Từ việc chấm thi tuyển sinh 2014:

Đề mở, dạy và học Văn thế nào?

Thảo luận đáp án chấm thi môn Văn khối D ở ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Hồ Thu
Thảo luận đáp án chấm thi môn Văn khối D ở ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Hồ Thu
TP - Xu hướng đề thi mở hiện nay đã cho thấy năng lực của một lứa học sinh mới, để từ đó điều chỉnh cách dạy và học ở trường phổ thông. Đó là ý kiến của một số giám khảo tham gia chấm thi ĐH-CĐ môn Ngữ văn năm 2014.

Thí sinh ít thuộc tác phẩm

Trưởng khoa Văn (ĐHSP, ĐH Thái Nguyên), chị Đào Thủy Nguyên cho biết, về các câu hỏi cảm nhận văn chương của đề thi Ngữ văn khối C năm 2014, các thí sinh làm không tốt và cho thấy xu hướng học Văn hiện nay: các dẫn chứng được đưa rất ít. 

“Thí sinh ít thuộc thơ, văn”, cô Thủy Nguyên kể, nên không đạt điểm cao. Lý giải điều này, cô Thủy Nguyên phân tích: Đề ra vào 2 tác phẩm ít thi nhưng nằm trong “vùng” luyện của các thầy cô vì cho rằng, với xu hướng kiểm tra năng lực, đề thi sẽ được ra vào các tác phẩm không được quan tâm đến nhiều nhằm kiểm tra năng lực thực sự của học sinh. 

Cô Thủy Nguyên nhận định, vì học sinh của ta quá thụ động và quen với lối mòn văn hay, văn mẫu từ bé, nên khi có yếu tố mới trong đề thi là thí sinh lúng túng ngay. Với câu cảm nhận văn chương, thí sinh viết tương đối chung chung và được ít điểm.

Thí sinh bộc lộ hiểu biết xã hội tốt

Năm nay, các giám khảo chấm Văn, lúc đầu rất lo lắng về câu hỏi nghị luận xã hội, vì đây là một câu hỏi khó. Đề thi yêu cầu viết về một đạo lý, khó hơn viết về một hiện tượng xã hội như các đề mở khác. Đó là vấn đề có vẻ như vượt qua tầm của học sinh, nhưng lại dễ phát hiện được thí sinh xuất sắc là ý kiến của thầy Đặng Quyết Tiến (khoa Văn, ĐHSP, ĐH Thái Nguyên). 

Dư luận xã hội nhiều khi đặt áp lực không cần thiết vào học trò. Họ có thể viết về đất nước mình, Tổ quốc mình như những gì đã cho thấy trong bài làm Văn thì không thể nói họ yếu kém. Họ, có thể làm Văn không tốt như mong muốn, nhưng, đó là do lỗi trong dạy dỗ! 

Thầy Đặng Quyết Tiến 

(khoa Văn, ĐHSP, ĐH Thái Nguyên)
Mặc dù vậy, thầy Tiến nói, nhiều thí sinh bộc lộ hiểu biết về xã hội và sự quan tâm đến vấn đề thời sự nóng của đất nước khá tốt. Thầy đặc biệt ấn tượng với một bài viết của một thí sinh và kể: thí sinh này đã lập luận tốt, viết trôi chảy và hào sảng, phê phán khá sắc sảo thái độ nước lớn của Trung Quốc khi lấn át nước nhỏ không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác trong khu vực. 

Thí sinh này viết: Hành động của Trung Quốc khiến cho nước này không còn là kẻ mạnh nữa mà trở thành nhân tố gây ra sự bất ổn trong khu vực và trên thế giới. Giọng văn hào sảng, có lẽ do ảnh hưởng bởi không khí chung của xã hội, viết khách quan, không kỳ thị, không thù hằn một cách duy ý chí, thầy Tiến nhận xét, và câu này được cho đến 2,75 điểm/ 3,0 điểm, đạt 8,5 điểm cho toàn bài. Tại hội đồng thi ĐH Thái Nguyên, còn có một điểm 8,75 khác cho môn Ngữ văn. 

Một giảng viên kể, mọi năm, chấm thi môn Ngữ văn ở một trường tốp 2 cho kết quả điểm 0 và 1 rất nhiều; năm nay, các điểm 0, 1, 2 ít và điểm 4, 5, 6 tương đối nhiều khiến đa số thí sinh đạt trung bình và trung bình khá; một số thí sinh được điểm cao thực sự (cận 8 và 8, tuy không nhiều); điểm cao nhất là 8,75.

Những bài văn tệ nhất

Theo lời kể của các thầy cô chấm thi môn Văn, có những bài thi hiểu cái gì cũng kém, kể cả những ý niệm cơ bản nhất của tiếng Việt. Một thầy chấm thi dẫn ví dụ: đề thi yêu cầu thí sinh hiểu từ “lảo đảo” vốn là tính từ miêu tả trạng thái tồn tại không bền vững, không cân bằng thì thí sinh, trong bài làm, gọi đó là động từ “đi suýt ngã”; với hai từ “thập thững” thì thí sinh không hiểu được đó chính là sự sáng tạo của Nguyễn Duy khi ông miêu tả người bà đi bước thấp bước cao trong đêm tối do hoàn cảnh mang lại… nên thí sinh này đã giải thích bà đi chập chững như một đứa trẻ mới biết đi...

Điều này chứng tỏ thí sinh hiểu từ tiếng Việt rất kém, thầy Tiến kết luận. Các giảng viên chấm thi tuyển sinh ĐH cũng cho biết thí sinh viết sai chính tả hoặc không dùng dấu chấm, dấu phẩy rất nhiều. 

MỚI - NÓNG