Đột phá phát triển tàu sắt cho ngư dân

Đột phá phát triển tàu sắt cho ngư dân
TP - Tới đây, các chủ tàu đóng mới các loại tàu cá, dịch vụ hậu cần có công suất trên 380CV trở lên được hưởng các nguồn vốn ưu đãi. 

Chiều 13/6, tại TP.Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển thủy sản với bộ ngành T.Ư, các tỉnh thành ven biển cả nước.

Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ đang hoàn chỉnh dự thảo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt tháng 7 tới. Đây được xem là chính sách “đột phá” chưa từng có phát triển thủy sản, đặc biệt với các đội tàu lớn, xa khơi, tàu vỏ sắt. Theo đó, các chủ tàu đóng mới các loại tàu cá, dịch vụ hậu cần có công suất trên 380CV trở lên được tham gia nguồn vốn ưu đãi. 

Cụ thể: Đối tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ, trường hợp tàu vỏ thép đóng mới, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới lãi suất 5%/năm. 

Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, còn lại ngân sách nhà nước sẽ cấp bù. Trường hợp tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 85% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 5%/năm (trong đó chủ tàu trả 2%/năm).

Ông Nguyễn Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định: dự thảo tập trung giải pháp ưu tiên đóng mời tàu công suất lớn, tàu sắt. Tuy nhiên, cần mở rộng ra cả chủ tàu cá đã có tàu vỏ gỗ nhưng cải hoán, nâng công suất. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, đóng mới tàu khủng, tàu sắt là cần thiết nhưng cần có lộ trình cụ thể, thậm chí chính sách riêng về phát triển tàu sắt. 

“Chỉ tàu sắt không chưa đủ, ngư dân đánh bắt theo phương thức truyền thống, chưa tiếp cận với kinh nghiệm, công nghệ đánh bắt bằng tàu sắt, ngư lưới cụ trên tàu còn hạn chế. Nếu không giải quyết tốt vấn đề mang tính đồng bộ này sẽ khó phát huy hiệu quả”, bà Hà kiến nghị.

Ông Lê Văn Trúc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói: nên thí điểm triển khai nghị định này trong vòng 3 năm để đánh giá. Trước hết, cần có các mẫu tàu sắt phù hợp với từng vùng biển, địa phương, kỹ thuật đánh bắt theo ngành nghề của ngư dân. 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, tàu sắt phát triển cần thiết phải hình thành các cơ sở đóng sửa tàu, bảo trì, bảo dưỡng hỗ trợ ngư dân sau thời gian đánh bắt trên biển.

Ngư dân Bùi Thanh Ninh (Tam Quan, Bình Định), chỉ huy 4 tổ đội tàu cá vỏ gỗ khá rụt rè trước dự án tàu sắt. Bởi “ngư dân rất thiếu kinh nghiệm về đánh bắt tàu sắt, kỹ năng hàng hải”. 

Theo ngư dân Trương Tày (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) chủ 3 tàu cá trên 650CV/ chiếc, Quảng Ngãi có 4 luồng lạch tàu thuyền ra vào thì có 3 luồng lạch tàu thuyền trên 90CV không ra vào được do thường xuyên bồi lấp. Riêng cửa Sa Kỳ vào được nhưng lại không có nơi neo đậu. “Đóng tàu sắt, công suất lớn, ngư dân lo không biết đi về đâu, bảo dưỡng ra sao”, ông Tày trăn trở.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, nghị định phát triển thủy sản nhằm 2 mục đích chính vừa nâng cao năng lực khai thác, phát triển sản xuất, vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo. Do đó, tập trung lĩnh vực khai thác xa bờ, ưu tiên phát triển tàu công suất lớn, tàu hậu cần và tàu sắt cho ngư dân. 

“Ưu tiên không phải chỉ đóng tàu mà cả trong hoạt động, cung ứng nguyên vật liệu ra khơi và thu mua sản phẩm ngư dân giữa biển. Chính sách tập trung hỗ trợ vốn, chi phí, giúp ngư dân ra khơi, bám biển dài hạn”, Phó thủ tướng nói.

Hiện đại hóa tàu cảnh sát biển, kiểm ngư

Sáng 13/6, thăm và làm việc Tổng Cty Sông Thu, Chi đội Kiểm ngư số 3, Cảnh sát biển và 15 chủ tàu cá Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Trước thách thức công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt hoạt động xâm lấn, vi phạm chủ quyền ngày một phức tạp, nghiêm trọng của Trung Quốc, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam từng bước hiện đại hóa đội tàu Cảnh sát biển, kiểm ngư, lực lượng thực thi pháp luật trên biển. 

MỚI - NÓNG