Dâng sao giải hạn, vía Thần Tài: Trào lưu khó 'xẹp'?

TP - Không ít người tu hành đã khẳng định: Ngày vía Thần Tài hay dâng  sao giải hạn không xuất phát từ đạo Phật. Dâng sao giải hạn không giải được hạn, ngày vía Thần Tài chỉ “béo” người kinh doanh vàng…. Song những năm gần đây, niềm tin vào sức mạnh hư ảo vẫn bùng phát mạnh mẽ, không có dấu hiệu nào cho thấy sự thoái trào.
Dâng sao giải hạn, vía Thần Tài: Trào lưu khó 'xẹp'? ảnh 1

Đại đức Thích Bản Hoan

Một bà bầu bụng lùm lùm 9 tháng, sắp đến ngày sinh vẫn cố gắng xếp hàng từ sáng sớm ở phố Trần Nhân Tông, con phố có nhiều hiệu vàng uy tín của thủ đô, để mua hai chỉ vàng cầu may mắn. Câu chuyện này mau chóng trở nên thu hút và có tính kích thích những ai còn thờ ơ với ngày vía Thần Tài. Theo bà bầu trên, năm nào chị cũng xếp hàng từ sáng sớm  chỉ để mua hai chỉ vàng và năm nào cũng thấy công việc làm ăn thuận lợi. Cho nên, ngay cả khi bầu vượt mặt người phụ nữ này vẫn không quên xếp hàng cầu Thần Tài gõ cửa.

Theo Đại đức Thích Bản Hoan, trụ trì Chùa Phúc Linh, thôn Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng, trong quan niệm của đạo phật, không nói đến ngày vía thần tài: “Ngày vía thần tài hay một số thờ cúng khác, có khi chỉ mang tính chất tín ngưỡng dân gian, có thể là tín ngưỡng dân gian của ta, cũng có thể là tín ngưỡng dân gian của các nước khác du nhập vào Việt Nam, đánh vào tâm lí của nhiều người.

Có thể chính những người buôn bán vàng bạc, cũng “thổi hồn” vào những ngày ấy, để thu được lợi nhuận  từ “nguồn vốn nhàn rỗi” của người dân: Sau khi ăn tết xong những người già, trẻ con có tiền mừng tuổi, hoặc những người kinh doanh buôn bán cũng có lợi nhuận…”. 

Những con số choáng váng được một tập đoàn vàng bạc đá quí tiết lộ: Tính đến 4 giờ 30 chiều ngày vía Thần Tài, đơn vị này đã bán hết gần 300 ngàn sản phẩm vàng các loại. Năm 2018, Tết Thần Tài đã đưa lại cho Cty Cổ phần Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận (PNJ) doanh số khủng,  hơn 750 tỷ đồng.  Doanh thu từ các doanh nghiệp lớn kinh doanh vàng bạc trong ngày Thần Tài cho thấy: Năm sau cao hơn năm trước. Chứng tỏ trào lưu mua vàng cầu may không có dấu hiệu giảm nhiệt.

Dâng sao giải hạn, vía Thần Tài: Trào lưu khó 'xẹp'? ảnh 2 Hình ảnh ngày vía thần tài Ảnh:  nguồn: Internet

Nhưng mua vàng có thực sự mang lại lộc? Đại đức Thích Bản Hoan cho rằng: “Không phải mua chỉ vàng là có lộc. Tất cả phải do mình chịu thương chịu khó làm ăn, biết tính toán, có đầu óc, có trí tuệ mới ra được. Thí dụ, một người rất nghèo cố gắng mua nửa chỉ vàng, liệu có phát tài không? Không phát tài được. Những người làm ăn buôn bán hay giới trí thức cũng đừng nên nặng nề về chuyện mua 1, 2 chỉ vàng. Nếu mua chỉ để lấy niềm tin cho may mắn thì niềm tin ấy cũng cần phải có trí tuệ. Xếp hàng từ 1,2 giờ sáng để mua vàng, thật không nên. Lộc chưa thấy đâu, thời tiết khắc nghiệt có khi còn sinh bệnh, tội hơn không mua vàng”.

Dâng sao giải hạn: Một số chùa vẫn làm, vì sao?

Theo nhà sư Thích Bản Hoan, dâng sao giải hạn là một tín ngưỡng của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Nhà sư khẳng định, dâng sao giải hạn  không tồn tại trong quan điểm của đạo phật: “Đó là tín ngưỡng dân gian, đáp ứng nhu cầu lòng tin của con người, để giải tỏa tâm lí. Xét ở góc độ nào đó, cũng có mặt tốt”. Tuy nhiên, sa đà cúng sao giải hạn lại là câu chuyện khác, ẩn chứa nhiều tiêu cực đã được nói đến nhiều trong những ngày qua tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội).

Chúng tôi đặt câu hỏi với nhà sư Thích Bản Hoan: “Vì sao các thầy đi tu hiểu về giáo lí đạo Phật, biết không thể dâng sao để giải hạn, nhưng vẫn làm?”. Nhà sư chia sẻ thành thật: “Bởi vì đây là tín ngưỡng dân gian nếu nhà sư không làm thì đội ngũ thầy cúng, bà đồng, bà cốt cũng làm. Về mặt nào đó, có khi còn tai hại hơn, họ dùng đồng tiền thu được để làm giàu cho bản thân, gia đình, thậm chí còn dùng chiêu trò hù dọa một số người dân u mê như trường hợp bà Đoàn Thị The ở Hải Dương xây Phủ Mẫu The còn to hơn chùa”.

Lợi nhuận từ dâng sao giải hạn được chùa sử dụng ra sao? Nhà sư Thích Bản Hoan trả lời: “Chúng tôi là những người xuất gia đi tu, không vợ, không con, lợi nhuận ấy dùng để duy trì văn hóa vật thể, phi vật thể và làm phúc”.

Dâng sao giải hạn, vía Thần Tài: Trào lưu khó 'xẹp'? ảnh 3 Cảnh người dân dâng sao giải hạn Ảnh:  nguồn: Internet

Ở một số chùa lễ dâng sao giải hạn có khi được gọi là lễ cầu bình an.  Ngay tại chùa Phúc Linh, nơi nhà sư Thích Bản Hoan trụ trì, vẫn làm lễ dâng sao giải hạn nhưng có biến hóa ít nhiều: “Tại chùa chúng tôi chỉ thực hiện nghi thức giải sao khoảng nửa tiếng, còn lại chúng tôi để mọi người tụng kinh Dược Sư, kinh trong đạo Phật vẫn sử dụng,  được in ấn, có giấy phép ấn hành của Ban Tôn giáo Chính phủ. Phần đọc kinh giải trừ nghiệp chướng, vận hạn, diễn ra trang nghiêm. Chúng tôi không nói đây là lễ dâng sao mà là lễ cầu bình an”.

Phóng viên đặt câu hỏi: “Vì sao nhà chùa vẫn cứ phải lồng ghép phần giải sao trong lễ cầu bình an?”. Nhà sư Thích Bản Hoan lí giải: Do nhu cầu của người dân, nếu không làm, người ta cũng “bỏ theo thầy cúng”, nhất là  ở làng quê, mỗi làng quê ít nhất có vài ông thầy cúng, vài cửa đền, cửa điện, nhà chùa không làm, người ta cũng có những “lựa chọn” khác.

 Nhà sư Thích Bản Hoan khẳng định: “Dâng sao giải hạn không giải được hạn. Đó chỉ là khởi đầu của một lòng tin, còn được hay không phải do chính mình. Không có chuyện bỏ ra lễ khoảng 1, 2 trăm ngàn đồng dâng sao giải hạn, mà giải được, rồi bản thân cứ thế làm những điều sai trái, tội lỗi”. Quanh  lễ thần tài, dâng sao giải hạn bùng phát, có độc giả bình luận rằng: “Không tin vào sức mình mà tin vào bổng lộc của thần thánh ban cho. Đó là hiện tượng xã hội rất đáng lo ngại của xã hội Việt Nam hiện nay”. Nhưng làm thế nào để hóa giải những hiện tượng này, rõ ràng không dễ.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.