Ép cô giáo phải quỳ đủ 40 phút để chuộc lỗi

Bản tường trình của cô giáo N.
Bản tường trình của cô giáo N.
Gặp phóng viên, ông Võ Hoài Thuận phủ nhận việc ép cô giáo của con mình phải quỳ. Tuy nhiên, qua nhân chứng và cô giáo, sự thật không như những gì vị phụ huynh này nói

Nguồn tin phóng viên cho biết Công an tỉnh Long An đã cử cán bộ tìm hiểu xác minh vụ cô giáo B.T.C.N dạy tại Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An phải quỳ gối trước mặt 3 phụ huynh suốt 40 phút vì đã phạt con họ quỳ gối trong giờ học.

"Cô quỳ được coi như xong chuyện"

Theo tìm hiểu của phóng viên, cô N. đã có tường trình gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Bến Lức khẳng định cô đã quỳ gối đủ 40 phút phụ huynh mới chịu cho cô về lớp. Theo tường trình, sáng 28-2, khi cô N. đi dạy ghé qua phòng ban giám hiệu, hiệu trưởng hỏi cô là phụ huynh có gặp chưa? Cô N. trả lời chưa và không biết nội dung gặp làm gì.

Khi cô định đi lên lớp, 4 phụ huynh đến và cùng hiệu trưởng về phòng phó hiệu trưởng làm việc. Tại đây, phụ huynh hỏi cô dạy được bao lâu và nhận xét: "Thời gian cô dạy có 1 tháng mà có lời nói, hành động khiến học sinh không dám đi học". Cô giải thích nhưng phụ huynh không đồng ý. Lúc này có người hỏi: "Tại sao bắt cả lớp quỳ, cô cho quỳ vậy bao nhiêu lần rồi? Cô nói đi, con tôi có lỗi gì hay không mà cho quỳ?". Khi cô giải trình, một nam phụ huynh cho là "Gương mặt của cô không có gì là biểu hiện của sự hối lỗi".

Trong quá trình làm việc, cô N. và ban giám hiệu thấy hành động của mình sai nên xin lỗi và hứa khắc phục nhưng phía phụ huynh nhất quyết không chấp nhận lời xin lỗi mà bắt trường phải đổi lớp, đổi giáo viên..."Nam phụ huynh cứ nhắc đi nhắc lại: "Con tôi không có lỗi cô bắt quỳ, bây giờ cô có lỗi cô quỳ đi! Cô quỳ được tôi coi như chuyện này giải quyết xong".

Ngoài ra, cô N. cũng nêu: "Bản thân đứng trước sức ép lớn từ phụ huynh và hiệu trưởng cũng không có ý gì về thái độ phụ huynh. Sau đó, nhìn đồng hồ đến giờ ra chơi nên tôi hẹn phụ huynh 9 giờ khi học sinh vào lớp sẽ thực hiện. Đến 9 giờ hiệu trưởng nói đi dự giờ và một phụ huynh ra về thì phụ huynh nam nói là: "Đến giờ và đang chờ cô làm". Tình huống không còn đường lui và bản thân non nớt làm để mọi việc giải quyết xong nên tôi đã quỳ trong thời gian 40 phút"...

Nhân chứng: "Tôi không bao che ông Thuận nữa" 

Nhân chứng vụ cô giáo quỳ suốt 40 phút là bà N.T.B.T - Chi hội trưởng Chi hội Phụ huynh, người đi cùng ông Võ Hoài Thuận - kể ngày đó bà T. đi cùng ông Thuận, vợ ông Thuận và ông Vốn (chủ tịch hội phụ huynh học sinh của trường) có đến phòng phó hiệu trưởng để làm việc. Theo bà T., "ông Thuận không có dùng vũ lực nhưng ông Thuận nói rằng: "Cô có quỳ được không mà cô bắt con tôi quỳ?". Ông Thuận còn nói "Cô quỳ là coi như xong chuyện".

Bà T. xác nhận cô N. quỳ suốt 40 phút. Bà T. thẳng thắn: "Tôi không bao che cho ông Thuận nữa. Tôi xác nhận ông Thuận nói chưa đúng vì khi làm việc xong ông hiệu trưởng đồng ý cho lắp camera nhưng 1 tuần sau mới lắp chứ ông Thuận nói không cho lắp camera là chưa đúng. Ông Thuận liên tục lặp đi lặp lại với cô N.: "Cô quỳ là coi như xong chuyện". Tôi cũng bức xúc vì ổng làm theo ý ổng"...  

Ngoài ra, bà T. cũng khẳng định: "Sau cuộc họp, thầy hiệu trưởng bỏ đi thì chỉ còn tôi và vợ chồng ông Thuận cùng cô giáo. Một giáo viên nói với tôi phòng này không ai được vào; có cả giáo viên ở đó nói là tuyệt đối không ai được vào nên không có giáo viên nào được vào can ngăn. Khoảng 9 giờ 30 phút, lúc này cô giáo đã quỳ được 30 phút rồi có thầy dạy hóa đến nói "Thôi đi đừng đối xử nhau như vậy nữa" thì ông Thuận nói là "Chưa tới giờ"; ý ổng là 40 phút mới được. Tôi chứng kiến hết nhưng không biết phải làm sao". 

 

Vụ "Giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh"

Cần khởi tố, kỷ luật đối với ông Võ Hoài Thuận

Theo thông tin trên Báo Người Lao Động, phụ huynh buộc cô giáo phải quỳ suốt 40 phút là ông Võ Hoài Thuận, nguyên cán bộ tư pháp của một xã thuộc huyện Thủ Thừa và là đảng viên sinh hoạt chi bộ ấp. Như vậy, phải khẳng định ông Thuận là người có kiến thức pháp luật và là một đảng viên, nhưng ông đã có hành vi vi phạm pháp luật. Theo tôi, ông Thuận vi phạm quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm và phải bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng. Về pháp luật, việc ông buộc cô giáo phải quỳ trước mặt ông cùng các phụ huynh, giáo viên trong trường là hành vi làm nhục người khác. Hành vi này có dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác" theo điều 155 của Bộ Luật Hình sự 2015. Khoản 1 điều 155 Bộ Luật Hình sự quy định: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm".

Về mặt Đảng, khi đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì tổ chức Đảng nơi đảng viên sinh hoạt phải tiến hành thủ tục kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật thì xử lý kỷ luật theo quy định; không bao che, không xử lý nội bộ. Việc xử lý kỷ luật đảng viên hiện nay được thực hiện theo Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (thay thế Quy định 181-QĐ/TW ngày 20/3/2013). Từ điều 33, Quy định 102 quy định về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trường hợp của ông Võ Hoài Thuận có dấu hiệu vi phạm về đạo đức, nếp sống văn minh của đảng viên.

Do vậy hành vi của ông Võ Hoài Thuận cần phải được xử lý nghiêm minh. Cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Bến Lức và tỉnh Long An cần nhanh chóng vào cuộc trả lại sự công bằng cho cô giáo. Mặt khác, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Long An, Bộ GD-ĐT cũng cần lên tiếng, phản ứng mạnh mẽ với hành vi thiếu đạo đức này của ông Võ Hoài Thuận.

Nhất định không để vụ việc này chìm xuồng hoặc bị xử lý qua loa, kiểm điểm nội bộ. Bởi lẽ, hành vi của ông Thuận không chỉ xúc phạm đến cô giáo bị quỳ gối mà là xúc phạm đến cả nền giáo dục; gây sự bất bình, bức xúc rất lớn trong xã hội. Việc xử lý nghiêm đối với ông Thuận mới có tác dụng giáo dục răn đe và phòng ngừa đối với các đối tượng xem thường pháp luật.

Lâm Hoàng

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.