Khi thầy là 'thợ' dạy

Khi thầy là 'thợ' dạy
TP - Nhiều người cho rằng một bộ phận khá lớn giáo viên và cán bộ quản lý coi nhà giáo chỉ như những “thợ” dạy trong khi lẽ ra họ phải là những nhà giáo dục.

> Hoàng Sa, Trường Sa vào lớp học

Quên mình là nhà giáo dục

Cô N.N, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội đã “đụng” với một đồng nghiệp trẻ tuổi khi làm giám thị. Buổi đầu tiên thi môn Văn, cô N.N là giám thị 1, đồng nghiệp trẻ là giám thị 2. Khi phát hiện thí sinh mở tài liệu, cô N.N liên tục nhắc nhở trong khi giám thị 2 thì lờ đi.

Thậm chí khi cô N.N tịch thu tài liệu của một thí sinh, giám thị 2 đã nói nhỏ: “thi tốt nghiệp thôi mà cô làm các em sợ”.

Cô N.N nhận xét: “Đáng tiếc là không ít giáo viên đồng cảm với bạn ấy họ cho rằng như vậy là biết thương học sinh. Còn tôi cho rằng cách hành xử đó phản sư phạm”.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm, Hà Nội kể về một tiết dạy của một giáo viên trong trường… Bình thường đó là một giờ học tốt bởi không khí lớp học sôi nổi và đi đúng trọng tâm bài giảng.

Nhưng tôi đánh giá chỉ đạt loại khá vì cô giáo không thể hiện được vai trò giáo dục. “Trường tôi vẫn quán triệt quan điểm nhiệm vụ trước hết của nhà giáo là dạy người, sau mới dạy chữ” – bà Hiền nói.

Nhận thức chưa tới?

Chị H, giảng viên ĐH là phụ huynh học sinh lớp 3 một trường tiểu học dân lập cho biết, vừa vào năm học nhưng con chị đã phải đi học thêm bằng cách cô giáo cho người giúp việc đến tận trường để đón học sinh từ lớp về nhà riêng (ở gần đó) để dạy.

“Bảo giáo viên công lập lương thấp dạy thêm để tăng thu nhập còn có lý, đằng này giáo viên dân lập được trả lương cao”, chị H. bức xúc.

“Chẳng ai như mình, quản lý giáo viên theo tiết học. Ở các nước phát triển, giáo viên dù dạy xong vẫn ở lại trường làm việc đến hết giờ. Dĩ nhiên nhà nước phải trả lương làm sao để người ta có thể yên tâm làm việc ở trường cả ngày”, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội nhận xét.

Trao đổi với Tiền Phong, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng ngay lập tức ngành GD&ĐT nên thay đổi cách tuyển dụng sinh viên vào ngành sư phạm. “Thời tôi còn trẻ, trường sư phạm đặt ra nhiều điều kiện khác với các ngành khi tuyển sinh.

Chẳng hạn thí sinh phải trải qua một vòng phỏng vấn, trả lời các câu hỏi về quan điểm với nghề giáo. Phải ưu tiên lựa chọn những người vào nghề giáo vì sứ mệnh thiêng liêng chứ không đơn thuần coi nó là một nghề để kiếm sống.

Ngược lại, xã hội cũng phải coi trọng nhà giáo, xem họ là những đốm lửa thắp lên nguồn sáng tri thức trong xã hội” - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG