Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Về trời trăm linh năm tuổi hạc

0:00 / 0:00
0:00
Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch, trụ thế 105 năm Ảnh: GHPGVN
Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch, trụ thế 105 năm Ảnh: GHPGVN
TP - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đệ tam Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bậc chân tu đạo hạnh vừa về bến Giác sau 105 năm trụ thế.

Có người rủ hẳn hoi mà lỡ mất một cuộc đi về chùa Viên Minh (xã Quang Lãng, Phú Xuyên, Hà Nội). Về chùa Viên Minh, được xoải, được chùng cái thân phàm, được vô ngôn vô nghĩ bên một đấng tu hành đã bách tuế tuổi giời mà lạ vẫn linh lợi cũng chả sướng sao? Thế mà cứ dùng dằng, đùng cái, ập tới cái tin Đại lão hòa thượng Đức Đệ Tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Thích Phổ Tuệ lặng lẽ về cõi.

Năm 2017 tôi theo gót một phật tử vốn là chỗ đi lại mật thiết với chùa Viên Minh, lại được cái hạnh hầu chuyện khi ngài tròn trăm tuổi. Chuyến hành hương còn có sư Thích Đàm Vân là chỗ quen biết của ngài. Sư Đàm Vân khá cởi mở nên tôi biết thêm chút thông tin về Đức ngài.

 Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Về trời trăm linh năm tuổi hạc ảnh 1

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ và tác giả

Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ, sinh năm 1917, quê gốc ở xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Không theo trào lưu du học Nhật Bản những năm 1950 như nhiều vị tăng thời đó, sư Thích Phổ Tuệ tu hành ẩn cư tại làng Ráng nơi có chùa Viên Minh. Sau 50 năm thọ đại giới, năm 1987, ngài được Pháp chủ đương thời phái ba cao tăng là Kim Cương Tử, Thích Thiện Siêu, Thích Tâm Thông tới trụ xứ mời lên Hà Nội đảm trách các chức vụ của Giáo hội.

Thông tuệ am tường, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ có duyên để đảm đương nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật về Phật học mà tinh những thứ đồ sộ như: Đại từ điển Phật học, Đại Luật, Đại tạng kinh Việt Nam, Đề cương Kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ, Phật Tổ Tam Kinh…Năm 2012, Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII đã thống nhất tái suy tôn Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sư Thích Đàm Vân chia sẻ những lần được nghe Hòa thượng thuyết pháp, giảng giải. Vị sư nữ nói mà như đọc thuộc lòng: “... Sống ở trên đời này được bao nhiêu năm? Theo tôi, không phải là thước đo giá trị của đời người. Con rùa sống hàng ngàn năm thì đã sao? Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 91 năm, ở chùa 85 năm, thụ Đại giới được 71 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương”.

“Sống ở trên đời này được bao nhiêu năm? Theo tôi, không phải là thước đo giá trị của đời người. Con rùa sống hàng ngàn năm thì đã sao? Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo”. Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Qua nhời sư Đàm Vân, tôi đã thoáng mường tượng ra tướng mạo phi phàm những mày bạc, da dẻ hồng hào tiên phong đạo cốt của vị Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ. Nhưng trật lất cả. Dáng ngài dong dỏng. Chiếc mũ len chĩnh chiện, cùng những sải bước chầm chậm khoan thai. Nụ cười thân thiện ánh lên hàm răng đen nhánh. Hệt như một ông già nông thôn tuổi trọng nào đó đang bước ra. Ngài đang ngoái lại với ai đó phía sau “mấy dảnh dọc ao cứ cấy cần ta hết như đã dặn nhá!”. Cái cười kèm câu nói tự nhiên như lời chào chủ động thân gần “chả phải gả bán gì mà ngày nào cũng được ăn canh cần”.

Nhà tu hành ấy đến tận năm 82 tuổi còn trực tiếp dong trâu ra ruộng chùa. Thôi thì cày bừa, cấy hái, gặt, xay thóc giã gạo giần sàng… Ngài làm tất. Việc quen nếp nông tang (chùa thiếu mỗi chăn tằm) ngài lam làm quen tay từ thuở trẻ đến cao niên! Rồi giấc trưa vào mùa lạnh, cao niên thế nhưng ngài chỉ dám để hờ một làn chăn mỏng thay vì dùng chăn bông dày nặng, ấm quá, sợ ngủ quên.

Hình như có hẹn trước nên ngài nhanh nhẹn khoan thai làm cái việc giảng chú kinh Dược Sư cho mấy Phật tử. Cuộc giảng khá dài. Lại có thêm những đàm đạo. Lời ngài rành rẽ rằng, đọc tụng và hành trì Kinh Dược Sư là nhằm phát triển các đức tính cao đẹp trong mỗi người để trị liệu tâm bệnh của bản thân và tha nhân. Chất trị liệu, thứ thuốc đó luôn có sẵn trong mỗi con người. Tu hạnh Dược Sư để mỗi chúng ta “sống với dược chất tâm linh” nhằm chữa lành các chứng bệnh vô minh, phiền não, nghiệp chướng cá nhân từ nhiều đời.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch vào lúc 03h22 phút ngày 21 tháng 10 năm 2021 (nhằm ngày 16 tháng 9 năm Tân Sửu) tại Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Lễ nhập kim quan chính thức cử hành vào lúc 13h00 ngày 21 tháng 10 năm 2021. Kim quan được tôn trí tại Tổ đình Viên Minh. Lễ viếng chính thức từ 07h ngày 22 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 23 tháng 10 năm 2021. Lễ truy điệu được cử hành lúc 09h ngày 24 tháng 10 năm 2021, sau đó cung thỉnh kim quan Đại lão Hòa thượng nhập Bảo tháp trong khuôn viên Tổ đình Viên Minh.Nguyên Khánh

Người nhà chùa vào báo có khách. Ngài tranh thủ mấy đoạn kinh ngắn cầu lành cho đám chúng tôi. Lối về thả giữa hai hàng cau dẫn ra cổng chùa. Vế đối bên trụ cổng nét chữ rất bắt mắt bằng chữ Nôm do chính Đại lão Hòa thượng viết: “Đường chính sáng thông tiến bước tránh xa tội lỗi/Ao chùa thuận tiện chuyên dùng gột rửa bùn nhơ”.

Chợt giật thột! Ngài vốn học vấn sâu dày, thông kim bác cổ, chả thiếu những ngôn từ câu chữ ăm ắp điển tích Nho, Phật. Thế mà lại dùng thứ chữ Nôm để thể hiện một vế đối Nôm dung dị bình dân ai ai cũng hiểu, cũng thấm? Chợt gẫm thêm lời dạy của ngài: “Chùa to, cảnh lớn, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện”. Tùy duyên phương tiện. Cái câu ấy đĩnh đạc trong bức đại tự ở mặt tiền chùa Quán Sứ bao năm rồi? Chùa không cứ phải lớn, phải nguy nga. Câu ấy còn rành rẽ thêm thông điệp dân gian lễ bạc tâm thành. Chỉ có cái tâm mới là trọng còn lễ vật dù chỉ chén nước lã nhưng tâm thành thì cao xanh linh thiêng vời vợi kia sẽ thấu hiểu.

Bây giờ nhan nhản những lệch lạc, những cố tình hiểu sai thông điệp cùng minh triết nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Những thiền viện xây cất nguy nga nếu chẳng chiếm công thổ phá sơn lâm đâm hà bá thì cũng là tòa ngang dãy dọc, dường như cung cách ấy như có chi xúc phạm, nhạo báng môi trường?

Giờ này ngài đã nhẹ gót về chốn Phật lành. Thời này mỗi năm sao mỗi vắng khuyết những đấng bậc chân tu nhưng không bỉ đời, lánh đời mà nhập thế. Nhớ thêm lúc đàm đạo, một Phật tử cùng đi trong câu chuyện có nhắc đến một đấng chân tu là Thiều Chửu. Hóa ra không những biết mà hai vị thuở ấy còn có mối thân gần. Thiều Chửu hơn nhà sư Thích Phổ Tuệ 16 tuổi. Một nụ cười hom hóm làm sáng bừng khuôn mặt khô gầy của vị cao tăng: Ông ấy có nhiều cái tài vượt trội. Nhớ mãi ông ấy luôn đeo đôi guốc mộc tự đẽo lấy…

Hai vị ấy dường như có cái chung na ná tích cực nhập thế không lánh đời? Cũng tự tay làm lụng cấy cày để nuôi thân. Cũng tích cực siêng năng hoằng dương Phật pháp!

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên tín đồ tôn giáo mang Tết Trung thu đến với thiếu nhi

Thanh niên tín đồ tôn giáo mang Tết Trung thu đến với thiếu nhi

TPO - Tối 27/9, Tỉnh đoàn – Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và Câu lạc bộ Thanh niên Phật giáo thành phố Sa Đéc tổ chức chương trình “Vui Trung thu đón Trăng rằm” tại chùa Phước Hưng (thành phố Sa Đéc) cho gần 600 thiếu nhi, đoàn viên, thanh niên và người dân.
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các tôn giáo khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các tôn giáo khu vực miền Trung và Tây Nguyên

TPO - Thời gian qua, các tôn giáo đã xây dựng hàng nghìn mô hình, triển khai nhiều hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.