Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi

Bà Nguyên Thị Tân và ông Trần Phước Hiệp kể về đội du kích cảm tử Nguyễn Văn Trỗi.
Bà Nguyên Thị Tân và ông Trần Phước Hiệp kể về đội du kích cảm tử Nguyễn Văn Trỗi.
TP - Học tập, nêu gương sự chiến đấu, hi sinh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, đội du kích mang tên anh ra đời ngay trên quê hương Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam). Đội du kích ấy tập hợp những cậu bé chăn trâu, cắt cỏ nhưng anh dũng, mưu trí tạo nên những chiến công lẫy lừng, khiến quân thù khiếp sợ.

Tình cờ hôm về xóm Chín Chủ (thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa, Điện Bàn) nơi có 9 hộ dân, nhưng có đến 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 17 liệt sĩ và 7 thương binh, chúng tôi nghe bà Nguyễn Thị Tân - nguyên Bí thư Xã đoàn Điện Thắng (cũ) kể về đội du kích cảm tử anh hùng mang tên Nguyễn Văn Trỗi. Câu chuyện du kích khiến người nghe cảm động và nể phục về sự hi sinh, mưu trí của thiếu niên một thời.

Trong ký ức của bà Tân, năm 1969 quê hương bà chiến tranh ác liệt, dân nghèo khổ lầm than, bà Tân lúc đó là bí thư xã đoàn được giao nhiệm vụ tổ chức liên lạc, tập hợp thanh thiếu niên hăng hái tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Lúc đó, tại xóm 20, thôn Phong Lục (xã Điện Thắng cũ), xã đoàn Điện Thắng tổ chức lễ phát động phong trào “Sống noi gương tinh thần Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi”. 

Lễ phát động đã thu hút khoảng 50 đoàn viên thanh niên và 20 thiếu niên ưu tú tham gia. Để thỏa nguyện vọng của đoàn viên, thanh thiếu niên lúc bấy giờ, xã đoàn tổ chức bốc thăm để chọn người chuẩn bị cho việc thành lập Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi. Những ai bốc trúng thăm đỏ sẽ được chọn. Lá thăm màu đỏ biểu tượng của màu máu, là giác ngộ ý thức: để đánh đuổi được kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương thì sẵn sàng hy sinh. Những người được chọn rất đỗi tự hào, vinh dự.

“Nhưng đó mới chỉ là vòng sơ tuyển. Để chính thức được chọn vào Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi, các thanh niên còn phải trải qua thử thách bằng hình thức chịu đựng những ngón đòn “tra tấn” do ta tự thực hiện”, bà Tân kể.

Mục đích của những đòn “tra tấn” nhằm huấn luyện các thành viên kiên cường chiến đấu dù bị địch bắt, tra tấn cũng không khai một lời. Ai vượt qua được thử thách này mới được chọn chính thức. Đầu năm 1970, tại nhà ông Đỗ Buôn - một cơ sở cách mạng (thôn Đông) Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi được thành lập gồm có 16 người, có tuổi đời 14 - 16, do anh Lê Tự Nhất Thống làm đội trưởng. Anh Lê Tự Thống Nhất hi sinh dũng cảm năm 17 tuổi và được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Ông Trần Phước Hiệp (61 tuổi, làng Thanh Tú, Điện Thắng Nam, Điện Bàn) còn có tên Trần Chờ là một trong 3 thành viên của đội du kích quyết tử còn sống. Năm 1969, cậu bé Trần Chờ vượt qua thử thách và tham gia đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi lúc tròn 15 tuổi, được cơ sở đặt bí danh là Trần Phước Hiệp cùng với đồng đội lập nhiều chiến công. Sau này, hồ sơ giấy tờ ông lấy tên là Hiệp.

Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi ảnh 1

Ông Hiệp và vết thương trên ngực do đạn địch bắn qua.

Ông Hiệp bị thương cụt chân trái cùng vết đạn hõm sâu trên ngực. Ông kể, giữa năm 1970, trong một lần khi vừa gỡ xong trái mìn của địch gài, vác lên vai thì mấy tên lính ập tới. Một tên nổ súng bắn trượt qua ngực. Ông bị thương, địch chở ra Hòa Cầm chữa trị. Thấy ông còn nhỏ nên các bác sĩ cho chuyển xuống Đà Nẵng, nhưng khi băng bó xong, để ý thấy không có ai theo dõi, giám sát, ông tìm cánh lẻn về, tiếp tục hoạt động. 


Vào cuối năm 1970, khi đang gỡ mìn của địch, không may mìn phát nổ khiến ông bị cụt chân trái. Ông được đưa về tuyến trên để chạy chữa. Vết thương lành, làm quen với việc đi đứng bằng chiếc chân giả là ông trở lại bám trụ hoạt động cho đến ngày đất nước thống nhất. Sau ngày giải phóng, Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi đã tự giải tán. Toàn đội chỉ còn 3 người còn sống.

40 năm trôi qua, ngồi bên người chị cả, người lãnh đạo của mình năm xưa, những ký ức một thời thiếu niên tham gia hoạt động cách mạng lại ùa về trong ông. Ông Hiệp bảo, tên của từng người trong Đội du kích quyết tử năm xưa ông nhớ rõ và những lần đánh, hạ địch trong chớp nhoáng ông vẫn nhớ như in. 

Ông kể, có lần đang chăn trâu ngoài đồng thì Đội trưởng Lê Tự Nhất Thống đến bàn việc bắn tên lính ở đồn Trảng Nhật nhằm gây nhiễu loạn tình hình địch. Đây cũng là tên lính hay vác súng thị uy, nhũng nhiễu nhân dân. Bàn xong kế hoạch, hai cậu bé cưỡi trâu lại gần đồn, lấy khẩu súng AR15 giấu sẵn, đội trưởng Lê Tự Nhất Thống kê súng trên vai để Hiệp nhắm bắn. Tên lính gục tại chỗ. Nghe súng nổ con trâu giật mình nhảy về phía vườn rậm, kéo theo cây súng AR15 cột ở đuôi. Trâu đến chỗ khuất, Đội trưởng Lê Tự Nhất Thống nhảy xuống ôm súng thoát đi.

Hay như câu chuyện về đồng đội Lê Quyến thông minh sáng tạo đổi mới cách đánh. Chính Lê Quyến bàn với Hiệp gỡ 3 trái mìn 3 càng của địch để cài mìn đánh địch thay cho cách cài mìn trước đây. Nhờ sáng kiến này, 2 người đã đánh được một nhóm địch đi tuần làm 31 tên thương vong, khiến địch khiếp đảm, không dám ở lại vùng mà phải rút về các đồn sát Đà Nẵng.

Cả ông Hiệp và bà Tân còn nhớ như in câu chuyện về anh Lê Quyến dũng cảm diệt tên ác ôn. Thời đó, ở trong vùng có tên Lượng an ninh là ác ôn khét tiếng, gây bao oán thán cho người dân. Nắm bắt được tình hình, Quyến nói với Hiệp và anh em trong đội: “tao sẽ bắn thằng ni”. Nói là làm. Giữa trưa, khi tên Lượng đến nhà người thân chơi, Quyến chặn đường, rút khẩu súng K54 bắn gục tên này. Nhưng sau đó tên Lượng được cứu chữa, không chết. Bị lộ hình tích nên Quyến được tổ chức đưa rời khỏi địa bàn.

Đội du kích năm xưa, người còn người mất, sâu trong tâm thức của bà Tân, ông Hiệp vẫn còn nhiều day dứt với đồng đội khi mà đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi năm nào vẫn chưa được nhiều người biết đến. Họ mong sao, sẽ có vinh danh xứng đáng với những cống hiến, hi sinh dũng cảm của thiếu niên một thời oanh liệt.


MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".