Dẹp vì ai?

Dẹp vì ai?
TP - Hàng loạt cuộc ra quân chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong vận tải hành khách liên tỉnh được các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương tiến hành trong thời gian qua. Rầm rộ ra quân, trật tự lập tức được thiết lập.

Hết chiến dịch một thời gian ngắn, mọi chuyện lại trở lại trạng thái ban đầu, vẫn y nguyên như chưa từng có gì xảy ra.


Trật tự kinh doanh vận tải hành khách, được Bộ GTVT đưa ra trong dự thảo nghị định trình Chính phủ mới đây, được xây dựng không nằm ngoài việc chấm dứt cảnh lộn xộn, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm các điều kiện về an toàn giao thông.

Dự thảo nêu rõ, từ 1/7/2015, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên phải có số lượng xe tối thiểu 20 chiếc trở lên. Các DN vận tải có trụ sở ở các địa phương phải có từ 10 xe trở lên trong khi tiêu chuẩn ở các huyện nghèo là 5 xe trở lên. 

Với vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch trên hành trình 300 km trở lên, DN phải có tối thiểu 10 xe đối với thành phố trực thuộc T.Ư; 5 xe đối với địa phương còn lại và 3 xe đối với huyện nghèo.

Dự thảo nghị định nếu được thông qua, đồng nghĩa sẽ buộc 6.000 hộ gia đình, DN và hợp tác xã sở hữu dưới 5 phương tiện trong tổng số 11.000 đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách đứng trước hai lựa chọn: Tự xóa sổ hoặc phải tìm cách sáp nhập, liên kết với các đơn vị khác để đáp ứng điều kiện được tồn tại để chạy tuyến cố định trên 300 km. Cách khác, DN phải chấp nhận thu hẹp địa bàn, chuyển sang chạy tuyến dưới 300 km. 

Quyết định cuối cùng chưa được ban ra nhưng nhiều ý kiến trái chiều. Doanh nghiệp nhỏ nơm nớp lo cho số phận của mình. Lo là điều không tránh khỏi khi mà dễ gì các doanh nghiệp khác chìa tay liên kết để đáp ứng đủ điều kiện để tồn tại. Bắt tay đồng nghĩa phải “nhường cơm sẻ áo”, chia tuyến, chia lợi nhuận. Cái đáng lo hơn, nhập vào đơn vị khác, đang là ông chủ sẽ trở thành cổ đông, thậm chí thành người làm thuê. Lợi nhuận bớt đi, gánh nặng tài chính, chi phí quản lý sẽ tăng thêm. Mấy ai chấp nhận để đống tài sản của mình cho người khác quản lý hoàn toàn. 

Cũng có ý kiến, việc buộc doanh nghiệp phải tuân theo một quy định mới hoàn toàn như vậy đồng nghĩa ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến việc, dẹp các DN vận tải nhỏ, các DN vận tải lớn có bao sân, ôm được tất các tuyến. Sẽ chẳng có DN vận tải nào chấp nhận đi vòng vèo từ huyện này sang huyên khác, cách nhau cả vài chục kilômét để đón thêm năm, bảy khách đứng vất vưởng chờ xe vì các DN nhỏ đã phải dừng hoạt động. 

Với các DN vận tải lớn, dự thảo nghị định là cơ hội vàng. Bớt được các đối thủ nhỏ, đồng nghĩa DN lớn sẽ có thêm khách trong khi các “thượng đế” rơi vào cảnh còn ít sự lựa chọn khi đi xe. 

Suy cho cùng, tình trạng lộn xộn trong vận tải xe khách một phần cũng do các quy định để cho ra đời một doanh nghiệp vận tải quá dễ dãi. Quy định lỏng lẻo, thị trường hỗn loạn, việc quản lý gặp khó khăn là điều đương nhiên. Chuyên gia cho rằng, tổ chức tốt quản lý sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn là việc ra các quy định hành chính buộc doanh nghiệp phải sáp nhập. Mấy ai dám khẳng định, DN có nhiều xe là hoạt động tốt, nghiêm túc hơn các DN nhỏ. 

MỚI - NÓNG