Di sản Ví dặm, “công nhận xong đừng mặc kệ“

TP - Chia sẻ niềm vui, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, tại phiên họp ngày 27/11 tại Paris (Pháp). GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, có hiện tượng Việt Nam chỉ thích được vinh danh, còn sau đó... mặc kệ.

Di sản Ví dặm, “công nhận xong đừng mặc kệ“ ảnh 1 Dân ca ví dặm chính thức được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại 
5 tiêu chí

17h10 chiều 27/11 (giờ Paris), dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO.

Theo đánh giá của Ủy ban, hồ sơ đề cử của Việt Nam đáp ứng những tiêu chí sau để được đăng ký vào danh sách đại diện: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng dân Nghệ Tĩnh, chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống văn hóa và tinh thần, phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện suy nghĩ và cảm xúc theo cách của họ. Việc ghi danh Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh vào danh sách đại diện có thể góp phần thúc đẩy nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể thông qua sự quan tâm đối với dân ca, khuyến khích sự khoan dung và sự đồng cảm giữa các nhóm dân tộc và các cộng đồng cũng như đối thoại giữa các nghệ nhân của các phong cách âm nhạc khác nhau.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, chuyên gia tích cực nghiên cứu, đóng góp vào quá trình làm hồ sơ, đánh giá: “Mỗi hình thức dân gian đều có sự độc đáo riêng, nét đặc sắc của ví dặm là nó sinh ra trong môi trường lao động, thực hành trên sông nước, trong lao động. Nhưng nó tự giải phóng nó khỏi môi trường ấy, có thể được trình diễn ở nhiều không gian sinh hoạt văn hóa khác nhau”. GS. Ngô Đức Thịnh nói, ví dặm sở hữu đặc trưng về ngôn ngữ, môi trường diễn xướng rất độc đáo, hát lên biết ngay là ví dặm.

Bảo tồn không tốn?

Không giống như một số di sản cần bảo vệ khẩn cấp như ca trù, các nhà khoa học khá lạc quan về ví dặm. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho biết, người dân Nghệ Tĩnh vẫn hát ví dặm như nó có. “Họ bảo tồn rất ghê, ta dễ dàng gặp được nhiều nghệ nhân 50, 60 tuổi vẫn nắm giữ dân ca ví dặm”, ông nói.

Nói như vậy nhưng vẫn có những khó khăn nhất định đối với loại hình dân ca này: ví dặm ngày càng trở nên sân khấu hóa, mất đi không gian văn hóa, lan tỏa di sản ra các cộng đồng khác, bởi nghệ thuật này gắn bó chặt chẽ với phương ngữ vùng miền. “Quan trọng không phải là công nhận, mà là bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản. Việt Nam rất thích được công nhận, nhưng công nhận xong thì mặc kệ nó thôi. Đó là điểm yếu của chúng ta”, GS. Ngô Đức Thịnh nói. 

Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan đề xuất, không nên can thiệp quá sâu, hơn hết nên tạo điều kiện cho nghệ nhân được trình diễn. “Nhiều đại lễ tổ chức vô cùng tốn kém, nhưng nếu quần chúng chơi nghệ thuật dân gian thì chẳng tốn kém gì”, ông nói. Nhiều nghệ nhân thực hành dân ca ví dặm từng nói, dân ca ví dặm phải trở về với cộng đồng, trở thành nhu cầu sinh hoạt thường ngày của người dân, để di sản bắt rễ sâu trong cộng đồng.

Lâu nay sau khi di sản được công nhận, các nhà quản lý luôn đau đầu với bài toán bảo tồn, phát huy gắn với du lịch. Cái dễ của ví dặm là có thể mở rộng không gian, đưa vào thính phòng, hát trên thuyền, quan trọng là cách tổ chức, chọn cái gì sao cho đừng biến thành phản cảm như kỷ lục quan họ, chèo hóa hát xoan. 

“Lôi cổ di sản phục vụ du lịch là sai lầm, đưa du lịch đến với di sản thì đúng hơn. Anh đưa khách đến những vùng, không gian ví dặm thì khác với việc mang nó đến chỗ nào mà có khách du lịch để hát cho họ nghe, nó khiên cưỡng lắm”, ông Loan nói.

Ví dặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo từ lâu, theo một số nhà nghiên cứu có thể từ thế kỷ 17. Do loại hình thực hành trong lao động và đời sống thường nhật, nên các lối hát được gọi tên theo như: Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Dặm ru, Dặm kể, Dặm khuyên

MỚI - NÓNG