Dự luật Hải quan: Sẽ cấp "thẻ xanh" cho doanh nghiệp "sạch"

Dự luật Hải quan: Sẽ cấp "thẻ xanh" cho doanh nghiệp "sạch"
Dự luật Hải quan (sửa đổi) sẽ được QH thông qua tại kỳ họp này. Liệu những sửa đổi của luật có hạn chế được tình trạng DN phải “chung chi” khi làm thủ tục hải quan (HQ)?
Dự luật Hải quan: Sẽ cấp "thẻ xanh" cho doanh nghiệp "sạch" ảnh 1

Tiền Phong có cuộc phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Hải quan Vũ Ngọc Anh.

Ông Vũ Ngọc Anh cho biết: Trong Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ trình và thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, việc quyết định kiểm tra thực tế sẽ không còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của công chức mà dựa trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật liên quan đến hàng hoá XNK (các nguồn thông tin được sàng lọc trong và ngoài nước để quyết định mức độ kiểm tra).

Cụ thể, trong Luật sẽ quy định rõ: thông tin về hồ sơ của DN sẽ được xử lý ở cấp cục, lâu dài là cấp TW thay vì làm tại các chi cục địa phương như trước đây. Có kiểm tra DN hay không, cơ quan HQ phải căn cứ vào những thông tin mà máy tính đưa ra...

Nhằm hạn chế tối đa tình trạng kiểm tra với những DN “sạch”, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành chương trình cấp “thẻ xanh” cho DN trong năm 2005. Theo đó, Tổng cục HQ sẽ lựa chọn những DN làm ăn nghiêm chỉnh, chân chính, luôn chấp hành tốt việc khai báo được cấp thẻ xanh - miễn kiểm tra.

Tiêu chí nào để xét DN được coi là “sạch”,  chấp hành tốt pháp luật, thưa ông?

Việc miễn kiểm tra bằng thẻ xanh không quy định cụ thể là bao lâu, có thể liên tục trong một thời gian dài, cũng có thể sẽ dừng trong trường hợp HQ kiểm tra ngẫu nhiên phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Cứ 1 năm DN không vi phạm trong lĩnh vực HQ thì được coi là DN chấp hành tốt.

Còn tất nhiên khi đã vi phạm  thì dù chỉ 1 lô hàng thôi, DN cũng sẽ bị đưa ra khỏi danh sách và sẽ bị kiểm tra nhiều hơn. Hiện tỷ lệ kiểm tra hàng hoá XNK của HQ Việt Nam vẫn có tiếng là quá cao (hơn  70%)- gấp 2 lần ở các nước đang phát triển, 4 lần các nước phát triển.

Thực tế này đang khiến DN tốn rất nhiều thời gian, chi phí tốn kém, mất cơ hội kinh doanh và giảm năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu “áp” theo Luật mới, tỷ lệ kiểm tra có thể chưa đến 10% so với tổng số hàng hóa XNK, như vậy DN sẽ “nhẹ  gánh” thủ tục đi rất nhiều!

Thời gian gần đây, giới buôn lậu đang đẩy mạnh “tuồn” xăng dầu ra và “lôi” tiền giả vào trong nước qua các ngả biên giới? Có ý kiến cho rằng: do quy định chưa chặt chẽ một số điều của Luật HQ, chẳng hạn như về quản lý  địa bàn nên ngành mới lúng túng khi chống buôn lậu ?

Vấn đề đáng nói đó là “buôn lậu thì không phân vùng trong khi chống buôn lậu thì lại phân vùng”. Tôi đơn cử: điều 6 Luật HQ quy định ngành HQ chỉ được tiến hành chống buôn lậu trong phạm vi địa bàn hoạt động.

Cụ thể là lực lượng HQ chỉ được quản lý trong phạm vi khoảng bao nhiêu km trên đường bộ, khu vực cửa khẩu, khu vực cánh gà, còn tại cảng biển, sân bay thì cứ ra khỏi địa phận là HQ hết  phận sự.

Phân vùng như thế, thử hỏi làm sao chúng tôi “chống” buôn lậu hết mình. Và cũng chính điều này đang dẫn đến một thực tế là ngành HQ nhiều khi biết có buôn lậu nhưng đối tượng đó đã ra khỏi địa bàn quản lý rồi nên đành chịu vậy.

Nói đâu xa, ngay trong chuyện “chảy máu xăng dầu”, do việc phân vùng địa bàn như thế nên có khi  rõ mười mươi, HQ cũng không thể can thiệp được, chỉ có thể báo cho địa phương biết ngăn chặn.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG