Đừng chờ đợi sự thay đổi

Hội ngộ trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Hội ngộ trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
TP - Đó là lời khuyên của bà Tôn Nữ Thị Ninh trong diễn đàn người Việt trẻ vừa diễn ra tại Singapore.
Hội ngộ trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Hội ngộ trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore.

Xung quanh chủ đề làm thế nào để kết nối cộng đồng, phát huy sức mạnh của trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh: “Giống như một bản tango phải có hai người phối hợp, trí thức ở nước ngoài phải hiểu, chấp nhận và dấn thân. Đừng chờ đợi sự thay đổi. Bạn hãy là một phần tích cực chủ động tạo ra thay đổi đó”.

Tại diễn đàn, nhiều trí thức trẻ Việt ở Singapore bày tỏ nguyện vọng cống hiến, nhưng băn khoăn vì môi trường làm việc trong nước còn thiếu thốn.

“Làm gì để đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ từ nước tiên tiến tới nước nhà thông qua trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài?”, một cựu du học sinh Việt của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đặt vấn đề.

Bà Ninh cho rằng, để đóng góp cho cộng đồng, sự xuất sắc của một người chưa đủ mà cần sự kết nối. Thực tế cho thấy những tổ chức do trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài lập ra như Vietnam2020 (một tổ chức của sinh viên và trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore), VietAboarder (Mỹ)... đã góp phần kết nối người Việt, tạo nên sức cộng hưởng lớn.

Cũng tại diễn đàn, ông Đặng Tấn Đức, Chủ tịch Vietnam2020, nhận xét: “Điều kiện phát triển kinh tế, khoa học, địa lý và quan hệ ngoại giao gần gũi giữa Việt Nam và Singapore là lợi thế trong việc kết nối cộng đồng. Có làm được gì cho đất nước hay không, điều quan trọng là ý chí, khát vọng cống hiến của mỗi bạn trẻ”.

Diễn đàn dành cho sinh viên và trí thức trẻ Việt Nam đang học tập, làm việc tại Singapore được tổ chức cuối tuần qua tại Đại học Quốc gia Singapore thu hút gần 200 bạn trẻ tham gia. 

Từ câu chuyện thực tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhắn nhủ rằng, có những bạn trẻ chưa thật sự hiểu lịch sử đất nước nên hoang mang trước thông tin sai lệch. Theo bà Lan, những người ở trong nước cần làm nhiều hơn nữa để người Việt học tập ở nước ngoài có thể hiểu đúng và đủ hơn về đất nước, để họ duy trì khát vọng cống hiến.

Thảo luận về chủ đề giáo dục tại diễn đàn, bà Ninh cho rằng, Việt Nam đầu tư 20% ngân sách cho giáo dục là tỉ lệ khá cao, nhưng hiệu quả chưa cao. Nhiều du học sinh cũng bày tỏ mong muốn đóng góp cho giáo dục nước nhà, nhưng e rằng lực bất tòng tâm.

Ông Phạm Anh Khoa, người sáng lập tổ chức VietAboarder, nói: “Tổng số du học sinh Việt Nam trên toàn thế giới là 200.000 người – chỉ chiếm 0,25% dân số Việt Nam. Họ tuy chỉ là lực lượng nhỏ nhưng không có nghĩa là không làm được gì”.

Bên lề diễn đàn, Ngô Lê Kim Anh, ĐH Quản lý Singapore (SMU) thu hút được sự quan tâm của nhiều du học sinh từ việc tổ chức hội thảo Micro Transform ở Việt Nam về kỹ năng mềm thuyết trình và cách điều hành một cuộc họp trong hè vừa qua.

“Sau Micro Transform 2010, nhiều bạn trẻ mong được tham gia tổ chức sự kiện này trong tương lai. Như vậy cảm hứng tổ chức sự kiện giúp đỡ sinh viên Việt Nam được lan tỏa. Chúng tôi mong Micro Transform sẽ trở thành tổ chức giúp đỡ sinh viên trong nước”, Kim Anh nói.

MỚI - NÓNG