Hà Nội phân loại biệt thự cổ để bảo tồn

Hà Nội phân loại biệt thự cổ để bảo tồn
TPO - Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội vừa rà soát, phân loại, lập danh mục biệt thự xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội với khoảng 1.540 biệt thự để có biện pháp bảo tồn giá trị kiến trúc Pháp để lại.

Hà Nội phân loại biệt thự cổ để bảo tồn

> Nỗi niềm phố cổ sang sông

Ông Dương Đức Tuấn – Phó Giám đốc Sở quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội trả lời báo Tiền Phong xoay quanh vấn đề này.

Biệt thự Pháp trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) bị cơi nới, xuống cấp phá vỡ kiến trúc Pháp cổ
Biệt thự Pháp trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) bị cơi nới, xuống cấp phá vỡ kiến trúc Pháp cổ.

235 biệt thự hư hại nghiêm trọng

Ông Tuấn cho biết, sở đã rà soát khoảng 400 ha thuộc khu phố cũ (phố Pháp) gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và một phần nhỏ quận Tây Hồ.

Các biệt thự này bao gồm: các biệt thự nằm trong danh mục 970 biệt thự thuộc Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bảo tồn. Các biệt thự này do các cơ quan trung ương, TP Hà Nội và cả tư nhân quản lý, sử dụng.

Sau khi đánh giá, sở phân biệt ra 4 loại.

Loại 1 là các biệt thự giá trị đặc biệt, quy mô lớn, có vị trí đẹp, sân vườn còn nguyên vẹn, giữ được tính nguyên bản và các đặc trưng về phong cách kiến trúc để ưu tiên bảo tồn.

Loại 2 là các biệt thự có giá trị, vị trí đẹp, ít nhiều đã bị biến dạng hoặc hư hại cần được khôi phục, bảo tồn.

Loại 3 là các biệt thự có giá trị trung bình, còn giữ được hình dạng ban đầu, nhưng đã bị sửa chữa, lấn chiếm hoặc cải tạo một phần, có thể xem xét một số biệt thự để chỉnh trang, bảo tồn.

Loại 4 là các biệt thự đã bị phá bỏ, xây mới, hư hại nghiêm trọng hoặc đã bị biến dạng hoàn toàn về kiến trúc. Như vậy trong số hơn 1.000 biệt thự thì loại 1 có: 228 biệt thự, loại 2: 431 biệt thự, loại 3: 646 biệt thự, loại 4: 235 biệt thự.

Trong số những biệt thự bị biến dạng, xuống cấp thì hướng xử lý ra sao, thưa ông?

Hiện, UBND Hà Nội đang giao Sở Xây dựng lập quy chế trình các cấp có thẩm quyền Quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự. Sau khi quy chế này được ban hành, sẽ có phương án xử lý với từng loại biệt thự, với các chủ sở hữu khác nhau. Biệt thự nào bán, không bán, loại nào phải bảo tồn tôn tạo phát triển.

Khôi phục biệt thự cổ giá trị

Vừa rồi có nhiều trụ sở cơ quan Nhà nước là biệt thự cổ nhận được công văn từ phía Pháp thông báo hết thời hạn bảo hành, điều này có liên quan gì đến thời hạn sử dụng cũng như chất lượng công trình?

Chúng tôi chưa nhận được văn bản và chưa biết độ chính xác của văn bản mà phía Pháp gửi cho Việt Nam. Trong hoạch địch phân loại đối tượng thì có ba loại như: biệt thự, công thự, dinh thự.

Theo tôi, đó chỉ là phía Pháp khuyến cáo về niên hạn sử dụng công trình. Nó thể hiện trách nhiệm của cơ quan tạo lập ra đô thị, trong đó có hạng mục công trình là biệt thự. Một mặt nó thể hiện nền văn hóa quản lý vì nó không thuộc về trách nhiệm chính trị, dù phía Pháp không còn quản lý nhưng vẫn có văn bản nhắc nhở.

Cái này không liên quan gì đến việc cảnh báo về chất lượng công trình. Mà muốn đánh giá, phải khảo sát từng công trình cụ thể.

Hà Nội sẽ ứng xử ra sao với hệ thống các biệt thự, dinh thự kiến trúc Pháp, khi nó hết hạn sử dụng, thưa ông?

Mặc dù các biệt thự, dinh thự cũ chưa là di sản văn hóa nhưng nó là một nét đặc trưng của kiến trúc Hà Nội cổ, nên cần phải bảo vệ tôn tạo và phát huy nó.

Tuy nhiên quá trình này phải gắn với quy hoạch xây dựng đô thị. Trong Thông tư 38 (2009) của Bộ Xây dựng cũng khẳng định, những biệt thự có giá trị thì kiến trúc, nếu không thể cải tạo được thì sau khi đập đi cũng phải xây dựng lại một biệt thự tương tự như cũ. Việc khôi phục biệt thự cổ phải căn cứ từng trường hợp cụ thể, vị trí cụ thể...

Cảm ơn ông!

Ngọc Mai

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.