Giáo viên cắm bản: Cõng chữ lên non

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh ở bản Búng
Học sinh ở bản Búng
TP - Nhiều năm cắm bản gieo chữ cho các em học sinh Đan Lai, các thầy cô giáo đã quá quen với những cơn mưa rừng, vắt cắn hay trượt ngã khi mưa về. Điều kiện khó khăn, bữa cơm đôi khi chỉ là rau dại, măng rừng nhưng thầy cô vẫn quyết tâm bám trường…

Nhớ con, chỉ biết ngắm qua điện thoại

Trầy trật băng rừng, lội suối, điểm trường bản Búng hiện ra sau ngọn núi mờ sương. Xung quanh là những nóc nhà đã cũ như bao bọc lấy điểm trường. Thấy người lạ, đám trẻ con đang đùa nghịch trước sân ngượng ngùng gật đầu chào rồi vội chạy ùa vào lớp học. Một số em hé mắt qua các khe hở trên vách nhìn máy quay lạ lẫm.Thầy Lang Văn Hùng (SN 1974), giáo viên trường Tiểu học 2 Môn Sơn niềm nở: “Thấy có khách ở xuôi lên thăm, mình mừng lắm! Lâu rồi, trừ thầy cô trong trường, không có ai lên đây”. Nói rồi thầy mời chúng tôi vào căn phòng rộng chừng 20m2. Nói là căn phòng, nhưng bên trong vừa là chỗ ở của 3 thầy giáo, kiêm luôn phòng ăn.

Cách đây 16 năm, thầy Hùng được phân công về trường Tiểu học 2 Môn Sơn. Khi đó, đường đi lại chỉ là những lối nhỏ, mùa mưa trơn như đổ mỡ, xe máy phải gắn xích mới có thể băng qua. Thầy chật vật đẩy xe, dắt bộ mãi mới vào được bản.

Điểm trường lúc đó là những gian nhà lụp xụp, phòng học trống trơn. Mỗi khi gió lùa, thầy trò trong lớp ngồi co ro, tay không thể viết chữ được vì lạnh buốt. Dần dần, trường cũng được tu sửa khang trang hơn, nhưng con đường tới trường của các em học sinh vẫn còn lắm gian nan.

“Những hôm mưa, các em đến trường với bộ quần áo lấm lem bùn đất, người ướt sũng, run lẩy bẩy. Mặt các em tái nhợt, tay cứng vì giá lạnh. Thương các em lắm. Trước cái khó, cái khổ của bà con, chúng tôi chỉ biết gieo con chữ để thay đổi tương lai mù mịt như màn sương kia”, thầy Hùng chia sẻ.

Giáo viên cắm bản: Cõng chữ lên non ảnh 1

Thầy Lang Văn Hùng dạy cho học sinh tại bản Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An

Giáo viên nơi đây nói rằng, đời sống của bà con vùng cao này còn vất vả, sống dựa vào nương rẫy. Nói về việc học tập của học sinh, thầy Hùng cho hay, phần lớn bà con vẫn chưa ý thức được việc học tập của con em mình, chưa bảo ban con trong học tập.

Do đó, tình trạng học sinh tự ý bỏ học vẫn xảy ra. “Học sinh nơi đây 100% là người Đan Lai nên việc tiếp xúc, giao tiếp của các em còn khá rụt rè. Các em đều đã có sự cố gắng trong học tập. Tuy nhiên, do cuộc sống còn khó khăn nên việc chú trọng vào học tập của phụ huynh với con em còn chưa cao. Một số học sinh ý thức việc đến trường còn thấp. Để giúp các em duy trì con chữ, hàng ngày, hàng tuần thầy cô phải đến tận bản, vào từng nhà vận động”, thầy nói.

Cô Võ Thị Hồng Long, Hiệu trưởng trường Tiểu học 2 Môn Sơn cho biết, toàn trường có 24 lớp với 477 học sinh ở 4 điểm trường. Trong các điểm trường đó bản Búng là khó khăn nhất, với 6 thầy cô giáo phụ trách 5 lớp với 64 học sinh, 100% là người dân tộc Đan Lai. Đường đi lại khó khăn, hiểm trở, nhiều khe suối và phải qua lại dòng sông Giăng nhiều lần, có chỗ chưa có cầu nên giáo viên phải khiêng xe máy và lội qua sông, không đảm bảo an toàn, nhất là mùa nước lũ tràn về.

Ở nơi núi cao, đèo sâu này, hạnh phúc gia đình hay những bữa cơm sum vầy là điều xa xỉ đối với những thầy cô cắm bản. Vì điều kiện công tác, nhiều thầy cô gạt nước mắt xa gia đình, ở lại cắm bản cho giấc mơ con chữ của những học trò được trọn vẹn.

“Tôi có một vợ, 2 con gái. Mỗi lần vợ, con ốm đau không thể về, tôi tự trách bản thân. Thương con, nhiều lúc nhớ con chỉ biết đưa điện thoại ra ngắm. Muốn gọi điện về thăm con cũng khó vì trên này sóng yếu lắm. Hai vợ chồng đành động viên nhau cố gắng thôi”, thầy Hùng tâm sự.

Rau dại, măng rừng

Tiếng trống trường vừa dứt, học sinh tan học về, các thầy cô vội vàng chia nhau chuẩn bị bữa cơm đạm bạc. Người ra bìa rừng hái rau dại, người vo gạo nấu cơm, người xách túi lạc khô để trong góc bếp ra rang chín làm vừng lạc. Khi nồi cơm trên bếp lửa vừa kịp sôi, một giáo viên trở về, trên tay là bó rau dớn (đọt cây dương xỉ) vừa hái bên bìa rừng.

Nhìn vào bữa cơm đãi khách, có phần ái ngại, thầy Hồ Viết Đức nói như giải thích: “Vì là vùng sâu vùng xa của huyện nên ở đây không có chợ. Sáng thứ hai đầu tuần nào cũng vậy, anh chị em tập trung rồi di chuyển vào bản từ tờ mờ sáng. Chúng tôi mang từ cân thịt, con cá hay chai mắm, lọ muối, túi gạo, bịch đường chất lên xe ngược núi. Số thực phẩm này là dành cho một tuần cắm bản”.

Ra trường năm 2018, thầy Đức gùi gạo, mắm, lội ngược dòng sông Giăng vào bản Búng của người Đan Lai dạy học. Ngày vào bản, thầy Đức tròn 24 tuổi. Đi vào nơi “sơn cùng thủy tận”, đã lường trước những khó khăn, thiếu thốn nhưng vì tình yêu với con chữ, với các em nhỏ vùng cao, anh quyết tâm bám trường. “Đến nay là năm thứ 3 mình dạy học tại bản, cũng chừng ấy thời gian, người dân ở đây góp từng lon gạo, bó rau nuôi mình. Điểm trường không chỉ là nơi thắp sáng ước mơ cho bao đứa trẻ, mà đã là nhà, là gia đình của giáo viên cắm bản. Nơi đây, đồng nghiệp là anh em, học sinh được thầy cô chăm như ruột thịt”, thầy giáo trẻ chia sẻ.

Dù được người dân nơi đây rất quan tâm nhưng có những lúc cảm giác cô đơn, nhớ nhà khiến các giáo viên cắm bản mềm lòng. “Ở đây mưa rừng có khi kéo dài cả tháng. Khi màn đêm buông xuống, sương phủ, gió lùa, lạnh cắt da cắt thịt. Không có người thân, sóng điện thoại chập chờn không biết tâm sự cùng ai, thực sự cô đơn vô cùng”, thầy Đức nhớ lại. Nghe thầy Đức nhắc đến người thân, như chạm đúng mạch cảm xúc, thầy Hùng cũng hướng ánh mắt nhìn về phía ngọn núi phía xa, đăm chiêu.

Theo lời giáo viên cắm bản, những ngày đầu tuần, thức ăn của các thầy cô có phần đủ đầy hơn. Nói là đủ đầy nhưng bữa ăn cũng chỉ là miếng thịt hay con cá được kho mặn để ăn dần. Những ngày tiếp theo là điệp khúc cá khô, trứng chiên và rau dại. Nhiều hôm rảnh rỗi, để cải thiện bữa ăn, thầy Hùng, thầy Đức rủ nhau đi bắt cá suối, mò ốc cải thiện bữa ăn. Nhưng cũng lâu lâu mới bắt được một bữa.

Vừa nhặt mớ rau dại cô Mười vừa góp chuyện: “Có hôm đi hái rau rừng mãi không có, tôi đành sang vườn nhà người dân xin quả bầu đất về nấu canh. Lúc này họ mới ngỡ ngàng vì trong bản loại bầu này chỉ dành cho heo ăn. Họ mới hỏi lại, cô giáo mà lại ăn rau heo à. Lúc ấy tôi vừa ngượng vừa buồn cười. Sau này biết loại bầu ấy ăn được, người dân cứ hễ đi ngang trường là mang vào cho cô giáo”.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG