Giáo viên được tập huấn thế nào cho Chương trình giáo dục phổ thông mới

Tập huấn chương trình 2018 cho giảng viên các trường sư phạm
Tập huấn chương trình 2018 cho giảng viên các trường sư phạm
TPO - Bộ GD&ĐT đang cấp tập chuẩn bị tổ chức tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý về chương trình giáo dục phổ thông mới (gọi tắt là chương trình giáo dục 2018). Là người tham gia tập huấn chương trình hiện hành và chương trình 2018, bà Nguyễn Minh Giang khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có cái nhìn tổng thể về câu chuyện tập huấn giáo viên.

Công tác bồi dưỡng giữa chương trình hiện hành và chương trình giáo dục 2018 có gì khác nhau, thưa bà?

Chương trình hiện hành khi bồi dưỡng giáo viên không có chương trình tổng thể như chương trình 2018. Các giảng viên sư phạm đi bồi dưỡng đều dựa trên SGK. Ví dụ với tiểu học, giảng viên dựa trên bộ SGK tiểu học. 

Còn với chương trình giáo dục 2018, trước khi bồi dưỡng, giáo viên phải nghiên cứu trước toàn bộ chương trình, từ chương trình tổng thể, chương trình môn học, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt được.

Nếu so sánh hai chương trình thì thấy kế hoạch bồi dưỡng chương trình 2018 quy củ hơn rất nhiều.

Và như vậy, từ cơ sở lý thuyết đến thực tiễn đối với giáo viên cũng hiệu quả hơn. Trước đây tôi cảm thấy giáo viên chỉ biết phần ngọn, bây giờ được xây dựng từ gốc đến ngọn.

Khi bồi dưỡng chương trình 2018, tôi nghĩ rằng cần lộ trình rất dài cho giáo viên thì mới đạt được mục tiêu đề ra, còn trước đây chỉ có một bộ SGK bồi dưỡng xong là giải quyết được tất cả.

Phương pháp bồi dưỡng giữa chương trình hiện hành và chương trình 2018 khác nhau như thế nào?

Tôi đi bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học từ năm 2009. Thông thường, chúng tôi sẽ đưa ra lý thuyết những vấn đề muốn bồi dưỡng. Sau khi lý thuyết xong, giáo viên sẽ phải thực hành làm tất cả những gì mà chúng tôi hướng dẫn. Điều này có lợi cho giáo viên.

Với chương trình 2018, khi làm thử, chúng tôi cũng làm theo phương pháp chương trình hiện hành nhưng thực tế không thể triển khai được. Vì khi vào tập huấn, cán bộ sẽ hướng dẫn thực hành luôn nên buộc giáo viên phải có toàn bộ nền kiến thức về chương trình 2018 trước. Nếu không được tiếp cận trước với lý thuyết, giáo viên sẽ gặp khó khăn khi tập huấn.

Cách làm theo chương trình hiện hành có thể thấy chưa chắc giáo viên đã động não suy nghĩ, họ chỉ làm theo những gì hướng dẫn. Những gì không được hướng dẫn sẽ rất khó khăn với họ. Còn nếu bồi dưỡng theo phương pháp của chương trình 2018, người được bồi dưỡng phải tự chủ từ đầu đến cuối cho nên trong mọi tình huống họ có thể xử lý được.

Việc bồi dưỡng không có SGK có hạn chế gì không, thưa bà?

Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình GDPT mới không phụ thuộc vào SGK mà căn cứ theo chương trình tổng thể, chương trình môn học. Bởi lẽ với chương trình mới, SGK chỉ là tài liệu cụ thể hoá của chương trình. Tuy nhiên, giáo viên của chúng ta từ trước đến nay coi SGK là pháp lệnh. Vì vậy, bây giờ tập huấn không có SGK sẽ khó khăn cho giáo viên.

Từ chương trình yêu cầu phẩm chất, năng lực cần đạt trong từng môn học, từ nội dung chương trình để xây dựng ra nội dung bài học; từ nội dung bài học để hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh. Giáo viên thực sự lúng túng khi xây dựng hành trình này.

Do đó, khi đi bồi dưỡng cho giáo viên, tôi thường phải quán triệt là không căn cứ vào SGK để giáo viên thử sáng tạo. Chương trình 2018 vốn không bó hẹp trong một bộ SGK mà có nhiều SGK cho một môn học.

Nhiều bộ SGK là một nguồn tư liệu phong phú mà thầy cô có thể tham khảo. Nhưng nếu được, khi tham khảo xong các thầy cô có thể xây dựng một “bộ SGK” cho mình theo kế hoạch dạy học, không theo một bộ SGK nào nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, đảm bảo đúng tính yêu cầu cần đạt.

Không có bộ SGK để tập huấn cũng là một thuận lợi, đó là giáo viên thoát được lối mòn cũ mà bộ SGK đã mặc định. Nhưng đây cũng là một thách thức cho cả người tập huấn và người được tập huấn.

Năng lực của giáo viên để tiếp cận kiến thức tập huấn như thế nào?

Giáo viên hiện nay đang theo lối mòn SGK nên kiến thức cơ bản nền tảng gần như bỏ quên.

Chương trình 2018 không có SGK khi tập huấn nên bắt buộc giáo viên phải tự xâu chuỗi các nội dung từ lớp 1 đến lớp 5. Đồng thời song hành với nó là phải có kiến thức về kỹ thuật dạy học. Giáo viên phải bước bằng “hai chân” là một thử thách.

Ở góc độ giáo viên tiểu học, tôi nhận thấy giáo viên của mình bị hổng một số vấn đề. Do đó, bây giờ bồi dưỡng phải dạy song hành cả kiến thức cơ bản và phương pháp dạy học.

Hệ thống giáo viên có tuổi, theo bà, để họ thay đổi, có dễ không?

Tôi đánh giá là không dễ chút nào. Vì đối với các thầy cô đã dạy 30 năm, 30 năm một thói quen thì không thể thay đổi thói quen đó trong 1 ngày hay một thời gian ngắn được. Có nhiều thầy cô lớn tuổi chấp nhận thay đổi nhưng họ cần thời gian, có thể là 5 năm, có thể là 10 năm, nhưng không có nghĩa là họ sẽ không thay đổi. Tôi đi bồi dưỡng cũng thấy rằng, có những thầy cô lớn tuổi nhưng yêu nghề vẫn chịu khó đổi mới.

Đối với sự chênh lệch chất lượng giáo viên, khi đi tập huấn, tôi thường bắt đầu bằng những câu hỏi như: thầy cô đã tiếp cận chương trình này như thế nào; thầy cô biết gì về chương trình GDPT mới; thầy cô mong muốn của thầy cô được tập huấn như thế nào?... Căn cứ trên những câu trả lời, tôi sẽ đưa ra phương pháp, nội dung tập huấn phù hợp.

Chúng tôi phải chấp nhận một thực tế là có nơi giáo viên chưa đụng gì đến chương trình 2018. Chúng tôi phải dành thời gian hướng dẫn họ đọc rất nhanh, chỉ cho họ những từ khóa mới để nêu bật được vấn đề.

Điều đó chứng tỏ cũng đòi hỏi năng lực của người đi tập huấn?

Chính xác. Tôi cho rằng tập huấn thành hay bại là ở người đi tập huấn. Đi tập huấn bao giờ tôi cũng khai thác xem giáo viên cần gì, họ làm được gì, họ có gì, tôi yêu cầu họ làm gì. Mỗi nơi sẽ có một câu trả lời khác nhau và tôi sẽ có nhiệm vụ xử lý những vấn đề phát sinh. Người đi tập huấn vô cùng quan trọng là vì thế.

Xin cảm ơn bà!

Hội thảo - Tập huấn “Dạy và học các chương trình bồi dưỡng thường xuyên tiếp cận theo năng lực” do Bộ GD&ĐT tổ chức từ 6-10/8/2019, tại Đà Nẵng. Hội thảo là sự tiếp nối của các bước đã thực hiện trước đó để chuẩn bị bồi dưỡng đội ngũ cho chương trình GDPT mới.

Cụ thể, từ tháng 4/2019, 200 báo cáo viên nguồn gồm 120 giảng viên sư phạm, 60 giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý trường phổ thông giỏi đã được các chuyên gia của ĐH Melbourne (Australia) bồi dưỡng về tiếp cận dạy học phát triển năng lực, kiểm tra đánh giá.

Đầu tháng 7 đầu vừa qua, sau khi tài liệu chương trình môn học, chương trình tổng thể được trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng thành các video, đồ hoạ, hướng dẫn thực hiện đi kèm thì Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) đã đưa lên hệ thống học tập trực tuyến để các thầy cô có thể vào nghiên cứu.

Hội thảo tập huấn tập trung tại Đà Nẵng lần này với giảng viên chủ chốt của 4 trường: ĐH Vinh, ĐH Sư phạm-ĐH Huế, ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, các giảng viên tiếp tục tự trả lời những câu hỏi phục vụ tìm hiểu chương trình môn học của chương trình tổng thể. Việc quan trọng nữa là thầy cô xây dựng kịch bản để tới đây sẽ bồi dưỡng giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán. Chương trình giáo dục 2018 chính thức triển khai từ năm học 2020-2021 và bắt đầu từ việc thay SGK lớp 1 trên toàn quốc. 

MỚI - NÓNG