ĐBQH tranh luận với Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Một dòng sông 'cõng' 8 thủy điện sẽ ra sao?

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh Như Ý
TPO - Tranh luận về vấn đề thủy điện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng phải tính toán lại việc cấp phép thủy điện. Ông nêu vấn đề, một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu thủy điện? Chặn hạn dòng sông chỉ chịu được 4 dự án, nhưng cấp đến 8 dự án thì sẽ ra sao?

Tần suất thiên tai đã tăng gấp 4 lần

Giải trình tại phiên thảo luận ngày 5/11, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà “cầu thị, lắng nghe” từ những ý kiến, đề xuất tâm huyết của các đại biểu khi nói về thảm họa đau thương miền Trung phải gánh chịu những tuần qua.

“Tôi xin được chia sẻ với những mất mát, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ đang xẻ núi, mở đường để giải quyết những thảm họa này”, ông Trần Hồng Hà nói.

Dẫn thông tin từ báo cáo rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Hà cho rằng, thời điểm này là lúc con người rất khó kiểm soát được tính cực đoan của biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên. Cường độ, tần suất của thiên tai đã tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua. Trong đó, bão và lũ chiếm khoảng 40%.

Ông Hà cho rằng, Việt Nam nằm trong khu vực chịu bão của vùng Tây Nam Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong khu vực về rủi ro thiên tai và đứng thứ 16 trong số các nước chịu tác động của khí hậu cực đoan.

Bộ trưởng cho rằng, vẫn cần đánh giá chi tiết từ phía các nhà khoa học, nhưng nhìn chung các điểm xảy ra sạt lở ở miền Trung là “tổ hợp các dạng thiên tai”. Bốn cơn bão, trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm, vùng áp thấp duy trì rất lâu ở miền Trung tạo ra lượng mưa vượt qua các chỉ số do lịch sử…

“Có những ngày ở Quảng Nam, lượng mưa lên đến hơn 500 mm/ngày, có những nơi lượng mưa lên đến 2.000, thậm chí 4.000 mm. Lượng mưa như thế là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa”, tư lệnh ngành TN&MT nói.

Theo ông, đây là những sự kiện tự nhiên mang tính lịch sử và Việt Nam cũng chưa có số liệu để có thể tính toán được các vấn đề như vậy. Các khu vực sạt lở có độ cao duy trì ở 300-900 m, toàn bộ khu vực này nằm trong đới đứt gãy địa chất, đất đá có tình trạng phong hóa, độ gắn kết rất thấp. Khu vực nằm trong địa hình đồi núi, sông suối dốc, do lực trượt đều theo hình chữ V, cộng thêm với lượng mưa lớn thì tất cả khu vực này đều dẫn đến nguy cơ sạt lở. “Lượng mưa lớn như vừa qua làm gia tăng trọng lực trượt của đất”, ông khẳng định.

Một dòng sông “cõng” 8 thủy điện sẽ ra sao?

Phát biểu tranh luận với các Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) dẫn lời Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trong phiên thảo luận trước khi đưa tin, trước đây chúng ta có 9 triệu ha rừng, nhưng đến nay đã tăng lên được 14.3 ha rừng. Tuy nhiên, ông Nghĩa đặt câu hỏi, có bao nhiêu ha rừng tự nhiên, bao nhiêu ha rừng trồng? Theo ông, vai trò, tác dụng của hai loại rừng này khác nhau.

ĐBQH tranh luận với Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Một dòng sông 'cõng' 8 thủy điện sẽ ra sao? ảnh 1 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh Như Ý

“Chỉ có rừng tự nhiên mới có năng lực bảo vệ đất đai, tích lũy nước ngầm tốt, khác với rừng trồng”, ông Nghĩa cho hay.

Về vấn đề thủy điện, đại biểu Nghĩa cũng có quan điểm không đổ thừa, nhưng cũng phải tính toán lại việc cấp phép thủy điện. Ông nêu vấn đề, một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu thủy điện? Chặn hạn dòng sông chỉ chịu được 4 dự án, nhưng cấp đến 8 dự án thì sẽ ra sao? Khi xét duyệt cần có quy trình cụ thể cho từng dự án. Nếu đơn giản hóa thì không thấy trách nhiệm của Nhà nước ở đâu.

“Doanh nghiệp tư nhân nhạy bén, thông minh, tối đa hóa nguồn lực tốt nhưng có thể gây xung đột lợi ích với các tầng lớp khác. Họ nghĩ đến lợi ích trong vài năm, nghĩ đến lợi ích kinh tế chứ không tính đến lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội, vì thế, cần có điều tiết của Nhà nước. Nhà nước phải làm trọng tài trong xử lý các xung đột lợi ích” ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG