UNESCO tôn vinh hai danh nhân Việt Nam:

Đỉnh cô phong Hồ Xuân Hương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cuộc đời riêng của Hồ Xuân Hương cũng ly kỳ và bị phủ mờ bằng nhiều giai thoại truyền tụng không kém thơ của bà.
Đỉnh cô phong Hồ Xuân Hương ảnh 1

Hồ Xuân Hương - Tranh Lê Lam

Trong dân gian, do ảnh hưởng của những bài thơ Nôm truyền tụng nổi tiếng như “Khóc ông phủ Vĩnh Tường”, “Khóc tổng Cóc”, “Lấy chồng chung”, vẫn tồn tại quan niệm rằng nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong đời mình đã hai lần mang thân đi làm lẽ, cho anh chàng tổng Cóc và ông phủ Vĩnh Tường nào đó. Nhưng may thay, những kết quả nghiên cứu khoa học trong vòng mấy chục năm cuối đây đã bóc đi nhiều lớp vỏ bọc dân gian bao quanh nữ sĩ này. Giờ đây, người ta đã có thể khẳng định không những Hồ Xuân Hương chưa từng làm lẽ ông phủ Vĩnh Tường nào đó mà còn có đủ cơ sở để đặt vấn đề nghi vấn bài thơ đó có phải là của bà hay không.

Nghe các bài trả lời phỏng vấn Chương trình Việt ngữ đài RFI của GS Hoàng Xuân Hãn và học trò của ông là giáo sư Tạ Trọng Hiệp chung quanh Hồ Xuân Hương và tập thơ “Lưu hương ký” của bà vào tháng 5 năm 1993, đọc các bài thơ tình, thơ xướng họa của Hồ Xuân Hương trong tập thơ “Lưu hương ký” có kèm lời bình của giáo sư Hoàng in trong cuốn sách “Thơ Hồ Xuân Hương - Từ cội nguồn vào thế tục” của Đào Thái Tôn, chúng tôi thấy các học giả đã phân định được khá chính xác một số mối tình trong đời của người tài nữ rất được dân gian mến mộ, nhưng đồng thời cũng mang tiếng là người con gái bạo dạn, chớt nhả, phóng túng quá mức so với thời đại của mình.

Hồ Xuân Hương là con ông Hồ Sĩ Danh (1706-1783), em cùng cha khác mẹ với Quận công Hồ Sĩ Đống (1738-1786) - một vị quan đầu triều thời chúa Trịnh Sâm, Trịnh Khải. Quê gốc của bà ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mẹ bà là một phụ nữ xứ Bắc. Khi cha và anh mất, Hồ Xuân Hương còn nhỏ. Không còn nơi nương tựa (mẹ bà chỉ là thiếp của Hồ Sĩ Danh), Hồ Xuân Hương được mẹ đưa ra đất Thăng Long. Hồ Xuân Hương có một ngôi nhà nhỏ ven Hồ Tây, đặt tên là Cổ Nguyệt Đường (theo sách “Thơ Hồ Xuân Hương - Từ cội nguồn vào thế tục” của Đào Thái Tôn). Đây chính là nơi Hồ Xuân Hương thù tiếp các bậc tao nhân mặc khách, cùng họ xướng họa, bình thơ, và là nơi nảy sinh các mối tình còn lưu lại dấu tích rõ ràng trong các bài thơ chữ Hán và chữ Nôm trong tập thơ “Lưu hương ký”.

Đỉnh cô phong Hồ Xuân Hương ảnh 2

Thơ Hồ Xuân Hương bản tiếng Trung, Pháp, Nga

Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, mối tình đầu tiên cho tới nay được xác định của Hồ Xuân Hương là với chính đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Trong tập thơ “Lưu hương ký” có bài thơ chữ Nôm “Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu” (Nhớ người cũ, viết gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu) với lời đề “Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân”. Theo lời bình của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bài thơ này được làm vào năm 1813, bởi năm đó, Nguyễn Du được nhà Nguyễn thăng Cần chánh điện học sĩ, rồi được chọn làm chánh sứ đi tuế cống triều Thanh. Có lẽ tin này đồn ra tới đất Thăng Long nhắc cho Xuân Hương nhớ chàng xưa dan díu với mình “ba năm vẹn” (lời trong bài thơ) mà làm bài thơ đó để ước thầm khi qua Thăng Long, người cũ sẽ ghé thăm mình cho đỡ “tủi phận long đong” (lời trong thơ), bởi khi đó nàng vẫn “Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong” (câu kết của bài thơ).

Trong bài trả lời phỏng vấn đài RFI đã nói ở trên, giáo sư Hoàng cho rằng khi đến Thăng Long, Nguyễn Du đã không ghé thăm Xuân Hương vì “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống, người ta trông vào”, nhưng chắc chắn Nguyễn Du không quên được Hồ Xuân Hương, bởi trong các tác phẩm ông viết hồi còn ở Quảng Bình hoặc ở Huế thấy có 5 bài thơ, trong đó ông nhớ đến một người bạn gái xưa ở cạnh Hồ Tây, từng hò hẹn nhau đi hái sen trên hồ. Giáo sư Hoàng còn cho rằng chắc Nguyễn Du đã chạnh nhớ đến Xuân Hương khi viết những câu Kiều “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, hình dung tình cảm của mình đối với nàng như cái ngó sen gãy lìa rồi mà tơ vương vẫn còn quấn quít.

Thời gian cuộc tình của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương được ước đoán xảy ra vào thời Tây Sơn, kéo dài ba năm, kết thúc vào lúc Nguyễn Hữu Chỉnh lên nắm quyền ở Bắc Hà. Bấy giờ, họ Nguyễn Tiên Điền đã mất thế ở ngoài Bắc, Nguyễn Du cũng đã lấy vợ, làm rể một ông tiến sĩ, lui về quê vợ ở Sơn Nam Hạ (vùng Nam Định, Thái Bình ngày nay). Từ đó cho đến hết đời Tây Sơn (1801), thời gian dài hơn 10 năm, Hồ Xuân Hương có lấy ai hay ở một mình thì không rõ.

Mối tình thứ hai của Hồ Xuân Hương còn lưu dấu tích trong “Lưu hương ký” là với Mai Sơn Phủ. Trong tập thơ đó, có tới 6 bài thơ chữ Hán và chữ Nôm liên quan trực tiếp hoặc có thể liên quan đến nhân vật này. Theo giáo sư Hoàng thì Mai Sơn Phủ chỉ là biệt danh, tên thật người đó là gì chưa rõ, nhưng đó là một chàng trai xứ Nghệ. Ông còn ước đoán mối tình này xảy đến lúc Hồ Xuân Hương hãy còn trẻ, cho nên trong một số bài thơ, “tình hồn nhiên, ý nồng nàn, lời văn hoa”. Đây là một mối tình rất nồng thắm, sâu sắc vì “có những bài thơ thấy có thể trở thành vợ chồng được”. Chẳng hạn, trong bài họa lại thơ Mai Sơn Phủ, Xuân Hương đã lộ ý rằng tiễn chàng ra đi, “vắng thư chàng, ban ngày đi trên lối cùng nhau qua ngày trước thì khóc, nước mắt ướt cả hoa”. Ban đêm, một mình trằn trọc, nhớ lại mùi thơm này nọ. Có xa nhau mới biết yêu nhau nhiều (lời bình giải ý thơ của giáo sư Hoàng Xuân Hãn). Hai người đã nặng lời ước nguyện, nhưng rồi Mai Sơn Phủ ra đi không trở lại.

Khi triều Tây Sơn tan vỡ vào năm 1801, nhiều văn nhân được nhà Nguyễn bổ nhiệm vào các chức vụ ở Bắc thành. Hồ Xuân Hương có thêm nhiều bạn văn thơ mới. Cho đến năm 1801 thì một mối tình mới lại nảy nở giữa nàng với một văn nhân là Tốn Phong Thị. Đây chính là người mà nhiều năm sau đó gặp lại (1814), Hồ Xuân Hương đã đưa tập “Lưu hương ký” nhờ đề tựa. Cũng như trường hợp Mai Sơn Phủ, Tốn Phong chỉ là biệt hiệu, chưa rõ là ai, chỉ biết ông họ Phan, người Nghệ An, ra Bắc dạy học ở phường Bích Câu bây giờ. Trả lời RFI, giáo sư Hoàng cho rằng ông này được một ông bạn là Cư Đình mách cho biết ở Hồ Tây có một người con gái là người Nghệ hay chữ. Khi gặp, ông ngạc nhiên được biết nàng là em ông Hồ Phi Đống. Do đồng hương nên họ gặp gỡ nhau cũng dễ, làm thơ xướng họa với nhau rất thích thú. Ông này cũng muốn cưới Hồ Xuân Hương, nhưng vì là người chưa có công danh gì nên trở về Nghệ An để đi thi. Khoa đầu tiên của đời Gia Long là vào năm 1807, chính là năm đứt đoạn của mối tình ấy.

Mãi năm 1814, Hồ Xuân Hương và Tốn Phong Thị mới gặp lại. Qua bài tựa của Tốn Phong Thị, chúng ta biết được rằng trong thời gian bảy năm đó, Xuân Hương ở một mình với mẹ già rất khổ sở, thiếu thốn. Cuộc tình này diễn ra khi Xuân Hương đã quá tam tuần, đã qua nhiều chua xót trắc trở trong đường đời, đường tình rồi nên không còn vẻ hồn nhiên nồng nàn như với Mai Sơn Phủ nữa. Các bài thơ liên quan trong “Lưu hương ký” chứng tỏ điều đó.

Đỉnh cô phong Hồ Xuân Hương ảnh 3

Hồ Xuân Hương - Tranh Đặng Quý Khoa

Mối tình cuối cùng xác định được, và cũng là mối tình duy nhất dẫn đến hôn nhân được biết đến của Hồ Xuân Hương là với viên hiệp trấn Yên Quảng (Quảng Ninh) Trần Phúc Hiển. Trong lời bình bài thơ “Bạch Đằng Giang tặng biệt”, giáo sư Hoàng viết: “Chàng là một hay hàn uyển người Đàng Trong, ra Bắc giữ chân tri phủ Tam Đái ít nhất cũng ba năm rồi. Trong khoảng thời gian ấy chàng đã làm quen với Xuân Hương và hứa hẹn với nàng sự hôn phối. Xem sự đối xử giữa hai người sau này thì có lẽ vợ của chàng, theo phép trị gia xưa, không theo chồng tại chức. Đó cũng là một lẽ khiến Xuân Hương muốn nhận lời, thêm vào sự ấy lúc bấy giờ nàng có thể trở nên bà tham hiệp”. Hồ Xuân Hương trở thành vợ Trần Phúc Hiển vào khoảng năm 1814, lúc đó bà đã có tuổi. “Giai đoạn chừng ba bốn năm đến trước năm 1818 thật là khoảng đời thỏa mãn nhất của nàng. Liền sau đó, chồng bị giam (1818) và bị xử tử (1819)…”. Sở dĩ Trần Phúc Hiển bị Gia Long phê án tử hình là do can tội nhận hối lộ.

Nhờ mối nhân duyên này mà Hồ Xuân Hương để lại cho văn học nước nhà 5 bài thơ chữ Hán về Vịnh Hạ Long và 16 bài thơ về Đồ Sơn.

Sau năm 1819, cuộc đời tiếp theo của Hồ Xuân Hương cho đến khi bà mất năm 1822 thế nào là một câu hỏi còn để mở.

Như thế, chúng ta thấy bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương không được may mắn trong con đường tình ái. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi bà mất, Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm khi hộ gia Thiệu Trị ra Bắc tiếp xứ nhà Thanh (1842), tới Hồ Tây vãn cảnh có viết bài thơ chữ Hán dịch nghĩa rằng: “Đầy hồ hoa sen nở rực rỡ/ Hoa nô hái về để cúng thần/ Chớ có giẫm lên mồ Hồ Xuân Hương nhé/ Vì ở dưới suối vàng nàng còn đang ôm mối hận rút nhầm tơ (duyên).

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.