Góp ý chương trình - SGK mới: Ban soạn thảo đã tiếp thu những gì?

Nhiều vấn đề về Chương trình - SGK mới đã được Ban soạn thảo tiếp thu, sửa đổi và bổ sung. Ảnh: Ngọc Châu.
Nhiều vấn đề về Chương trình - SGK mới đã được Ban soạn thảo tiếp thu, sửa đổi và bổ sung. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho biết: Ban soạn thảo chương trình đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân và mở rộng thêm danh sách tác phẩm bắt buộc đối với môn Ngữ văn.

Sau khi công bố chương trình môn học, Ban soạn thảo cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến rộng rãi của dư luận. Vậy, các ý kiến được tiếp nhận như thế nào, thưa ông?

Ngày 3/4/2018, Ban soạn thảo đã tổng hợp các góp ý và nêu ý kiến tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo (dày 217 trang) báo cáo Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK của Bộ. Các tổ chức, cá nhân có nhiều nhận xét, góp ý để hoàn thiện chương trình, tập trung vào 3 nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, về các môn học mới ở cấp trung học cơ sở có nội dung tích hợp, cụ thể là môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí, các ý kiến thắc mắc xoay quanh lí do dạy tích hợp, nội dung các môn, đặc biệt là vấn đề bồi dưỡng giáo viên và tổ chức dạy học các môn này. Nhóm ý kiến thứ 2 là về mức độ mở của chương trình môn Ngữ văn. Một số tổ chức, cá nhân đề nghị tăng số lượng tác phẩm văn học bắt buộc để giảm độ mở. Có góp ý về việc tăng cường tác phẩm văn học viết về đề tài cách mạng, kháng chiến, thêm tác phẩm của nhà văn người dân tộc thiểu số, tác phẩm viết về biển đảo và chủ quyền biển đảo… Nhóm ý kiến thứ 3 nhận xét chương trình một số môn vẫn nặng, cần tiếp tục giảm tải.

Về 2 môn học có nội dung tích hợp, nhiều ý kiến cho rằng, trong chương trình môn học, các mảng kiến thức mới chỉ được xếp cạnh nhau, chưa có sự tích hợp nhuần nhuyễn, chuyên sâu. Điều này được lý giải thế nào?

Dạy học tích hợp đã được thực hiện từ hàng chục năm nay ở các nước có nền giáo dục phát triển với nhiều mức độ khác nhau, mức cao nhất là học theo chủ đề, không câu nệ ranh giới giữa các môn học truyền thống như ở Phần Lan. Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục nước ngoài cũng đã cảnh báo: tích hợp không được làm mất đi tính hệ thống kiến thức cốt lõi của mỗi ngành khoa học. 

Trong Chương trình GDPT mới, việc xây dựng các môn học có nội dung tích hợp ở THCS được tính toán phù hợp với quy luật nhận thức của học sinh, đặc điểm của từng môn học và trình độ giáo viên, sự thích nghi của giáo viên và xã hội đối với môn học tích hợp. Môn Khoa học tự nhiên không tổ chức theo phân môn mà theo 4 chủ đề: Chủ đề “Chất và sự biến đổi của chất” thiên về Hóa học nhiều hơn nhưng vẫn có kiến thức của Vật lí và Sinh học. Chủ đề “Vật sống” thiên về Sinh học hơn nhưng vẫn có Hoá học, Vật lí. Chủ đề “Năng lượng” thiên về Vật lí hơn nhưng vẫn có Hoá học, Sinh học. Chủ đề “Trái đất và bầu trời” tổng hợp cả kiến thức Vật lí, Sinh học và Hóa học.

Môn Lịch sử và Địa lí có 2 phân môn là Lịch sử, Địa lí, trong đó kiến thức của các phân môn được sắp xếp lại để soi sáng, hỗ trợ cho nhau, đồng thời có 4 chủ đề đòi hỏi tích hợp ở mức độ cao hơn.

Môn Ngữ văn có nhiều ý kiến đóng góp về tính mở của chương trình, về việc bổ sung các tác phẩm văn học cách mạng và kháng chiến, văn học dân tộc thiểu số, kiến thức lịch sử văn học. Ban soạn thảo chương trình tiếp thu như thế nào?

Chương trình môn Ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12 có trên 2.500 tiết, vì vậy không thể chỉ dạy 6 tác phẩm văn học như nhiều người hiểu lầm. Ngoài 6 tác phẩm bắt buộc, chương trình còn nêu tên 250 tác phẩm khác để tác giả SGK và giáo viên lựa chọn đưa vào dạy trong nhà trường.  Theo quy định của chương trình mới, học sinh cũng được quyền đề xuất thảo luận về một số tác phẩm văn học mà các em quan tâm trong giờ thực hành. Điều này giúp chương trình gắn bó với cuộc sống, gần gũi với học sinh, tạo hứng thú học tập cho học sinh nhiều hơn.

Tiếp thu góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân, Ban soạn thảo chương trình đã mở rộng thêm danh sách tác phẩm bắt buộc. Kế thừa chương trình và sách giáo khoa hiện hành, dự thảo mới Chương trình môn Ngữ văn đã lựa chọn và bổ sung một số tác phẩm có vị trí quan trọng, tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc qua các giai đoạn để dạy học trong nhà trường với 3 cấp độ: tác phẩm bắt buộc, tác phẩm bắt buộc lựa chọn  và tác phẩm gợi ý lựa chọn.

Các tác phẩm văn học về đề tài cách mạng và kháng chiến, về biển đảo và chủ quyền biển đảo, tác phẩm văn học dân tộc thiểu số mặc dù đã được giới thiệu trong dự thảo chương trình, nay vẫn được bổ sung cho đa dạng, đầy đủ hơn.

MỚI - NÓNG