Đức - Brazil: 'Trận cầu ma' trên miền đất ma

Đức - Brazil: 'Trận cầu ma' trên miền đất ma
Lần thứ hai trong lịch sử World Cup, Brazil đối diện Đức, cuộc đụng độ mà thế giới từng gọi là “trận cầu ma”, diễn ra ở Belo Horizonte, mảnh đất cũng đầy những câu chuyện ma...

Brazil và Đức là 2 quyền lực bóng đá thế giới, 2 kỉ lục gia thâu tóm hầu hết những kỉ lục, nắm giữ chiếc chìa khóa mở ra những giai đoạn lịch sử World Cup. Thế nhưng, họ như nằm ở hai thế giới tách biệt, như những hồn ma và những bóng người, chỉ quấn lấy nhau đầy bạo liệt, mà chẳng bao giờ gặp được nhau. Suốt từ năm 1930 cho đến 72 năm sau, khi cả hai đã chất chứa nhiều hào quang, họ vẫn nhìn nhau như những kẻ ở hai đầu thế giới.

Brazil có mặt ở tất cả các kì World Cup. Đức chưa bao giờ bỏ lỡ giải nào kể từ khi “tái hội nhập” World Cup năm 1954. Họ đối mặt với tất cả đối thủ lớn, nhưng 12 lần lễ hội trôi qua, Brazil và Đức vẫn đi trên hai đường thẳng song song một cách kì lạ, cho đến tận năm 2002, lần đầu tiên World Cup tổ chức ở châu Á. Và cái lần đầu tiên ấy, như một sự sắp đặt của số phận, họ gặp nhau trong trận chung kết.

Trận chung kết World Cup 2002 có lẽ là trận chung kết thứ 2 được lịch sử đặt tên, sau “tấn bi kịch Maracanazo” năm 1950 (Brazilthua Uruguay và mất chức VĐ). Có tên là “trận cầu ma”, nó cũng diễn ra đầy ma quái, khi đội trưởng Oliver Kahn mắc một sai lầm chết người để Ronaldo ghi bàn quyết định nhấn chìm giấc mơ người Đức (2-0). Thế nhưng, giải đấu đó chính Kahn được chọn là cầu thủ xuất sắc nhất chứ không phải Ronaldo. Và đến nay, Kahn vẫn là thủ môn duy nhất được bầu là cầu thủ hay nhất một kì World Cup.

12 năm sau “trận cầu ma”, cả Brazil và Đức đều chưa một lần trở lại vị thế thống trị thế giới. Và rất có thể, trận bán kết ở Belo Horizonte sẽ là nơi đưa ra lời phán quyến cho “trận cầu ma”, và cho những cái dớp, những câu chuyện trùng hợp xảy ra xung quanh trận đấu này.

Belo Horizonte, thủ phủ bang Minas Gerais, được coi là “trung tâm của lòng đất”, khu vực khai thác quặng sắt, vàng và các loại đá quý lớn nhất Nam Mỹ. Đó là nơi tương truyền xuất xứ một “lời nguyền” World Cup. Trước khi tham dự World Cup 1963, BLĐ Brazil tìm đến một pháp sư ở Belo Horizonte, “yểm bùa” giúp đội nhà bảo vệ thành công chức vô địch, và trở thành đội thứ hai làm được điều đó sau Italia (1934, 1938). Vị pháp sư già làm lễ và Brazil vô địch.

Nhưng sau đó gần 2 năm, ông mắc bệnh và mất mà không ai hỏi thăm, dù chỉ là 1 nhân vật có liên quan đến bóng đá. Trước khi ra đi, ông pháp sư đưa ra lời nguyền: “Ta sẽ không nói rằng, Brazil không bao giờ vô địch thế giới, nhưng từ giờ trở đi sẽ không kẻ nào bảo vệ được chức vô địch nữa”. Lời nguyền đó ám ảnh đến bây giờ.

Nhưng sự ám ảnh đó có lẽ không làm Brazil hay Đức phải lo, vì họ đâu có đi bảo vệ chức vô địch. Hơn nữa, Brazil đang cảm thấy thanh thản hơn bao giờ hết, bởi Đức đã tạo cho họ một kí ức mãnh liệt. Ngoài chiến thắng năm 2002, HLV Scolari và trợ thủ là ông Perreira đều từng thành công trước Đức. 

Với Scolari, ông là HLV ĐT Brazil vô địch World Cup 2002 sau khi đánh bại Đức. Parreira vô địch thế giới năm 1994, vô địch Confed Cup 2005 ngay trên đất Đức, và ở bán kết, ông cũng đánh bại chính người Đức (3-2). Những kí ức quá đẹp, với sự ủng hộ của lịch sử, dù vẫn biết nó không đủ khẳng định cho chiến thắng của hiện tại.

Một điều nữa khiến trận đấu này càng đáng được gọi là “trận cầu ma”, là từ trận đấu năm 2002 đến nay, cứ đội bóng nào đánh bại Đức tại World Cup sẽ lên ngôi vô địch. 2002 là Brazil, 2006 là Italia, 2010 là Tây Ban Nha. Bây giờ nếu Brazil hạ Đức, họ sẽ là nhà vô địch ngay sau “trận cầu ma” diễn ra trên “mảnh đất ma”?

 Tương phản

Brazil và Đức là hai nền bóng đá đối lập về mặt triết lý. Xứ sở Samba đề cao những nghệ sỹ sân cỏ, những pha bóng ngẫu hứng và những bàn thắng tưởng chỉ xuất hiện trong mơ. Bóng đá Đức thì khoa học, bài bản và ngăn nắp.

Rạng sáng qua, khi David Luiz ghi bàn nâng tỉ số lên 2-0 cho Brazil trong trận đấu gặp Colombia từ cú sút phạt trực tiếp, sự tương phản giữa hai nền bóng đá càng được lột tả rõ nét. Bởi lẽ, chỉ vài ngày trước thôi, khi Đức gặp Algeria ở vòng 1/8, khán giả trên sân Beira-Rio được phen cười nghiêng ngả sau pha dàn xếp đá phạt kỳ cục của Die Mannschaft. Trong pha đá phạt này, Schweinsteiger làm động tác giả chạy qua bóng để Mueller lấy đà thực hiện cú sút sau đó. Tuy nhiên, chân sút đã có 4 bàn tại World Cup năm nay bất ngờ "vồ ếch" trước khi chạm bóng trong sự ngỡ ngàng của đồng đội.

Chi tiết này nói lên, Đức và Brazil chỉ có một cách duy nhất để giành vé vào chơi trận chung kết World Cup 2014: Tuân theo nguyên lý bóng đá mà họ đã theo đuổi suốt bao năm qua. Đức sẽ chơi như một cỗ máy được lập trình, sẽ có những cú đá phạt như búa bổ còn Brazil sẽ lại chơi thứ bóng đá của xúc cảm, với khoảnh khắc lóe sáng của một cá nhân nào đó, như cách Luiz đã làm trước Colombia.

Huyền Linh

Theo L.Trung
Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.