> Mô hình tiết kiệm nhà ở rất hay nhưng sợ khó khả thi
> Việt Nam sẽ có Ngân hàng tiết kiệm nhà ở
Giúp dân học tính tiết kiệm!
Trong hội thảo “Mô hình tiết kiệm nhà ở của CHLB Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam” tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ đang xây dựng hành lang pháp lý cho sự ra đời của các định chế tài chính mới về nhà ở, như NH Tiết kiệm nhà ở, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ tín thác bất động sản (BĐS)… Với kế hoạch dự kiến ra đời vào năm 2017.
Theo ông Nam, những định chế tài chính mới sẽ hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cho phát triển nhà ở, tạo được ý thức tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân cho việc xây dựng nhà; tránh sự ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước. Bản thân mỗi hộ gia đình muốn có nhà phải bắt đầu tích góp từ bây giờ.
Theo đó, NH Tiết kiệm nhà ở sẽ hoạt động theo nguyên tắc, người dân tự nguyện gửi tiết kiệm hàng tháng với lãi suất cố định, khi tiết kiệm được một số tiền đủ lớn sẽ được vay số tiền tương đương để mua nhà ở, lãi suất vay bằng lãi suất gửi và ổn định trong suốt thời gian vay.
Không nên lập thêm NH mới, chỉ nên lập Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam hiện nay Ông Đặng Hùng Võ |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, mô hình trên rất hay, tốt nếu áp dụng được. Tuy nhiên, điều kiện nước ta hiện rất khó triển khai.
Do nền kinh tế kém ổn định, kéo theo lãi suất thường cao và biến động lớn, để duy trì một lãi suất ổn định ở mức thấp trong hàng chục năm là khó khả thi. Thêm nữa, lạm phát của Việt Nam thường cao, đồng tiền mất giá trong dài hạn là rủi ro lớn với người gửi.
“Nếu giờ một căn hộ khoảng 600 triệu đồng, để tiết kiệm được 300-400 triệu đồng (đủ điều kiện được vay) phải mất 10-15 năm, thậm chí lâu hơn. Liệu lúc đó, với số tiền 600-800 triệu đồng có còn mua được nhà?”, ông Liêm đặt vấn đề. “Mô hình này cũng chỉ phù hợp với người thu nhập trung bình cao, người thu nhập thấp không thể mỗi tháng gửi tiết kiệm vài triệu đồng”.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Trần Kim Chung (CIEM) nêu ba vấn đề cần giải quyết: Có một hành lang pháp lý đủ mạnh, nền kinh tế đủ ổn định, thu nhập của người dân được đảm bảo. Trong đó, sự ổn định kinh tế và thu nhập người dân là trở ngại lớn nhất. Như trong giai đoạn từ năm 2002 - 2008 giá nhà đất đã tăng ít nhất 2 lần trở lên, việc gửi tiết kiệm không thể theo kịp.
Sao phải lập thêm?
Lý giải cho kế hoạch thành lập NH Tiết kiệm nhà ở, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, thời gian qua nguồn vốn cho phát triển nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách và vốn tín dụng thương mại.
“Do ngân sách còn hạn hẹp nên phát triển nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào vốn tín dụng thương mại. Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, các tổ chức tín dụng thắt chặt hoặc dừng cho vay khiến doanh nghiệp làm nhà ở gặp khó khăn do thiếu vốn, thị trường BĐS đóng băng, gây tác động xấu đến nền kinh tế”, ông Nam nói.
Vì vậy, theo đại diện Bộ Xây dựng, cần hình thành các kênh huy động vốn chuyên biệt phục vụ phát triển nhà ở nói riêng và BĐS nói chung, nhằm hạn chế phụ thuộc vốn của các tổ chức tín dụng thương mại.
Theo NH Nhà nước Việt Nam, tính hết ngày 30/6/2013, cả nước có 6 NHTM nhà nước, 1 NH chính sách, 35 NHTMCP trong nước, 4 NH liên doanh, 5 NH 100% vốn nước ngoài, 100 chi nhánh và văn phòng đại diện NH nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra còn 18 Cty tài chính, 12 Cty cho thuê tài chính, 968 tổ chức tín dụng hợp tác. |
Ngay trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi - đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến) đã có điều khoản mở đường cho việc lập NH Tiết kiệm nhà ở, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ tín thác BĐS… cùng những nguồn vốn chính phát triển nhà ở. Dự luật dự kiến sẽ được Chính phủ Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2014.
Đánh giá về kế hoạch thành lập một NH mới của Bộ Xây dựng, một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, hiện Việt Nam đã quá nhiều NH, nhưng chỉ có khoảng 14 NH lớn, nên việc thành lập mới là không nên, khi chúng ta đang phải cơ cấu lại các NH nhỏ. Ngoài ra cũng đã có NH TMCP Xây dựng Việt Nam.
“Thay vì lập NH mới, Bộ Xây dựng nên xúc tiến thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở đã được quy định trong Nghị định 71/2010 của Chính phủ sẽ thiết thực hơn nhiều”, vị chuyên gia này nói.
Ngoài ra, quỹ sẽ cho phép tiếp nhận sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, tổ chức nước ngoài để hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, trong khi NH không có chức năng đó.
Cùng quan điểm, chuyên gia Đặng Hùng Võ nói thêm: “Nếu NH này hoạt động tại Việt Nam như mô hình các nước đang áp dụng sẽ không phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng, và các quy định hiện hành”.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, vấn đề này không phải mới, Bộ Xây dựng đã đưa ra từ cách đây 2-3 năm, nhưng chưa thực hiện được. “Sau đó Bộ tiếp tục cho ra đời NH Xây dựng, nhưng hoạt động không hiệu quả”, ông Đực nói.
Ngoài kế hoạch lập ngân hàng mới, Bộ Xây dựng cũng đang kỳ vọng vào việc xây dựng Quỹ phát triển nhà ở, với mỗi người lao động đóng góp 1% lương/tháng, doanh nghiệp sử dụng lao động đóng góp một phần tương đương (như hình thức bảo hiểm xã hội). Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, hình thức quỹ này “không ổn”.
“Người lao động ở các tỉnh lẻ không có nhu cầu về nhà ở sao phải đóng góp cho người ở các thành phố lớn mua nhà? Hơn nữa, họ đã rất khó khăn, lương không đủ sống sao lại bắt họ nộp quỹ”, ông Liêm nói.