Thi tốt nghiệp THPT: Ít học sinh chọn thi môn Lịch sử

Học sinh trường THPT Việt Đức. Ảnh: Hồ Thu
Học sinh trường THPT Việt Đức. Ảnh: Hồ Thu
TP - Theo kết quả khảo sát môn thi tự chọn của học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn: Tiếng Anh là 62,2%, Vật lý: 53,8%, Hóa học: 45,1%, Địa lý: 20,5%; Sinh học: 6,6% và Lịch sử: 4,6% (33/716 học sinh toàn trường).

Phóng viên Tiền Phong trao đổi cùng ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường, xung quanh vấn đề này.

Ông có nhận xét gì về cơ cấu các môn thi tự chọn mà học sinh trường ông chọn thi?

Tôi nghĩ đây cũng là xu hướng chung. Tỷ lệ các môn thi lựa chọn đang nghiêng về những môn giúp cho các em học sinh có thể thi đại học (ĐH) theo các khối để có kết quả tốt nhất, vì chúng ta đang hướng tới 1 kỳ thi 2 mục đích: đánh giá tốt nghiệp và đánh giá để tuyển sinh vào ĐH. Do đặc thù của trường THPT Việt Đức, các học sinh chọn ban D nhiều hơn sau đó là các môn ban A, và cuối cùng là các môn Địa lý, Sinh học, Lịch sử. Cơ cấu này không phản ánh thực chất việc dạy học ở trường mà liên quan mục đích thi ĐH của học sinh.

Việc lựa chọn như thế này tác động thế nào tới công tác dạy học và ôn tập ở trường?

Việc học tập các môn học sẽ diễn ra bình thường, mặc dù sự quan tâm đến những môn học sẽ thi tốt nghiệp hay thi vào ĐH và các môn không phải thi của học sinh là khác nhau. Đối với việc ôn thi, chúng tôi sẽ chia học sinh theo các môn các em tự chọn để ôn tập từng môn, ví dụ, sẽ có lớp ôn ngoại ngữ, lớp ôn Vật lý, Sinh học, Lịch sử... dù có ít hay nhiều học sinh.

Cơ cấu đăng ký tự chọn như trên sẽ tác động thế nào đến công tác tổ chức thi của nhà trường?

Hình thức tổ chức thi cho việc đổi mới thi như năm nay có việc học sinh được lựa chọn môn thi chưa làm bao giờ và chắc chắn đòi hỏi nhiều hoạt động đi kèm theo trong quá trình tổ chức thi. Số lượng đề thi từ 6 môn như trước, nay tăng lên 8 môn kèm với số lượng bài thi của mỗi môn thi không giống nhau do có những môn đăng ký nhiều, ít khác nhau cũng là vấn đề. 

Thi tốt nghiệp THPT: Ít học sinh chọn thi môn Lịch sử ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Bình

Việc quản lý điều hành thi khó khăn hơn do phải nhận đề, phát đề theo cơ cấu phức tạp như trên nhưng vẫn phải đảm bảo khoa học, tránh nhầm lẫn, mất mát, trong khoảng thời gian hạn chế để đảm bảo giờ thi sát nhau... 

Một loạt câu hỏi được đặt ra: Một buổi thi có 2 môn khác nhau, giám thị bộ môn thi trước có phải ở lại không; nhiều học sinh thi xong môn trước, ít thí sinh thi môn sau thì xử lý thế nào; môn có ít giám thị, nhiều thí sinh thi thì sao; học sinh thi xong ca một ở đâu để đảm bảo an toàn trường thi...

Dư luận các nhà quản lý đồng cấp thế nào?

Thú thực, giảm môn thi, học trò thì vui, nhưng thầy cô hồi hộp và lo lắng. Mục tiêu là giảm áp lực, đỡ tốn kém, nhưng chất lượng như thế nào là một câu hỏi mà các nhà quản lý giáo dục đang đặt ra.

Nếu chúng ta tiếp tục tổ chức tự chọn, sẽ có những môn học trò không học. Điều này dường như đang lệch tâm với quan điểm giáo dục toàn diện. Là người thầy, ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Việc học của học sinh đang bị thi cử chi phối. Tôi nghĩ, chúng ta nên điều chỉnh thi theo hướng có những bài thi chung hỏi đều các kiến thức Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Lô-gíc... thì học sinh sẽ phải quan tâm và học đều các môn, nhất là kiến thức Lịch sử, các nước thi thì sao ta lại để học sinh tự chọn?

Cám ơn ông.

MỚI - NÓNG