> Chính sách đãi ngộ giáo viên là then chốt đổi mới giáo dục
Cô giáo Hà Thị Thu Oanh. |
Tôi phải đến làng phong!
20 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường Trung học Sư phạm Đà Nẵng, cô Hà Thị Thu Oanh (quê ở Điện An 1, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) về dạy tại trường Phổ thông Cơ sở Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Ba năm sau, cô Oanh quyết định tình nguyện dạy ở làng phong Hòa Vân.
Cô Oanh cho biết, hè năm 1989, một lần ra thăm bà con ở đây, tiếp xúc các con ở làng phong trong thời gian học hè, cô không thể kìm lòng trước tình cảm lưu lưu luyến. Khi trở lại trường, hình ảnh các em luôn ẩn hiện trong tâm trí. Năm 1990, cô xin chuyển về trường, trực tiếp dạy tại Làng Vân.
“Mình đã suy nghĩ nhiều trước sự phản đối của bạn bè, bạn trai, gia đình. Nhưng mình vẫn quyết tâm ra làng phong. Ngày đầu khó khăn lắm. Nhưng, với tình cảm yêu thương đùm bọc của bà con, các em nhỏ, thực sự mình không thấy ận hận”- cô Oanh tâm sự.
Cô Oanh là một trong những giáo viên đầu tiên về làng phong Hòa Vân dạy học. Lớp học ban đầu chỉ vỏn vẹn tám học sinh của lớp ghép 1-2-3. Ngoài ra, còn một thầy giáo khác dạy lớp 4 (ngày đó chưa có học sinh lớp 5).
Nhiều giáo viên đến làng phong dạy học nhưng sau một thời gian ngắn, họ đều ra đi. Tuy nhiên, cô Oanh lại khác: “Người thân, bạn bè khuyên tôi đừng dạy ở đây, sợ lây bệnh, nhưng ánh mắt của các em níu tôi ở lại”, cô Oanh chia sẻ về quyết định ở lại của mình.
Hạnh phúc
Cô Oanh chia sẻ: “Dạy các em ở làng phong rất khó. Mình được đào tạo bên sư phạm dạy một lớp nhưng thực tế ra đó dạy lớp ghép, một lớp 3 trình độ. Lớp học có một bảng chia làm hai, phải "chạy" từ lớp này qua lớp nọ. Làm sao dạy các em không bị phân tâm là rất khó”. |
Trải lòng về những ngày đầu gieo chữ ở làng phong, cô Oanh nói: “Ngày đầu ra đó, xa nhà cả 30 km, nhưng cứ ngày nghỉ là về nhà. Lúc đó, chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Một là đi dưới chân đèo Hải Vân, hai là theo đường hầm tối tăm. Đi qua đó mà không quen đường rất nguy hiểm. Vừa đi vừa canh tàu, đang đi nghe tiếng tàu là vội kiếm chỗ tránh”.
Những ngày đầu, ở làng phong không có điện, chỉ thắp đèn dầu, thiếu thốn trăm bề: “Không ti vi, không bạn bè, người thân bên cạnh. Chợ không có, chỉ có rau, trứng và cá phụ huynh đem cho”- cô Oanh tâm sự.
“Mức lương thấp nhưng ở làng phong tôi đâu có tiêu gì. Mình khó khăn nhưng đồng nghiệp của mình còn khó khăn hơn nhiều lắm”.
Vượt lên những khó khăn đời thường, cô Oanh mỉm cười khi nói về "điều hạnh phúc nhất": “Hạnh phúc của tôi là sự trưởng thành của học sinh vùng khốn khó”.
Mắt cô ngân ngấn nước khi kể về các học trò “đặc biệt ” của mình: “Các em không chỉ biết đọc, viết. Không ít em đã trở thành thạc sĩ, cử nhân, đang góp sức xây dựng quê hương. Đã ra đến đây, tôi không ngại khó chỉ mong các em học giỏi, có tương lai tươi sáng. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề giáo”, cô Oanh nói.
Tháng 9- 2012, TP Đà Nẵng có chủ trương đưa con em làng phong vào hòa nhập ở các trường của TP Đà Nẵng. Không còn lớp học ở làng phong nữa, cô Oanh chuyển về dạy tại trường Tiểu học Trưng Nữ Vương.
Hạnh phúc đến khi năm 34 tuổi, cô lập gia đình. Hạnh phúc riêng đến muộn xứng đáng với "người thầy" hàng chục năm đứng trên bục giảng. Vậy là, trong niềm vui của nữ giáo viên hôm nay, không chỉ có nụ cười của bao thế hệ học sinh, mà còn là gia đình đầm ấm với hai con trai học lớp bốn và sáu.
Tháng 11-2012, cô Hà Thị Thu Oanh là một trong 129 nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại vùng biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được biểu dương và nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. |