Điểm thi 'dậy sóng' ở Hà Giang: TS Hoàng Ngọc Vinh nói gì?

TS Hoàng Ngọc Vinh
TS Hoàng Ngọc Vinh
TPO - “Tiêu cực trong thi cử luôn rình rập không loại trừ một ai và không loại trừ ở bất kỳ địa phương nào. Vấn đề cần hoàn thiện quy trình tổ chức ra đề, tổ chức thi, chấm và vào điểm. Chỗ nào có sự can thiệp của con người chỗ đó cần giám sát chặt bằng công nghệ”- TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nêu quan điểm.

Những ngày qua, dư luận "dậy sóng" sau khi tỉnh Hà Giang công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018 với hàng loạt bất thường. Hiện nay, chấm điểm thi THPT Quốc gia được Bộ GD&ĐT giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì. 

Theo đó, 63 tỉnh, thành sẽ chấm thi riêng rẽ dưới sự giám sát của thanh tra và PA 83. Chính việc chấm thi như vậy chính là "lỗ hổng" dễ phát sinh tiêu cực.

Vì thế, có ý kiến cho rằng, việc chấm thi cần quy về 1 mối là Bộ GD&ĐT hoặc các trường đại học.

Trái với khẳng định của Bộ GD&ĐT, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, chấm thi trắc nghiệm dễ gian trá hơn thi tự luận, dù kiểm tra lại cũng khó phát hiện ra gian lận.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu đưa việc chấm thi về Bộ thì lấy người ở đâu mà làm cho xuể. Việc phân cấp cho địa phương là hợp lý trong bối cảnh thúc đẩy cải cách hành chính.

TS Vinh cũng nhấn mạnh, ở đây chỉ là một vài cá nhân vi phạm luật pháp mà thay đổi một cơ chế cần rất thận trọng. Tiêu cực trong thi cử luôn rình rập không loại trừ một ai và không loại trừ ở bất kỳ đia phương nào...Vấn đề cần hoàn thiện quy trình tổ chức ra đề, tổ chức thi, chấm và vào điểm...

“Chỗ nào có sự can thiệp của con người chỗ đó cần giám sát chặt bằng công nghệ. Nhất là thi trắc nghiệm rất khó phát hiện nếu những người giám sát thông đồng với nhau sửa câu trả lời bằng cái tẩy và bút chì...”- TS Vinh nói.

Cũng theo TS Vinh, khâu phân tích thống kê kết quả thi cho nhiều thông tin bổ ích ở một nhóm thí sinh, một phòng thi hay một địa điểm nào đó. Nếu thấy bất thường phải tìm nguyên nhân xử lý.

Tìm ra sự gian trá trong chấm thi trắc nghiệm là cực khó

Vậy có lỗ hổng của việc chấm thi Trắc nghiệm hay không?  Việc chấm thi Trắc nghiệm do máy chấm nên sự gian trá là không có, có đúng không?, Thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn Toán Học Viện Nông nghiệp Việt Nam : “nếu nhân viên máy tính thông đồng với cảnh sát lẫn thư ký hội đồng chấm thi cùng nhau sửa bài rồi mới đưa vào máy quét, điều này liệu có xảy ra hay không?’- Ông Vĩnh đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, việc tìm ra sự gian trá trong chấm thi Trắc nghiệm là cực kỳ khó bởi việc tìm chứng cứ man trá trong chấm thi Trắc nghiệm ở nước ta là rất khó.

Ông Lê Đức Vĩnh cũng cho rằng, việc tổ chức thi Trắc nghiệm trong một xã hội không nghiêm túc là tiếp tay cho sự dối trá. Trong thi tự luận, người chấm dù “gan to” đến đâu cũng không dám chữa vào bài của học sinh bởi bài thi còn lưu lại vài năm. 

“Thi Trắc nghiệm nếu ba người gồm: nhân viên máy tính, nhân viên cảnh sát và thành viên hội đồng chấm thi bắt tay với nhau sửa bài thì có trời mới phát hiện ra.”- ông Vĩnh nhận định.

Vậy để tránh gian lận trong thi cử như năm nay, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, có thể phải làm phách và tách khâu quét bài và giữ đầu phách riêng ra...

“Như vậy sẽ mất công của chuẩn bị phiếu thi trắc nghiệm và bóc, tách đầu phách...Sao cho số báo danh của thí sinh không hiện lên phần phiếu trả lời”- TS Vinh nhấn mạnh.

Ở đây cũng thấy việc đưa ra hai mục đích thi THPT và làm cơ sở xét tuyển ĐH càng làm gia tăng động cơ gian lận trong quá trình, vì thi tốt nghiệp THPT không thật căng thẳng với đa số thí sinh...Nên cần nghiên cứu có nên tiếp tục thi như thế này nữa hay không?”- TS Vinh đặt vấn đề.

Điểm thi 'dậy sóng' ở Hà Giang: TS Hoàng Ngọc Vinh nói gì? ảnh 1 Ảnh: Vietnamnet
Những con số gây “sốc” Những con số thống kê cũng cho thấy, số thí sinh của Hà Giang nằm trong nhóm đạt được các mức điểm cao không “nhỏ bé”, so với của cả nước.   Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 76 thí sinh thi khối A1 (Toán - Văn - Tiếng Anh) đạt 27 điểm trở lên thì Hà Giang có tới 36 em (chiếm 43,37%). Đáng nói là số thí sinh cả nước gấp 170 Hà Giang.

Điều bất thường tiếp diễn ở môn Vật Lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9, 10 và có 28 bài đạt 8, 9 điểm. Tức số thí sinh đạt điểm 9, 10 gấp đôi số thí sinh đạt điểm 8, 9.

Theo các chuyên gia, đây là điều bất thường vì quy luật chung, những thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 phải có tỉ lệ nhiều hơn từ 9 trở lên.

Không chỉ ở Hà Giang, ở địa phương khác là Sơn La, cũng xuất hiện những bất thường trong điểm số của thí sinh khiến dư luận thực sự thấy bất thường.

Hai thí sinh của Trường THPT Chuyên Sơn La có điểm thi thử chênh lệch rất lớn với thi thật. Một em thi thử môn Tiếng Anh chỉ đạt 1,2 điểm, nhưng thi thật đạt 9,8 điểm. Một em khác, ở kỳ thi thử chỉ đạt điểm trung bình, nhưng thi thật lại đạt 2 điểm 10.

MỚI - NÓNG