Đề xuất cơ chế đặc thù cho bốn tỉnh: 'Thiếu bóng dáng kinh tế biển'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, với các vấn đề được tiếp tục nghiên cứu, có thể bổ sung trong quá trình thực hiện, ví dụ như đề xuất thành phố Hải Phòng có khu thương mại tự do, nếu được cho phép sẽ bổ sung sau.

Ủng hộ chủ trương thí điểm cơ chế đặc thù cho địa phương phát triển, song đại biểu cũng băn khoăn, vì dự thảo trình Quốc hội “thiếu bóng dáng kinh tế biển”. Riêng đề xuất lập khu thương mại tự do ở Hải Phòng, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội không có nội dung này.

Đề xuất cơ chế đặc thù cho bốn tỉnh: 'Thiếu bóng dáng kinh tế biển' ảnh 1

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Sáng 22/10, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế.

Trước đó, dự thảo nghị quyết trình phiên họp thứ 4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất thành lập khu thương mại tự do cho thành phố Hải Phòng. Về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ đề nghị trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Dự thảo nghị quyết trình ra Quốc hội ngày 22/10 không có nội dung này.

Cũng trong sáng 22/10, tại phiên thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu băn khoăn, khi dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh vốn có thế mạnh về biển nhưng lại “thiếu bóng dáng về kinh tế biển”.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần ra nghị quyết thực hiện thí điểm để “mở đường” cho những cải cách cần thiết. Nhưng việc thí điểm không thể quá rộng cũng không thể quá hẹp. Đặc biệt, cần xem xét đến tiềm năng, thế mạnh riêng của từng tỉnh, để từ đó đưa ra các chính sách đặc thù, làm sao để khai thác tối đa thế mạnh, tạo sự bứt phá cho mỗi địa phương.

Theo ông Lộc, các chính sách đặc thù cần xây dựng chung cho cả quốc gia, chứ không phải riêng cho tỉnh nào. Việc áp dụng thí điểm sẽ làm cơ sở để đưa ra các chính sách đặc thù chung. Chẳng hạn, đưa ra những đặc thù về kinh tế biển, xem tỉnh nào đạt được đúng tiêu chuẩn đề ra thì được hưởng chính sách đặc thù.

Đại biểu đang là Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, không nên “đẻ” ra bất cứ chính sách nào gây thêm gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp. “Cần tránh “đẻ” ra thí điểm rồi tăng thu, tăng chi phí cho dân và doanh nghiệp”, ông Lộc lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (đoàn Hà Nội) cũng đề nghị cân nhắc để đảm bảo sự công bằng giữa các tỉnh có đặc điểm tương tự nhau. Nếu hai tỉnh như nhau, tỉnh này được đặc thù, tỉnh khác lại không sẽ không đảm bảo sự công bằng. Đại biểu lưu ý, cần có sự đồng bộ, tránh kỳ họp Quốc hội này xem xét thí điểm cho những tỉnh này, rồi đến kỳ sau lại xem xét cho các tỉnh khác.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, bản chất cơ chế đặc thù là quy định tương thích với từng đặc thù của địa phương, có chính sách tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng của từng địa phương. Đại biểu băn khoăn, khi dự thảo nghị quyết chỉ đưa ra các cơ chế tương đồng như nhau, không thể hiện riêng đặc thù nào.

Đại biểu ví dụ, như thành phố Hải Phòng và các tỉnh, có tiềm năng về kinh tế biển nhưng lại thiếu quy định đó. Hay tỉnh Thừa Thiên- Huế có di sản riêng, nếu khai thác tiềm năng đó sẽ hợp lý, nhưng dự thảo còn mang bóng dáng chung, mà chưa thể hiện đặc thù riêng cho mỗi tỉnh.

Trao đổi với phóng viên trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng, nên đưa ra cơ chế chung cho những tỉnh, thành có đặc điểm giống nhau, như đối với những tỉnh có nhiều cảng biển, thì đưa ra một cơ chế đặc thù cho các tỉnh đó. Đại biểu cũng cho rằng, cần tránh quá nhiều đặc thù, mỗi địa phương lại áp dụng một chính sách đặc thù riêng.

Tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các cơ chế, chính sách của 4 địa phương đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Với các vấn đề được tiếp tục nghiên cứu, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, có thể bổ sung trong quá trình thực hiện, ví dụ như đề xuất thành phố Hải Phòng có thêm khu thương mại tự do, nếu được cho phép thì sẽ bổ sung sau.

Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách của 4 địa phương đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách.

MỚI - NÓNG