hóa Nhật Bản”, khai mạc 23/3.

Sau khi báo chí và dư luận phản ánh lễ hội hoa anh đào do Hội Hữu nghị Việt-Nhật tổ chức thời gian qua úi xùi, hoa giả lấn át hoa thật, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội khẳng định không ủng hộ hoạt động đó. Hà Nội chỉ phối hợp tổ chức duy nhất Lễ hội giao lưu văn hoá Nhật Bản từ 23-26/3. Sự kiện năm nay diễn ra xung quanh tượng đài Lý Thái Tổ, theo lãnh đạo Sở được nâng tầm về quy mô và chất lượng. Lễ hội do UBND thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản và Cty CP Tiến bộ Quốc tế AIC đồng phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Lễ hội Hoa anh đào vẫn là mối quan tâm lớn của người dân khi đến sự kiện này. Theo ông Lê Vinh, Phó Tổng giám đốc Cty AIC, ngày 17/3 gần 2 tấn hoa anh đào đầu tiên về tới Hà Nội. Ban tổ chức đặt lịch với Vietnam Airlines để vận chuyển lần lượt hàng tấn hoa anh đào từ 19-22/3 để kịp tiến độ trưng bày. Số hoa này hiện được bảo quản theo chế độ riêng, chờ trang trí và dựng tiểu cảnh. 50 cây hoa anh đào với kích thước từ 1-2,5m và 10 nghìn cành hoa anh đào được kết hợp với cây cảnh nghệ thuật, các loại hoa đặc trưng của Việt Nam để tạo thành khu trưng bày ở khu vực Hồ Gươm. Hoa đơn với hai màu trắng và phớt hồng, hoa anh đào kép màu sắc phong phú hơn được chuyên gia lựa chọn cẩn thận từ Nhật.

Ban tổ chức tiết lộ, Hoa hậu và Công chúa hoa anh đào mới đăng quang tại Nhật Bản hồi tháng 2 sẽ tới Công viên Hoà Bình tham gia lễ trao tặng và trồng 200 cây hoa anh đào. Số cây anh đào trồng thời gian qua theo Sở VHTT Hà Nội vẫn sống, hy vọng sớm đơm hoa tại Thủ đô.

Nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn

Theo ban tổ chức, khu vực nhà bát giác sau tượng đài Lý Thái Tổ là không gian giới thiệu văn hoá Nhật Bản với hoạt động đặc trưng như trà đạo, nghệ thuật gấp giấy, hoá trang.

Cung Thiếu nhi Hà Nội trở thành địa điểm giới thiệu ẩm thực Nhật Bản và Việt Nam từ 23-25/3. Lễ khai mạc và xuyên suốt các ngày hội có nhiều chương trình nghệ thuật phong phú của hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Ông Tô Văn Động cho  biết, chương trình trình diễn múa Yosakoi tại khu vực phố đi bộ thu hút 1 nghìn bạn trẻ tham gia; cho nên “riêng việc tìm chỗ cho họ thay trang phục cũng đủ khó khăn”. Lãnh đạo Sở nói thêm, sự kiện này là dịp để Hà Nội thử sức xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách và nhân dân.

“Để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra như hoạt động trưng bày hoa anh đào ở Hoàng thành, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát. Quan điểm của Sở là không ủng hộ lễ hội mang tính thương mại, vì thế Sở chỉ cấp phép cho lễ hội hoa anh đào này”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nói.

Lãnh đạo Sở nói, thời gian tới, Hà Nội dự kiến có thêm sản phẩm, lễ hội mới để làm phong phú hơn dịch vụ du lịch cho thủ đô.

Lễ hội không mang tính thương mại

Trưng bày hoa anh đào do UBND thành phố Hà Nội phối hợp Đại sứ quán Nhật Bản, Cty AIC tổ chức lần đầu năm 2016 với mong muốn mang hoa anh đào thật, đẹp nhất từ Nhật Bản tới Hà Nội. Năm 2017, trưng bày hoa anh đào mở rộng quy mô lên tới 150 cây anh đào và 12 nghìn cành, nằm trong khuôn khổ Hoạt động giao lưu văn hóa Việt-Nhật. Năm 2018, Hà Nội nâng hẳn quy mô thành Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản. Ông Tô Văn Động khẳng định, sau hai lần tổ chức BTC có thêm kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động giao lưu văn hóa. Bên cạnh hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, Việt Nam và Nhật Bản hợp tác tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư và du lịch, một số hoạt động giao lưu về giáo dục, y tế. “Để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra như hoạt động trưng bày hoa anh đào ở Hoàng thành, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát. Quan điểm của Sở là không ủng hộ lễ hội mang tính thương mại, vì thế Sở chỉ cấp phép cho lễ hội hoa anh đào này”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết.

MỚI - NÓNG