Dự án chồng dự án, 14 triệu USD nguy cơ thành phế liệu

90 ha rừng đặc dụng Phong Nha - Kẻ Bàng được cho là bị xâm hại khi kéo điện lưới
90 ha rừng đặc dụng Phong Nha - Kẻ Bàng được cho là bị xâm hại khi kéo điện lưới
TP - Trong lúc Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình đang được triển khai, thì tỉnh này tiếp tục phê duyệt dự án kéo điện lưới trùm lên hầu hết địa bàn của dự án pin mặt trời. Gần 14 triệu USD vay của Chính phủ Hàn Quốc có nguy cơ thành phế liệu!

Dự án tai tiếng

Năm 2010, tỉnh Quảng Bình bắt đầu khởi động tìm nguồn vốn đầu tư cho Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới. Ban đầu, Chính phủ Tây Ban Nha nhận tài trợ cho dự án này, tuy nhiên sau đó họ rút lui. Tiếp đến, Chính phủ Hàn Quốc nhận tài trợ thông qua hiệp định vốn vay ODA giữa hai chính phủ với số vốn 12 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 1,783 triệu USD.

Đây được xem là Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện, với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công được hưởng lợi. Xuất phát từ quy mô và tầm quan trọng của dự án, năm 2012, tỉnh Quảng Bình thành lập Ban quản lý Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời, trực thuộc UBND tỉnh, rút ông Mai Văn Nhị, từ Giám đốc Sở Công Thương sang làm Giám đốc dự án.

Mặc dù vậy, ban điều hành dự án đã để xảy ra nhiều sai phạm trong đấu thầu, bị báo chí phanh phui, buộc phải hủy bỏ kết quả đấu thầu, thay mới giám đốc điều hành... khiến dự án bị kéo dài so với tiến độ đề ra.

Theo ông Võ Quang Minh, Giám đốc dự án được thay mới: Mặc dù là vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc, nhưng dự án được ưu tiên cấp vốn dưới dạng ngân sách. Nghĩa là, Quảng Bình được hưởng lợi từ nguồn vốn này mà không phải trả nợ. Việc trả nợ vay cho Chính phủ Hàn Quốc thuộc trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam. Công tác đấu thầu lại đã hoàn tất và ngày 19/1/2015, Ban quản lý dự án đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp trúng thầu. Hiện đang bàn giao mặt bằng và chỉ chờ thi công xong mặt bằng để lắp ráp thiết bị. Dự kiến, cuối năm 2015, một số nơi sẽ có điện và hết năm 2016 sẽ hoàn thành dự án.

“Sáng kiến” bỏ 14 triệu USD vào kho

Dự án chồng dự án, 14 triệu USD nguy cơ thành phế liệu ảnh 1

“Sáng kiến” đề xuất của Sở Công thương và được lãnh đạo tỉnh đồng ý cho phép đưa thiết bị pin mặt trời vào kho

Mặc dù gặp không ít trở ngại, nhưng Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời vẫn được triển khai và trong giai đoạn nước rút. Bỗng dưng, ngày 16/10/2014, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình ra Quyết định số 2908, về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình, giao cho Sở Công Thương làm chủ đầu tư, với số vốn 368 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển mạng lưới điện trung, hạ áp từ nguồn lưới điện quốc gia, đấu nối về các hộ gia đình ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...

Theo quyết định phê duyệt, Dự án điện lưới sẽ được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 -2015) đầu tư cho 4 xã thuộc huyện Lệ Thủy và Bố Trạch, với số vốn gần 180 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2016 - 2020) đầu tư cho 11 xã thuộc các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch và Quảng Ninh.

Theo đó, mạng điện lưới này sẽ trùm lên hầu hết địa bàn mà Dự án điện năng lượng mặt trời đang triển khai và sẽ song song cùng lúc thực hiện hai dự án cho một mục tiêu cấp điện vùng sâu, vùng xa. Để giải “bài toán” dự án chồng dự án, Sở Công Thương có “sáng kiến” bằng văn bản số 716, đề xuất UBND tỉnh và được lãnh đạo tỉnh này đồng ý bằng việc bút phê vào góc văn bản, cho phép tháo dỡ các vật tư, thiết bị của Dự án điện mặt trời cất vào kho làm vật tư thay thế cho những nơi đang sử dụng điện năng lượng mặt trời.

Dự án chồng dự án, 14 triệu USD nguy cơ thành phế liệu ảnh 2

Quyết định phê duyệt Dự án điện lưới chồng lên điện mặt trời của Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoài

Một cán bộ trong ngành điện xin được giấu tên cho rằng: Theo quyết định phê duyệt 2908 của UBND tỉnh, thì cả hai dự án điện mặt trời và điện lưới ở hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch sẽ về đích cùng lúc là cuối năm 2015, thậm chí điện lưới sẽ về đích trước. Toàn bộ thiết bị điện mặt trời ở hai xã này, chiếm gần 50% vốn của dự án, khoảng 7 triệu USD rất có thể sẽ không có được một ngày phát điện phục vụ người dân mà phải bỏ vào kho làm vật tư thay thế. Số còn lại sẽ được tháo dỡ vào năm 2020 khi giai đoạn hai của dự án điện lưới hoàn tất. Với hệ thống điện lưới gần như phủ kín địa bàn Quảng Bình, còn được mấy nơi sử dụng điện mặt trời? Với tuổi thọ 20 năm đối với pin mặt trời, mấy trăm năm sau mới thay thế hết số thiết bị được tháo dỡ ra, và đương nhiên đống thiết bị giá 14 triệu USD sẽ thành phế liệu.

Cũng theo vị này, đáng ra Quảng Bình phải báo cáo ngay với Bộ Công thương và Chính phủ về việc Dự án chồng dự án để có phương án giải quyết. Hoặc, cắt phần vốn của điện lưới chồng lên điện mặt trời, hoặc dừng dự án điện mặt trời hay chuyển cho địa phương khác để tránh lãng phí. Để duy trì Ban quản lý Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời, riêng tiền lương phải chi 1,3 tỷ đồng/năm.

Theo một chuyên gia trong ngành, Quảng Bình đã tiền hậu bất nhất trong việc thực hiện hai dự án này. Trước đây, khi bảo vệ dự án điện mặt trời cho vùng sâu vùng xa, lãnh đạo tỉnh này cho rằng ngoài địa hình phức tạp, khó khăn trong việc kéo điện lưới, đẩy vốn đầu tư lên quá cao, thì ở hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch không thể kéo điện lưới vì đi qua rừng đặc dụng Phong Nha - Kẻ Bàng (Di sản thiên nhiên thế giới)... Thế nhưng, nay theo thiết kế, điện lưới lên hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch vẫn đi qua rừng đặc dụng Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo tính toán của vị này, để kéo được điện lưới lên Tân Trạch, Thượng Trạch sẽ xâm hại đến khoảng 90 ha rừng đặc dụng.

Một cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình xót xa: Là một tỉnh nghèo, đáng ra mỗi đồng vốn bỏ ra cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, làm sao sử dụng nó thật hiệu quả, nhưng lãnh đạo Quảng Bình lại làm ngược lại, khi đưa ra những quyết sách có thể nói là tận cùng của sự lãng phí.

Trước sự xì xào của dư luận về việc dự án chồng dự án gây lãng phí hơn chục triệu USD, thay vì tháo bỏ pin mặt trời khi có điện lưới như đề xuất của Sở Công thương, mới đây lãnh đạo tỉnh Quảng Bình lại có “sáng kiến” lồng ghép sử dụng cùng lúc hai dự án. Theo đó, Quảng Bình sẽ thương thảo với nhà tài trợ cho Dự án pin mặt trời, điều chỉnh thay đổi thiết kế sử dụng Inverter loại độc lập sang Inverter loại nối lưới để đấu nối với Dự án điện lưới, nhằm cùng lúc sử dụng hai loại năng lượng này. Tuy nhiên, theo thông tin mà Tiền Phong có được, thì phía nhà tài trợ không chấp nhận và hiện Hàn Quốc hoàn toàn không biết Quảng Bình đang kéo điện lưới trùm lên Dự án pin mặt trời mà họ tài trợ.

Ông Võ Quang Minh, Giám đốc Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình không bình luận câu hỏi của phóng viên có hay không sự lãng phí khi dự án chồng dự án. Tuy nhiên ông Minh tiết lộ, Dự án pin mặt trời này được xem là lớn nhất Việt Nam, nên Chính phủ đã rất cẩn trọng lấy ý kiến một số bộ, ngành trước khi phân bổ về cho Quảng Bình. Cũng đã có những ý kiến phản đối, cho rằng nên ưu tiên cho những nơi khác khó khăn hơn như vùng Tây Bắc hay hải đảo, nhưng rồi Quảng Bình vẫn được lựa chọn.

MỚI - NÓNG