Đề xuất lập đường dây nóng giữa 6 nước Mekong

Đề xuất lập đường dây nóng giữa 6 nước Mekong
TP - Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ hai từ ngày 22 tới 23/12 tại Capuchia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề xuất thiết lập đường dây nóng giữa 6 nước ven sông để kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý các tình huống khẩn cấp như xả lũ đột ngột, hạn hán, tai nạn gây ô nhiễm nguồn nước. 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành lập nhóm công tác  để nghiên cứu biện pháp thúc đẩy phối hợp giữa Hợp tác Mekong - Lan Thương và Ủy hội sông Mekong - MRC (tổ chức gồm 4 nước hạ nguồn sông Mekong, gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam), nghiên cứu các yêu cầu và triển vọng của việc Trung Quốc và Myanmar trở thành thành viên MRC.

Các bộ trưởng nhất trí sớm khởi động Quỹ đặc biệt Hợp tác Mekong - Lan Thương (do Trung Quốc đóng góp 300 triệu USD) để hỗ trợ các nước thực hiện các dự án, chương trình hợp tác; nâng cao hiệu quả công tác thông tin và phối hợp giữa các nước thành viên và giữa các bộ, ngành và địa phương thông qua thành lập bộ phận điều phối quốc gia tại mỗi nước…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, hợp tác Mekong - Lan Thương cần tăng cường hợp tác phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và có khả năng cạnh tranh; hỗ trợ các nước áp dụng công nghệ tiên tiến và hình thành chuỗi giá trị về nông nghiệp tại khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định, các dự án Mekong - Lan Thương cần hài hòa lợi ích của tất cả các nước thành viên và có sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa các cơ quan liên quan.

Gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, nghiên cứu các giống lúa mới có khả năng thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin về an toàn hạt nhân… 

Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, tích cực thúc đẩy việc hoàn tất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông vào năm 2017.

MỚI - NÓNG