Giới ngoại giao nói gì về lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam?

30 bác sĩ mũ nồi xanh của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt Tổ quốc trước giờ lên đường sang Nam Sudan, tháng 11/2019. Ảnh: Nguyễn Minh
30 bác sĩ mũ nồi xanh của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt Tổ quốc trước giờ lên đường sang Nam Sudan, tháng 11/2019. Ảnh: Nguyễn Minh
TPO - Theo những cán bộ ngoại giao cao cấp, hành trình tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) của Việt Nam giai đoạn 2012-2020 đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, góp phần nâng cao vị thế đất nước.

Cách tiếp cận rất mới của Việt Nam

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Trưởng đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết: Nếu như từ góc độ ngoại giao Nhà nước, thành công của việc Việt Nam tham gia lực lượng GGHB của LHQ đã góp phần tích cực vào việc nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà đỉnh điểm là việc lần thứ hai Việt Nam được Đại hội đồng LHQ bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu), thì từ góc độ đối ngoại nhân dân, việc Việt Nam tham gia GGHB LHQ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Chúng ta đã từng bước cử lực lượng tham gia các hoạt động GGHB LHQ. Đặc biệt, tỷ lệ nữ sĩ quan của Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ luôn nằm trong nhóm đầu và cao hơn mức 15% theo kêu gọi của tổ chức này. Qua các kênh đối ngoại nhân dân, bạn bè quốc tế đều đánh giá cao chủ trương sáng suốt và việc Việt Nam tham gia có chất lượng cao trong hoạt động này.

Giới ngoại giao nói gì về lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam? ảnh 1 Đại sứ Nguyễn Phương Nga phát biểu tại Hội nghị tổng kết về Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2012-2020 do Bộ Quốc phòng tổ chức, ngày 7/1. Ảnh: Nguyễn Minh

Cũng theo bà Nga, cam kết chính trị ở cấp cao nhất thể hiện qua các phát biểu của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các hoạt động cụ thể của các sỹ quan, cán bộ của ta tại các Phái bộ đã giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, cả trên bình diện song phương và đa phương. Các sĩ quan Việt Nam đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được LHQ và nước chủ nhà đánh giá cao về năng lực, tính chuyên nghiệp và khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, Việt Nam đã mang đến một cách tiếp cận rất mới, đó là lực lượng GGHB LHQ không chỉ đơn thuần hoàn thành sứ mệnh GGHB mà còn là các “sứ giả” của hoà bình và tình hữu nghị, gần gũi, gắn bó với người dân bản địa, giúp đỡ cộng đồng dân cư ở địa bàn. Thông tin và hình ảnh về những chiến sĩ quân y Việt Nam - những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” tận tụy hết lòng chăm sóc người bệnh, trồng rau xanh, may và phát khẩu trang phòng chống COVID-19 đã làm cho người dân các nước thêm hiểu và thêm yêu mến Việt Nam và cũng làm đẹp hơn hình ảnh “những người lính mũ nồi xanh” của LHQ.

Liên hợp quốc nhiều lần nêu gương

Đánh giá về đóng góp của những chiến binh mũ nồi xanh đối với nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021 của Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ thông tin: Khác với thời điểm Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ đầu (2008-2009), trong nhiệm kỳ 2020-2021, chúng ta có các lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ hai Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Giới ngoại giao nói gì về lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam? ảnh 2 Đại sứ Đặng Đình Quý. Ảnh: Vietnam at UN

Theo ông Quý, những dấu ấn thành quả của lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam đã góp phần tạo thế cho đất nước tại Hội đồng Bảo an. Trong 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an năm 2020, trừ Cộng hòa Dominican và St. Vincent and the Granadine, tất cả các nước đều có lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ. Các nước Ủy viên không thường trực như Đức, Bỉ, Nam Phi có đóng góp khá lớn cho ngân sách GGHB LHQ và cử quân tham gia từ nhiều năm nay. Riêng Indonesia, hiện có 2.700 nhân viên quân sự và cảnh sát GGHB LHQ tại 9 Phái bộ. Do đó, việc Việt Nam có lực lượng tham gia tại các Phái bộ, đặc biệt là từ khi Việt Nam cử cấp đơn vị - Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2), thì thực sự đã tạo nên sự khác biệt.

Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng tham gia của Việt Nam vào các công việc của Hội đồng Bảo an. Phần lớn các cuộc xung đột vũ trang mà Hội đồng Bảo an phải quan tâm, thường xuyên tham vấn, đưa ra quyết định xảy ra ở các nước chúng ta không có cơ quan đại diện và có bối cảnh rất khác chúng ta. Do đó, thông tin từ các lực lượng tham gia trên thực địa và kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyến thăm lực lượng Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng khi chúng ta xây dựng các kiến nghị về giải pháp cho các vấn đề cụ thể tại các cuộc xung đột. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh cả năm qua, vì đại dịch COVID-19, Hội đồng Bảo an không tổ chức được các chuyến thăm thực địa.

Giới ngoại giao nói gì về lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam? ảnh 3 Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, những người lính mũ nồi xanh đã nâng cao hình ảnh của Việt Nam tại LHQ nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng. Trong năm qua, sự tham gia có hiệu quả các lực lượng, nhất là BVDC2 và Chương trình huấn luyện GGHB LHQ với mô hình hợp tác ba bên (TPP) đã được Phó Tổng thư ký LHQ nêu gương tại nhiều cuộc trao đổi chính thức với sự có mặt của các thành viên Hội đồng Bảo an và đông đảo các nước thành viên LHQ.

Kiến tạo hòa bình bền vững

Nói về ý nghĩa của việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB với công tác ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, nếu năm 2014 ta mới chỉ cử 2 sĩ quan đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ thì đến nay đã cử được 172 lượt cán bộ, sĩ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam triển khai ở cấp đơn vị là BVDC2 số 1 ở Nam Sudan. Năm 2020, ta có 2 sĩ quan ứng tuyển thành công vào vị trí làm việc tại Vụ Chính trị và Hoạt động hòa bình của Ban Thư ký LHQ.

“Có thể khẳng định việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Con số 172 lượt cán bộ, sĩ quan làm nhiệm vụ GGHB mang một giá trị biểu tượng rất lớn về hình ảnh của một đất nước Việt Nam đổi mới, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Giới ngoại giao nói gì về lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam? ảnh 4 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Hội nghị tổng kết về Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2012-2020. Ảnh: Nguyễn Minh

Theo ông Trung, việc Việt Nam tích cực tham gia và đóng góp cho hoạt động GGHB LHQ góp phần khẳng định đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước, phản ánh rõ nét sự đổi mới quan trọng về tư duy trong trong hội nhập quốc tế và đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam, nhằm đáp ứng các mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng thông qua hoạt động này, chúng ta tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các mục tiêu và tôn chỉ của LHQ, các nguyên tắc cơ bản của hoạt động GGHB LHQ, góp phần kiến tạo và xây dựng hòa bình bền vững.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.