Dâng sao giải hạn: Bao giờ ra khỏi cõi mê?

Hàng nghìn người tràn ra vỉa hè, lòng đường cúng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh Ảnh: NHƯ Ý
Hàng nghìn người tràn ra vỉa hè, lòng đường cúng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh Ảnh: NHƯ Ý
TP - Dòng người đội mưa, kê ghế ngồi lòng đường vái vọng vào Tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội) trở thành hình ảnh quen thuộc mỗi mùa dâng sao giải hạn, dù nhiều bậc chân tu và các chuyên gia cảnh báo về sự cuồng tín này.

VÀO MÙA DÂNG SAO

Hình ảnh chẳng còn xa lạ, đó là nghìn người đổ về Tổ đình Phúc Khánh (còn gọi chùa Phúc Khánh), ngồi chật kín sân tới lối đi, tràn ra vỉa hè lòng đường. Thậm chí có năm ngồi bám vào thành cầu vượt Ngã Tư Sở dự khoá lễ dâng sao.

Mùng 8 tháng Giêng là khoá lễ dâng sao giải hạn đầu tiên ở Tổ đình Phúc Khánh. Sau khoá lễ cho những người “dính” sao La Hầu, còn hai khoá lễ giải hạn lớn cho sao Thái Bạch, Kế Đô vào 15 và 18 tháng Giêng tái diễn hình ảnh hàng nghìn người ken đặc ở khu vực này. Ngoài ra còn đại lễ cầu an cho cả gia đình tại Phúc Khánh vào 14 tháng Giêng, giao thông lại được một phen ách tắc.

Chùa Phúc Khánh luôn được coi là một trong những điểm “giải hạn” lớn bậc nhất Hà Nội, bên cạnh chùa Hà, chùa Quán Sứ, Trấn Quốc, đền Quan Thánh. Nhiều gia đình quen sớm đăng ký từ cuối năm trước. Lượng người đổ về chùa Phúc Khánh lúc nào cũng nhộn nhịp. Hàng dãy bàn dài kê quanh nhà Tổ, ngoài sân chùa phục vụ người dân tới đăng ký lễ sao, cầu an. Bảng năm sinh đối chiếu sao chiếu mạng được in và dán ở những điểm dễ nhận biết ngay khi bước chân vào chùa. Anh Phong (Thanh Xuân) bảo dẫu biết Phúc Khánh đông đúc nhưng quen lễ ở đây, giá cả ổn định khoảng 200 nghìn đồng/người.

Nghi lễ dâng sao giờ không còn chuyện dâng lễ tùy tâm nữa, trở thành dịch vụ thương mại phong phú kiểu cung-cầu. Nơi nơi mở cửa chùa phục vụ, tùy địa điểm và tiếng tăm mà giá cả khác nhau. Năm nay một ngôi chùa ở Cầu Giấy “hét” giá 500 ngàn đồng/người đối với sao “nặng”. Có nơi không phân biệt sao tốt, sao xấu đều thu đồng giá từ 300 ngàn đồng/người trở lên. Một số nơi còn mở dịch vụ cúng cầu an, cúng sao cả năm cho các gia đình có nhu cầu với giá khoảng trên 1 triệu đồng/năm.

Chị Vũ Tuệ An lại chọn chùa Triệu Khánh (Hoàng Mai) gần nhà. “Chùa làng nhưng năm nào cũng chật kín sân chùa, được cái không nặng nề về giá cả-chỉ 350 ngàn đồng/nhà. Sau khoá lễ dâng sao, người đi lễ thụ lộc chay, đầu năm nhà chùa phát lộc đem về. Tôi không quá mê tín nhưng năm nào cũng dâng sao, lễ xong cũng thấy nhẹ nhõm”, chị An nói. Một số người dân lại chọn chùa ngoại thành Hà Nội do không quá xô bồ, người dân đi lễ tuỳ tâm.

MÊ MUỘI

“Nhu cầu dâng sao giải hạn của người dân rất lớn, năm sau cao hơn năm trước. Trong một khảo sát của Viện Nghiên cứu Tôn giáo vào năm 2017, hầu hết những người được hỏi đều trả lời có nhu cầu, từng làm dâng sao giải hạn. Tôi nghĩ, đây là một nhu cầu chính đáng của người dân, thể hiện niềm tin vào những điều linh thiêng. Tuy nhiên, niềm tin đó đang bị đẩy lên thái quá, trở thành mê tín, mê muội đúng như nhiều người nhận xét”, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nói.

Đồng quan điểm, TS. Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ nói rằng du xuân, lễ Phật và thực hiện các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo là nét đẹp của người Việt. “Đáng tiếc hiện nay ở một số nơi đang có biểu hiện lợi dụng hoạt động du xuân lễ hội để làm sai lệch giá trị văn hóa tốt đẹp. Đặc biệt là việc lạm dụng tín ngưỡng nơi tôn nghiêm chùa, đình, đền, miếu, phủ để trục lợi qua thực hiện hoạt động mê tín như: dâng sao giải hạn, xem bói, xem quẻ, sớ sách, vàng mã”, ông nói.

Theo phân tích của TS. Bùi Hữu Dược, một số hoạt động này bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian, từ niềm tin của một số người, từ thử tài, thử trí qua trò chơi từ xa xưa, trải qua thời gian do tính thực dụng, trục lợi nhiều hoạt động vui theo mùa xuân dần biến tướng trở thành một nghề, thành niềm tin của một số người không có căn cứ và cơ sở nên dân gian hay xã hội từ xưa trở đã gọi là mê tín.

TS. Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục phân tích nguồn gốc cách chia các sao này xuất phát ở Đạo giáo. Không bàn về cơ sở dâng sao giải hạn hay có nên dâng sao hay không, tuy nhiên chuyện người dân đổ xô dâng sao theo ông đang có dấu hiệu mê muội. Nhiều người cho rằng dâng sao để tránh điều xấu, đang chạy theo xu hướng tốt lễ dễ nói và càng đổ tiền nhiều cúng sao. “Mọi người không nhất thiết phải chen nhau giải hạn ở một điểm, biến nơi tôn giáo tín ngưỡng thành trò mua bán không hay”, TS. Vịnh nói.

TÍN MÀ KHÔNG MÊ

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nêu quan điểm: Niềm tin của con người đối với việc dâng sao, giải hạn, cầu an… là hết sức bình thường, chính đáng. “Điều quan trọng là chúng ta phải biểu đạt hay thực hành niềm tin đó một cách đúng đắn. Chúng ta cần hiểu rằng, hoàn toàn không có chuyện cứ làm lễ dâng sao giải hạn xong là hóa giải hết mọi vận hạn. Luật nhân quả không đơn giản như vậy. Muốn hóa giải những vận hạn, chúng ta phải nỗ lực làm những điều tốt đẹp, thực hành thập thiện, làm lành, tránh ác, giúp đỡ người, không hại người, sống tích cực... Nếu ai không làm những điều thiện đó và nghĩ rằng chỉ cần làm lễ dâng sao giải hạn là có thể xóa bỏ được mọi tội lỗi, giải trừ được mọi vận hạn thì đó là một suy nghĩ sai lầm, là sự mê muội, mê tín”, PGS.TS. Chu Văn Tuấn phân tích.

Chuyện nhà chùa bị cuốn vào vòng xoáy dâng sao giải hạn do khi du nhập vào nước ta phải nhượng bộ với tín ngưỡng bản địa. Dâng sao giải hạn đi ngược với triết lý và tư tưởng cốt lõi của Phật giáo- hướng con người sống với tâm lành, tính thiện, thực hiện luật nhân quả. Các bậc cao tăng trong Phật giáo như Hòa Thượng Thích Trí Hải từ xưa đã viết: “Phật giáo chánh tín không thực hiện cúng giải hạn, dâng sao để tránh hạn, không đốt vàng mã. Nếu làm lễ mà giải được hạn thì đã thay đổi được luật nhân quả, người xấu cứ làm việc xấu ác rồi đi lễ cho giải nghiệp xấu ác thì đâu còn luật nhân quả”. 

Ủng hộ khát vọng đi lễ đầu năm để cầu bình an, hạnh phúc, tốt lành của mọi nhà, tuy nhiên TS. Bùi Hữu Dược không đồng tình với việc mưu cầu hạnh phúc bình yên bằng việc lễ dâng sao, giải hạn. “Người ta chỉ có thể thực hiện được cuộc sống yên lành và tốt đẹp bằng nâng cao nhận thức và thực hiện hành động đúng. Buôn thần bán thánh là việc làm của người lợi dụng đức tin, lợi dụng khó khăn trắc trở của con người trong cuộc sống để kiếm ăn, xưa đã có nay vẫn còn. Tuy nhiên trong xã hội khoa học và tiến bộ những hoạt động lạm dụng không vì nét đẹp văn hóa đó cần được nhận diện và loại trừ”, TS. Bùi Hữu Dược nói.

Một chuyên gia phong thủy đề xuất, người dân muốn dâng sao không nhất thiết phải đến đền chùa để vung tiền giải hạn. Cầu điều lành chỉ cần thành tâm dâng hương hoa tại gia.Giáo lý Nhà Phật không có dâng sao giải hạn

Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích: Giáo lý nhà Phật không có việc dâng sao giải hạn. Giáo hội Phật giáo cũng có văn bản hướng dẫn các cơ sở thờ tự, Phật tử không đốt vàng mã, không thực hành các hoạt động mê tín dị đoan.

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo hy vọng người dân hiểu đúng, nhận thức đúng, thực hành đúng niềm tin tôn giáo tránh gây nên những sự phản cảm, lệch lạc, mù quáng như nhét tiền vào tay Phật, tranh cướp đồ cúng, vật cúng, đốt quá nhiều vàng mã. “Tôi cũng mong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tăng cường hướng dẫn mọi người hiểu đúng, thực hành đúng niềm tin tôn giáo”, ông nói.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).