Dấn thân với nhạc xưa

Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ tập luyện cho dự án “100 năm âm nhạc Việt Nam”. Ảnh: Thu Hiền.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ tập luyện cho dự án “100 năm âm nhạc Việt Nam”. Ảnh: Thu Hiền.
TP - Trong khi làng nhạc vẫn tranh cãi nảy lửa về Bolero, Nhà hát Tuổi trẻ bất ngờ trình làng món mới mang tên “100 năm âm nhạc Việt Nam” với kỳ vọng đưa khán giả thủ đô quay về một thời sôi nổi của nhạc xưa.

“Đường xưa lối cũ”

Dự án “100 năm âm nhạc Việt Nam” là cái bắt tay giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Công ty Nghệ thuật Đông Đô với mong muốn xây dựng một chương trình âm nhạc gồm 24 số biểu diễn, định kỳ 1 tháng một số... Các đêm nhạc sẽ vinh danh những tác giả nổi tiếng như Lam Phương, Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Văn Cao… , những nhạc sĩ có công lớn trong nền âm nhạc Việt Nam và được đông đảo khán giả yêu thích.

Nói về dự án này, Tổng đạo diễn Nguyễn Việt Thanh chia sẻ: “Âm nhạc có rất nhiều phân khúc. Có những khán giả chỉ thích nhạc cách mạng, có người chỉ thích nhạc trữ tình, nhạc trẻ, lại có những khán giả chỉ thích nhưng bản nhạc gắn với cuộc đời của mình. Tuy nhiên, khán giả của dòng nhạc tiền chiến, trữ tình đang là phân khúc lớn nhất hiện nay. Họ là những người yêu thích, sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé để thưởng thức âm nhạc. Để thực hiện cả một chuỗi đêm nhạc, chúng tôi phải thăm dò, nghiên cứu thị trường từ trước đó để nắm bắt nhu cầu của khán giả”.

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh cũng cho biết, chương trình mong muốn giúp công chúng cảm nhận đa chiều về lịch sử hình thành, phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, từ thời kỳ tân nhạc, kháng chiến cho đến làn sóng nhạc nhẹ sau này. Mặc dù chưa đưa được khí nhạc, giao hưởng vào chương trình nhưng những người thực hiện hy vọng dự án âm nhạc “100 năm âm nhạc Việt Nam” sẽ là chương trình nghệ thuật chất lượng, có màu sắc riêng trong bối cảnh thị trường âm nhạc đang vô cùng sôi động.

Trước ý kiến e ngại liệu một sân khấu nhỏ như Nhà hát Tuổi trẻ có đủ sức để tải một dự án âm nhạc lớn và dài hơi như “100 năm âm nhạc Việt Nam”, đạo diễn Việt Thanh nhấn mạnh sân khấu lần này sẽ thiên về sự tinh tế, trữ tình đúng kiểu nhà hát chứ không phải là những chiêu trò, dàn dựng hoành tráng về kỹ xảo. Nữ đạo diễn cũng hứa hẹn 24 đêm nhạc sẽ là 24 màu sắc riêng, khác lạ để khán giả quên đi cảm giác đó là sân khấu dành cho kịch nói.

Dấn thân với nhạc xưa ảnh 1 NSND Lê Khanh giữ vai trò người dẫn chuyện trong mỗi đêm diễn.

Khi nói về điều này, NSND Lê Khanh, Phó GĐ Nhà hát Tuổi trẻ tự tin: “Chúng tôi từng có thời kỳ hoàng kim ở mảng biểu diễn âm nhạc. Hồi mới thành lập, Nhà hát gần như là địa chỉ duy nhất táo bạo khai thác dòng nhạc trữ tình, tiền chiến và được công chúng vô cùng yêu thích. Đêm diễn nào cũng cháy vé. Nhiều nghệ sĩ đã nổi tiếng như ban nhạc sacxophone Trọng Khôi, ca sĩ Vân Khánh, Ái Vân, Ngọc Tân, Lệ Quyên… Những diễn viên trẻ như tôi cũng được múa, diễn minh họa cho các tiết mục ca nhạc. Thế hệ sau này có các ca sĩ trẻ như Ngọc Anh, Bằng Kiều, Thu Phương… cũng là trưởng thành từ Nhà hát Tuổi trẻ. Chính vì thế, dự án lần này như một sự trở lại của Nhà hát mà thôi”.

Tổ chức các show ca nhạc định kỳ hàng tháng giữa thời buổi thị trường âm nhạc sôi động với nhiều sự lựa chọn, có thể coi là bước đi liều lĩnh của Nhà hát Tuổi trẻ. Đại diện lãnh đạo Nhà hát cũng cho biết, áp lực lớn nhất chính là làm thế nào để bán được vé và liệu chương trình có kéo dài được trọn con đường 100 năm âm nhạc Việt Nam không. “Nhưng chúng tôi cũng có sự tự tin của mình. Biết bao nhiêu người đã tâm sự làm sao để đủ tiền đi xem được chương trình nhạc trữ tình khi hầu hết là các show lớn và giá vé cũng không hề nhỏ. Với giá vé 300 - 500 - 700 như tại Nhà hát Tuổi trẻ hiện nay, rất nhiều người có thể thưởng thức. Chúng tôi sẽ linh hoạt và điều chỉnh hợp lí để càng có nhiều người đến với đêm nhạc hơn nữa”- NSND Lê Khanh khẳng định.

Trước những ồn ào tranh cãi gần đây về dòng nhạc xưa, Phó GĐ Nhà hát tuổi trẻ bày tỏ quan điểm: “Dòng nhạc này rất nhạy cảm. Nếu không cẩn thận, dòng nhạc này sẽ cản trở bước phát triển của con người, xã hội, làm cho con người bớt năng lượng sống tích cực, chỉ biết nằm dài hoài niệm xa xôi. Chúng tôi sẽ không chiều chuộng tính ủy mị, sự bi ai. Mỗi đêm nhạc sẽ cố gắng để khán giả cảm thấy một thế giới tâm hồn đẹp, tình con người rất sang trọng, tinh tế, lịch lãm”.

Tham gia dự án, NSND Lê Khanh cũng đảm nhận vai trò quan trọng: người dẫn chuyện trong suốt mỗi đêm nhạc. Đây không phải là lần đầu tiên khán giả thấy chị ở vai trò MC của một chương trình ca nhạc. Chất giọng thủ thỉ, trầm ấm của nữ nghệ sĩ đã góp phần tạo nên sự lắng đọng, lãng mạn cho chương trình.

Dấn thân với nhạc xưa ảnh 2

Cơ hội cho gương mặt trẻ

Một trong những điều khiến người ta lo ngại cho “cuộc chơi” lần này của Nhà hát Tuổi trẻ chính là chương trình ca nhạc lớn nhưng lại thiếu những “ngôi sao”. Hầu hết ca sĩ biểu diễn trong chương trình là nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ - những tên tuổi chưa nhiều sức hút với sân khấu ca nhạc. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Thanh vẫn tự tin khẳng định chương trình sẽ chinh phục khán giả bằng sự tử tế trong nghệ thuật và không phải chỉ có ngôi sao mới tỏa sáng. “Chúng tôi đặt tiêu chí thổi vào giá trị xưa cũ những nét đương đại, tinh tế. Làm sao để không quá lòe loẹt, hình thức, không dàn dựng bay bổng mà vẫn mang đậm giá trị văn học trong các tác phẩm khi được tái hiện, thể hiện sự tinh tế và gần gũi”- Nữ đạo diễn chia sẻ.

“Nhiều người nghĩ rằng ca sĩ trẻ hát nhạc xưa là quá sức, là khó truyền tải được sự sâu lắng, tinh tế của dòng nhạc này. Nhưng không phải. Chúng ta đã từng chứng kiến những ngôi sao nhí trên chương trình truyền hình thực tế đã lay động lòng người như thế nào với dòng nhạc Bolero. Bản thân Nhà hát Tuổi trẻ cũng từng có một thế hệ vàng ca sĩ hát nhạc trữ tình thành công như Vân Khánh, Ái Vân, Ngọc Tân, Lệ Quyên… Lớp sau này đang rất nổi danh như Ngọc Anh (Tam ca 3A), Bằng Kiều, Thu Phương,… Còn bây giờ thì tự hào có những tên tuổi đang thuộc biên chế nhà hát như Mạnh Đình, Ánh Tuyết, Kiên Trung, Tôn Sơn. Các em sẽ là những người thổi làn gió mới, trẻ trung, đầy sức sống vào dòng nhạc xưa”- NSND Lê Khanh nói.

Tuy dễ nghe nhưng bolero lại không phải là dòng nhạc dễ hát. Các ca sĩ sẽ phải học cách nhả hơi nhả chữ, nắn nót từng câu, từng lời. “Chính vì các nghệ sĩ đi trước thể hiện quá tốt đã vô tình tạo nên một áp lực khá lớn đối với ca sĩ trẻ. Dù vậy, việc tìm tòi và tạo ra nét riêng trong bài hát rất quan trọng. Chúng tôi luôn cố gắng tạo những nét riêng để ghi dấu ấn trong lòng khán giả, tránh hát rập khuôn, máy móc như một sự bắt chước”- Ca sĩ Ánh Tuyết (Đoàn Ca múa nhạc- Nhà hát Tuổi Trẻ) chia sẻ cảm xúc khi tham gia dự án “100 năm âm nhạc Việt Nam”.

Đây cũng là cơ hội “nghìn năm có một” để các nghệ sĩ trẻ trong Đoàn Ca múa nhạc được dịp thể hiện trước công chúng và các bầu sô. “Chúng tôi xác định đây là một dự án âm nhạc dài hơi. Nó sẽ không chỉ dừng lại 24 số, không chỉ dừng lại ở việc vinh danh các tác giả, nhạc sĩ của dòng nhạc trữ tình mà còn là sân khấu nghệ thuật đa sắc với nhiều loại hình khác như chầu văn, quan họ, chèo… Chắc chắn đó sẽ là mâm cỗ nghệ thuật đặc sắc cho khán giả thủ đô và cũng là cơ hội để các gương mặt tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ có cơ hội tỏa sáng”- Bà Hoài Oanh, Giám đốc công ty nghệ thuật Đông Đô khẳng định.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...