Đến Đối thoại Shangri-La, TQ chuẩn bị kỹ bài bao biện quân sự hóa biển Đông

Biển Đông sẽ là một vấn đề nóng tại Đối thoại Shangri-La 2019. (Ảnh: CNN)
Biển Đông sẽ là một vấn đề nóng tại Đối thoại Shangri-La 2019. (Ảnh: CNN)
TPO - Bắc Kinh vẫn có thể sẽ nói rằng tình hình biển Đông đang yên ả cho dù họ tiếp tục quân sự hóa vùng biển chiến lược này và căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Mỹ.

Vài ngày trước khi diễn ra Đối thoại Shangri-La (SLD) tại Singapore 1 năm trước, bà Yao Yunzhu, một Thiếu tướng nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc và đang công tác tại Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, đưa ra quan điểm của bà về Đối thoại này.

Cho rằng châu Á – Thái Bình Dương thiếu một cấu trúc an ninh, thông điệp chủ đạo của bà Yao là quân đội Trung Quốc, thông qua cách tham gia vào các vấn đề quốc tế, phải “phá vỡ được rào cản diễn ngôn” trong bối cảnh đối mặt với sự chỉ trích gia tăng từ phương Tây.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Trung Quốc Vấn đề quốc tế, bà Yao cho rằng Trung Quốc phải được coi trọng tương đương với Mỹ tại SLD.

Là một chuyên gia về quan hệ Trung – Mỹ, bà Yao được đối xử trọng thị khi tham dự 6 kỳ SLD. Bà gây ấn tượng cho mọi người bằng kỹ năng xử lý các câu hỏi một cách khéo léo, đôi khi phản bác một cách hài hước để nhắm thẳng vào các quan chức cấp cao Mỹ có mặt tại Đối thoại.

Nhưng sự tham gia sôi nổi của bà Yao ở SLD thể hiện một thực tế khác. Đó là khả năng của Trung Quốc trong việc định hình diễn ngôn quốc tế không đủ thuyết phục các nước khác, và quân đội Trung Quốc đang gây những hoài nghi lớn đối với những hoạt động quân sự hóa khu vực tranh chấp.

Một thông điệp của bà Yao đã thành hiện thực. Cuối tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa, sẽ dẫn đầu đoàn quân đội Trung Quốc đến SLD và phát biểu trong ngày thứ hai của sự kiện, với vị thế tương đương quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.

Lần gần đây nhất mà Trung Quốc cử bộ trưởng quốc phòng đến SLD là năm 2011. Sau đó, Trung Quốc cử phó tổng tham mưu rồi đến các cấp thấp hơn đến, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung xấu đi.

Đoàn Trung Quốc năm nay không chỉ có các chuyên gia về hợp tác quân sự quốc tế và quan hệ quốc phòng mà còn gồm 2 sĩ quan cấp cao có kinh nghiệm lãnh đạo trong bộ chỉ huy phương nam, phụ trách khu vực bao trùm biển Đông.

SLD năm nay cũng đặc biệt vì Thủ tướng Singapore sẽ có bài phát biểu dẫn đề. Ông Lý Hiển Long sẽ dành cơ hội này để nói về những thành tựu của Singapore nhân lễ kỷ niệm 200 năm vượt qua giai đoạn hậu thuộc địa đầy trắc trở để phát triển như ngày nay. Ông cũng sẽ cảnh báo về những đe dọa trong cuộc cạnh tranh quyền lực nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời và Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thiếu tướng Yao nói đến thách thức diễn ngôn từ trước khi ông Trump lên nắm quyền. Năm 2014, quân đội Trung Quốc vấp phải chỉ trích dữ dội ở SLD. Chỉ cách Singapore vài trăm kilomet, ở trung tâm của khu vực tranh chấp của biển Đông, hoạt động bồi đắp và xây đảo đang diễn ra tấp nập.

Đội tàu nạo vét hiện đại của Trung Quốc ngốn rất nhiều rạn san hô trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam để bồi đắp rồi đổ lên đó hàng tấn xi măng. Các đảo nhân tạo đó nhanh chóng biến thành căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc.

Bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm đó chỉ trích các hành động của Trung Quốc khá rõ ràng. Đến khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hồi đó tố cáo hành động cưỡng ép đơn phương của Trung Quốc trên biển Đông, Trung tướng Trung Quốc Vương Quán Trung bỏ qua kịch bản chuẩn bị sẵn để cáo buộc Mỹ thông đồng với các đồng minh cố tình nhắm vào Trung Quốc.

Cách nói của Trung Quốc

Tướng Ngụy Phượng Hòa và nhóm của mình chắc chắn sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho SLD năm nay, đặc biệt là những câu hỏi về biển Đông.

Theo ông Alexander Neill, một nhà nghiên cứu công tác tại IISS – châu Á, đơn vị tổ chức SLD, cách nói của Trung Quốc sẽ gồm 3 ý sau đây:

Trước tiên, cho rằng nhờ những cái đầu lạnh, đặc biệt là các nước Asean, và sự bình tĩnh chiến lược của Bắc Kinh mà tình hình trên biển Đông vẫn bình ổn.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ nhấn mạnh rằng hạ tầng trên các đảo nhân tạo mới mà họ chiếm đóng và xây dựng hỗ trợ các hoạt động hàng hải và cứu hộ, giúp bảo vệ các tuyến hàng hải qua biển Đông.

Thứ ba, Bắc Kinh sẽ nói rằng quân đội Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh “phi truyền thống” và khuyến khích các biện pháp xây dựng lòng tin, trong khi tránh thảo luận về các điểm nóng qua đối thoại song phương.

Nhưng ngược lại với cách nói của Bắc Kinh rằng tình hình biển Đông đang yên ả, vùng biển có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của châu Á này đang chứng kiến hoạt động quân sự hóa gia tăng.

Trong 2 năm qua, các đồng minh của Mỹ phối hợp với Hải quân Mỹ và triển khai đáng kể sức mạnh hàng hải đến khu vực. Một ví dụ là tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp đang ở căn cứ hải quân Changi của Singapore.

Anh, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada và Pháp cũng đều đã phái tàu hải quân đến thực hiện các hoạt động tập trận và huấn luyện trên vùng biển quốc tế này, tất cả nhằm đề cao “trật tự pháp quyền” và luật quốc tế.

Tại SLD năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ đưa ra Báo cáo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.

Theo theo Straitstimes
MỚI - NÓNG