Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại: Người chăn nuôi kiệt quệ

0:00 / 0:00
0:00
Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại tại 53 tỉnh, thành phố và có nguy cơ lan rộng. Ảnh: Minh Thành
Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại tại 53 tỉnh, thành phố và có nguy cơ lan rộng. Ảnh: Minh Thành
TP - Chưa kịp “hoàn hồn” vì giá lợn hơi giảm sâu kỷ lục, người chăn nuôi tiếp tục đối mặt tình trạng dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại. Trong bối cảnh “dịch chồng dịch”, nguy cơ xóa sổ thành quả của hàng loạt trang trại, nông hộ nuôi lợn là điều có thể xảy ra.

53 tỉnh, thành có dịch

Bà Trần Thị Lý (Thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) cho biết, dù có kinh nghiệm nuôi lợn nái nhiều năm với quy trình chăm sóc cẩn thận, nhưng vừa qua, gia đình bà vẫn không tránh được thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại.

Khi trong thị trấn có dịch, gia đình bà Lý đã chủ động mua vôi bột khử trùng chuồng trại. Song cuối tháng 9, khoảng 10 con lợn của gia đình bà Lý bỏ ăn sau gần 1 tuần rồi chết. Chính quyền thị trấn và cán bộ thú y đến kiểm tra, khử khuẩn rồi thông báo cho bà Lý phải tiêu hủy cả đàn. “Gần 50 con lợn giống, 100 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng bị đưa đi tiêu hủy. Thời gian qua, chi phí nuôi lợn tăng cao, cả gia đình tôi cũng chạy vạy, cố duy trì đàn lợn. Chưa kịp bù lỗ vì giá lợn xuống thấp, nay cả đàn dính dịch phải tiêu hủy, gia đình tôi thiệt hại hơn 400 triệu đồng”, bà Lý nói.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang hiện có khoảng nửa triệu con lợn. Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 50 xã với 4.000 con lợn bị tiêu hủy. Theo ông Khoa, dịch tả lợn châu Phi tái phát đều từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu đầu tư. “Trong bối cảnh COVID-19, tiêu thụ lợn gặp rất nhiều khó khăn, do giá thấp. Việc dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại khiến người dân càng chật vật hơn”, ông Khoa cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến tháng 10/2021, cả nước xảy ra 1.834 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 1.672 xã, 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 112.092 con, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020 với trọng lượng tiêu hủy ước tính trên 5.500 tấn.

Một số tỉnh có số lượng lợn nhiễm bệnh lớn như Nghệ An 20.196 con, Hà Tĩnh 15.048, Lạng Sơn 10.205 con, Cao Bằng 8.102 con, Tuyên Quang 3.932 con, Hà Giang 6.952 con, Quảng Nam 4.784 con... Hiện tại, cả nước có 497 ổ dịch tại 149 huyện của 37 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, với tổng số lợn tiêu hủy là 40.719 con.

Theo ông Đông, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại trong thời gian gần đây là tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Việt Nam vẫn còn cao. Tại một số địa phương, người dân còn nuôi lợn theo phương thức thả rông làm dịch bệnh lây lan nhanh khó phòng chống dịch.

Đáng chú ý, khi có lợn ốm chết, người dân không báo ngay cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y để tiêu hủy mà mổ thịt chia nhau ăn. Chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường, dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

“Việc đăng ký kê khai tái đàn từ cấp xã còn chậm, gây khó khăn trong quản lý. Ở một số địa phương, chính quyền còn chưa thực sự quan tâm xử lý những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch nên nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát trong thời gian tới rất cao”, ông Đông đánh giá.

“Rất nhiều nông hộ và trang trại đã bỏ nghề chăn nuôi, chủ yếu do cạn vốn. Nếu lần này dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng, người chăn nuôi sẽ kiệt quệ và số nông hộ và trang trại nuôi rời bỏ thị trường sẽ còn nhiều hơn trước”.

Ông Đoàn Xuân Trúc,

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam

Nguy cơ xóa sổ hàng loạt thành quả

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ngành chăn nuôi lợn đang ở trong cảnh khó khăn kép chưa từng có. Người nông dân chưa kịp “hoàn hồn” khi giá lợn rớt xuống mức kỷ lục khiến hầu hết người nuôi lỗ nặng, nay lại tiếp tục đối mặt nguy cơ dịch tả lợn châu Phi trở lại.

Theo ông Trúc, đến nay hệ lụy của đợt dịch tả lợn châu Phi vào năm 2019 vẫn còn ảnh hưởng đối với người chăn nuôi. Số hộ nuôi lợn giảm từ 3 triệu hộ xuống còn 2 triệu hộ. Số hợp tác xã nuôi lợn cũng giảm khoảng 14%, còn số trang trại nuôi lợn giảm hơn 30%.

“Rất nhiều nông hộ và trang trại bỏ nghề chăn nuôi từ đợt đó, chủ yếu do cạn vốn. Nếu lần này dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng, người chăn nuôi sẽ kiệt quệ và số nông hộ và trang trại nuôi rời bỏ thị trường sẽ còn nhiều hơn trước”, ông Trúc nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, cả nước có khoảng 28 triệu con lợn. Từ nay đến cuối năm, việc buôn bán, vận chuyển lợn gia tăng mạnh, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán nên dịch bệnh càng dễ lây lan, nhất là trong bối cảnh người dân đang thiệt hại nặng do tác động của dịch COVID-19.

Theo ông Trọng, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương tăng cường, giám sát chặt dịch bệnh trên vật nuôi những tháng cuối năm và đầu năm 2022. Bộ cũng yêu cầu các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng, đồng thời khắc phục tình trạng giấu dịch, báo cáo số liệu dịch không đúng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.